1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thái Bình:

Lão nông và đàn cò hơn 10 vạn con

(Dân trí) - Hơn 16 năm nay, khu vườn của gia đình ông Bùi Văn Tài là nơi trú ngụ của vô số loài chim trời. Cũng chừng ấy năm người đàn ông ấy không quản nắng mưa, khó khăn, vất vả tự tay chăm sóc, bảo vệ đàn cò vô giá như chính con đẻ của mình.

Nếu ai đến thôn Vị Giang, xã Chí Hòa, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, hàng ngày, cứ mỗi buổi chiều tà, nắng bắt đầu tắt, mặt trời xuống dần đến rặng tre, không khó để bắt gặp cảnh từng đàn cò bay lượn chao đảo trên khu vườn rộng 2ha của gia đình ông Bùi Văn Tài. Hơn 16 năm nay, người dân thôn Vị Giang đã quá quen thuộc với hình ảnh hàng vạn con cò bay lượn khắp vùng trời Chí Hòa.

Đàn cò bay lượn trên khu vườn rộng 2ha của gia đình ông Tài.
Đàn cò bay lượn trên khu vườn rộng 2ha của gia đình ông Tài.

Tìm đến gia đình chủ nhân vườn cò có hàng vạn con, tiếp chúng tôi bằng nụ cười hiền hậu, ông Bùi Văn Tài (sinh năm 1960) không ngần ngại kể lại cơ duyên của mình với đàn cò. Cũng từ cái cơ duyên ấy mà hơn 16 năm qua, ông Tài không quản nắng mưa, khó khăn, vất vả chăm sóc, bảo về đàn cò ấy như chính con đẻ của mình.

Dẫn chúng tôi ra thăm khu vườn rộng 2ha, là nơi trú ngụ của đàn cò hơn 10 vạn con, vừa đi ông Tài vừa kể lại chuyện đàn cò đến với gia đình mình. Sinh ra và lớn lên ở quê lúa Thái Bình, từ nhỏ ông đã biết đến cánh cò bay lượn trên những cánh đồng thẳng tắp.

Năm 1978, lúc tròn 18 tuổi, ông Tài lên đường tham gia nghĩa vụ quân sự tại Binh chủng Thông tin Quân Khu 3. Sau 7 năm tham gia trong quân ngũ, ông về quê phát triển kinh tế làm giàu. Sau nhiều năm chỉ làm kinh tế đồng ruộng quy mô nhỏ, đến năm 1994, ông Tài bàn với vợ nhận hơn 2ha khu đầm gần nhà để phát triển mô hình kinh tế VAC.


Nghĩ là làm, sau khi nhận hơn 2ha khu đầm gần nhà, ông còn lên tận các tỉnh Thái Nguyên và Yên Bái mua giống tre măng Bát độ, keo giống về trồng… Chẳng mấy chốc khu vườn 2ha của gia đình ông trở nên xanh tươi, bát ngát.

Khi khu vườn của gia đình ông Tài bắt đầu xanh mượt cũng là lúc cơ duyên giữa ông và đàn cò bắt đầu. Vào năm 1998, buổi sáng thức dậy, ông thấy trong vườn nhà mình không biết cơ man nào là cò trằng đậu chi chít trên các cành cây. Càng ngày đàn cò bay về trú ngụ càng đông, chúng bắt đầu làm tổ, sinh sôi nảy nở chật kín cả khu vườn.

Ông Tài tâm sự: “Ban đầu thấy cảnh đàn cò chi chít đậu ở vườn tôi cũng thoáng giật mình không hiểu chuyện gì. Nhưng nghĩ lại thấy đất có lành thì chim mới đậu, nên tôi cứ để đàn cò ở đó làm tổ, sinh sôi nảy nở. Đến nay đàn cò cũng đã lên đến hơn 10 vạn con”.

Ông Bùi Văn Tài đang chỉ khu vườn nhà nơi đàn cò trú ngụ.
Ông Bùi Văn Tài đang chỉ khu vườn nhà nơi đàn cò trú ngụ.

Lúc thấy đàn cò kéo về trú ngụ ở khu vườn nhà ông Tài, cũng đã có nhiều người đến săn bắn. Nhiều lần ông và người thân trong gia đình phải thức cả đêm để bảo vệ, ngăn chặn những người săn bắn chim. Điều đặc biệt là vào năm 2006, khu vườn nhà ông Tài xuất hiện một đàn sếu mỏ thìa, cò nhạn.
 
Theo nhận định của Chi cục Kiểm lâm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình, loài sếu mỏ thìa trên có xuất xứ từ Nhật Bản, là loài sếu quý hiếm nằm trong sách Đỏ. Cũng từ đó việc bảo vệ, chăm sóc đàn cò được ông Tài để ý và dành nhiều thời gian hơn. Đàn cò cứ thế ngày một sinh sôi, nảy nở dưới sự bảo vệ của gia đình ông Tài.

Hai vợ chồng ông Tài cũng bắt đầu trồng thêm cây xanh, cây tre giúp đàn cò có nơi trú ẩn và tạo thêm không gian sinh sống và phát triển cho đàn cò. Thấy không gian chật hẹp, đàn cò ngày càng phát triển nhiều hơn, nên vào năm 2012 ông Tài đã đầu tư hơn 240 triệu để trồng thêm tre và măng và bỏ 200 gốc thanh long mới trồng để trồng thêm cây xanh lâu năm. Đồng thời ông Tài cũng đầu tư xây dựng tường bao quanh ao để tránh sạt lở bờ, ảnh hưởng tới đàn cò. Nhờ những đóng góp và chăm sóc bảo vệ đàn cò, năm 2012, vườn cò nhà ông Bùi Văn Tài đã được Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà trao giấy khen về thành tích bảo vệ môi trường sinh thái.

Để tạo không gian phát triển cho đàn cò, gia đình ông Tài trồng thêm tre và cây xanh cho cò làm tổ.
Để tạo không gian phát triển cho đàn cò, gia đình ông Tài trồng thêm tre và cây xanh cho cò làm tổ.

Trong hơn 2ha đất vườn, gia đình ông Tài chỉ sử dụng một diện tích nhỏ để làm kinh tế theo mô hình VAC. Ông Tài cho biết, với ông đàn cò luôn là một phần rất quan trọng, nên ông sẽ không mở rộng diện tích chăn nuôi mà sẽ để dành không gian cho đàn cò sinh sống.

Ông Tài tâm sự: “Việc chăm sóc đàn cò cũng không phải dễ dàng, gia đình tôi cũng chẳng làm để thu lợi hay làm kinh tế, gia đình tôi chỉ làm để bảo tồn sinh thái và làm tăng thêm vẻ đẹp cho thiên nhiên”.

Đức Văn - T.Tuyển