TPHCM:
Lao động trẻ em ngày càng tăng
(Dân trí)- Bà Phan Thanh Minh, Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Sở Lao động - Thương binh & Xã hội) cho biết: “Tại TPHCM, tỷ lệ trẻ em làm thuê kiếm sống có chiều hướng tăng, nhất là ở lứa tuổi từ 14 đến 16 tuổi”.
Tại buổi tọa đàm “Bàn biện pháp giải quyết vấn đề liên quan đến lao động trẻ em”, các cơ quan chăm sóc trẻ em TPHCM đưa ra những con số nhức nhối chứng minh thực trạng trẻ em đang bị bốc lột sức lao động thậm tệ, làm quần quật mà tiền công nhận được vô cùng ít ỏi.
Đối với trẻ làm tại các xưởng giày tư nhân, tùy loại mà các em được trả công từ 2.100 – 3.500 đồng/đôi, mỗi ngày làm được chừng 4 – 8 đôi thì tối đa mỗi ngày các em cũng chỉ làm chưa được 30.000 đồng. Trẻ em làm nghề bán hàng rong, vé số, lượm ve chai, đánh giày, bán báo… thì bình quân cũng chỉ kiếm được chừng 20.000 