Lão nông tự tay chặt bỏ gần chục hecta xoài để trồng đào

(Dân trí) - Rời bỏ thành phố, ông Chiêm lên vùng đất nghèo khai hoang lập nghiệp. Sau gần 20 năm hồi sinh vùng đất khó, lão nông nghèo ngày nào giờ đã trở thành “triệu phú” với vườn đào lớn nhất huyện miền núi Như Thanh.


Không cho đất nghỉ

Sinh ra ở huyện Thọ Xuân, xây dựng gia đình và lập nghiệp ở thành phố Thanh Hóa nhưng gần 20 năm qua, ông Trịnh Khắc Chiêm cùng gia đình lại gắn liền với vùng đồi núi ở thôn 3, xã Phúc Đường, huyện Như Thanh (Thanh Hóa).

Rừng đào rộng gần chục ha của gia đình ông Chiêm ở xã Phúc Đường, huyện Như Thanh.
Rừng đào rộng gần chục ha của gia đình ông Chiêm ở xã Phúc Đường, huyện Như Thanh.

Nhắc đến ông Trịnh Khắc Chiêm, không chỉ người dân địa phương mà lãnh đạo xã Phúc Đường, lãnh đạo huyện Như Thanh đều tỏ ra thán phục. Mô hình làm kinh tế đem lại hiệu quả cao của gia đình ông Chiêm giờ đây đang được các hộ dân địa phương học hỏi để xóa đói giảm nghèo.

Chúng tôi đến thăm rừng đào của gia đình ông Chiêm vào những ngày cuối năm, ông Chiêm đang tất bật phân lô để chuẩn bị bán hàng nghìn cây đào vào dịp Tết Nguyên đán năm nay. Ông cho biết, vụ đào năm nay gia đình ông sẽ xuất ra ngoài thị trường hơn 2.000 cây đào. Mỗi cây có giá bán trung bình từ 300.000 - 1.000.000đ.

 Ông Chiêm đang chăm sóc cho lứa đào sẽ bán vào Tết nguyên đán năm nay.
 Ông Chiêm đang chăm sóc cho lứa đào sẽ bán vào Tết nguyên đán năm nay.

Ông Chiêm chia sẻ về cơ duyên của mình đến với vùng đất khô cằn, sỏi đá này cách đây gần 20 năm về trước. Ông Chiêm kể: “Sau bao năm xa quê làm việc ở thành phố Thanh Hóa nhưng vợ chồng tôi cũng không đủ tiền để nuôi 3 con ăn học. Năm 1996, tôi đã quyết định về vùng núi Như Thanh nhận đất lập nghiệp”.

“Ngày đầu khi mới đến đây, vợ chồng tôi tưởng chừng như sẽ không sống nổi. Đồi núi rộng bạt ngàn là thế nhưng chỗ nào cũng khô cằn, cây cỏ dại mọc um tùm. Không có chỗ để mà dựng được túp lều ở chứ chưa nói đến chuyện trồng được cây gì”, bà Hàn Thị Lan vợ ông Chiêm tiếp lời.

Không nản chí, vợ chồng ông Chiêm bắt tay vào khai hoang vùng đất khó. Chỉ trong thời gian ngắn hàng chục ha đất đồi hoang vu đã được vợ chồng ông Chiêm khai phá. “Những năm đầu, gia đình tôi trồng mía bán cho nhà máy đường, mía cho thu hoạch nhiều nhưng không sao mà bán ra bên ngoài được vì con đường vào đây xe đạp đi còn khó chứ nói gì đến xe ôtô. Tôi phải bỏ tiền, công sức ra mở đường. Giờ con đường này cũng chính là đường lớn chiến lược của xã”, ông Chiêm cho biết thêm.

Sau nhiều năm trồng mía nhưng kinh tế gia đình vẫn không khá hơn là mấy. Do thị trường tiêu thụ mía ngày càng thu hẹp, giá bán lại thấp trong khi đó công bỏ ra cao. Ông Chiêm đã mạnh dạn đưa giống xoài từ trong nam về trồng. Vài năm đầu thu hoạch, xoài được mùa nhưng rớt giá. Tìm đủ mọi cách để phát triển làm giàu nhưng ông Chiêm đành phải chịu thua với thị trường nông sản.

Gần chục ha xoài xanh mướt, năm nào cũng trĩu quả, ông Chiêm đã phải tự tay mình chặt bỏ đi vì không bán được quả. Bao nhiêu thành quả lao động đều đổ xuống hồ, xuống suối hết. Quyết không chịu thua, không cho đất nghỉ, ông Chiêm tiếp tục đi học hỏi và tìm giống cây phù hợp để về làm giàu.

Triệu phú vườn đào

Dù mới chỉ trồng và chuyên canh cây đào 5 năm nay, nhưng đến nay gia đình ông Chiêm đã trở thành hộ gia đình trồng nhiều đào nhất huyện Như Thanh. “Gia đình tôi chuyển sang trồng đào được 5 năm nay. Lứa đào đầu tiên bán ra cách đây cũng được hơn 2 năm. Lúc đó mới chỉ hơn 1.000 cây, thu nhập chỉ khoảng hơn 200 triệu đồng. Từ năm nay trở đi, lượng đào mỗi năm gia đình tôi bán ra sẽ trên 2.000 cây”, ông Chiêm cho biết.

Lão nông “triệu phú” bên vùng đồi rộng lớn do chính tay mình khai phá gần 20 năm trước.
Lão nông “triệu phú” bên vùng đồi rộng lớn do chính tay mình khai phá gần 20 năm trước.

Cơ duyên đến với cây đào là sự tình cờ, năm 2010 sau khi thất bại từ trồng mía và xoài, trong lần đi chơi ông Chiêm thấy trong vườn của một gia đình địa phương có đây đào nở hoa rất đẹp. Lúc này, ông Chiêm lân la hỏi thông tin về cây đào và đi xin một số cây đào về vườn nhà mình trồng.

Thấy cây đào hợp với thổ nhưỡng, ra hoa đẹp, cộng với giá thị trường đào ngày Tết được, ông Chiêm nghĩ nay đến việc phát triển kinh tế từ cây đào. Từ đó, ông Chiêm bắt tay vào việc tìm và học hỏi kinh nghiêm trồng đào ở những vùng đào lớn trong và ngoài tỉnh, sau đó mua giống trồng trong trang trại của gia đình mình.

Từ những cây đào đầu tiên, hiện nay gia đình ông Chiêm đang trồng 6ha với hơn 8.000 cây đào. Ông Chiêm cho biết: “Sau vụ thu hoạch đào Tết năm nay, tôi sẽ mở rộng lên 10ha với hơn 1 vạn cây”.

Hỏi về bí quyết trồng đào mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, ông Chiêm chia sẻ: “Thực ra tôi cũng chẳng có bí quyết gì. Thấy cơ duyên mình đến với cây đào rồi đam mê nó mà trồng đến hôm nay. Cây đào tôi trồng có dáng bình dân dễ nhìn, giá cũng dễ mua nên nhiều người ưa thích. Đầu tư trồng đào không phải lo đầu ra nên không sợ lỗ. Năm nay không bán được năm sau cây đào đó sẽ vẫn bán được, có khi giá còn cao hơn nên yên tâm và rủi do ít hơn những loại cây khác”.

Ngoài việc trồng thành công giống đào trên vùng đất khó. Hiện nay, ông Chiêm đang tính đến chuyện tạo một thương hiệu riêng cho cây đào của mình để cạnh tranh với đào Xuân Du ở Thanh Hóa hay đào Nhật Tân ở Hà Nội.

Thời điểm này, hàng nghìn cây đào của gia đình ông Chiêm đã được khách hàng đến đặt mua gần hết. Với 2.000 cây đào bán ra năm nay, ông Chiêm dự kiến thu về 600 - 700 triệu đồng. Không chỉ là người đưa mô hình trồng đào đem lại hiệu quả kinh tế cao về vùng đất khó để cho nhiều hộ dân địa phương học hỏi. Hiện nay, gia đình ông Chiêm đang tạo việc làm cho 20 lao động thường xuyên có thu nhập ổn định 3 triệu đồng/người/ tháng. Nhờ làm kinh tế giỏi, ba người con của ông bà cũng được học hành đến nơi đến chốn, hiện này đều có việc làm ổn định tại Hà Nội.

Ông Lê Văn Luân - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Đường cho biết, gia đình ông Chiêm là hộ dân luôn đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế của địa phương. “Với việc đưa vào trồng thành công cây đào và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong những năm tới, địa phương sẽ phối hợp với gia đình ông Chiêm để mở rộng diện tích trồng đào, nhân rộng tới các hộ gia đình khác. Hi vọng trong tương lai địa phương sẽ có vùng chuyên canh cây đào lớn chẳng khác gì ở Xuân Du”.

Ông Lê Việt Hà - Chánh văn phòng UBND huyện Như Thanh chia sẻ: “Gia đình ông Chiêm là hộ dân có diện tích trồng chuyên canh đây đào lớn nhất huyện hiện nay. Vùng đào nổi tiếng Xuân Du của huyện hiện nay cũng không hơn diện tích của gia đình ông Chiêm. Đây là điểm sáng mới trong việc phát triển kinh tế của huyện. Huyện luôn tạo mọi điều kiện để không chỉ gia đình ông Chiêm mà nhiều hộ dân khác phát triển cây đào và tạo thương hiệu riêng cho đào ở xã Phúc Đường”.

Thái Bá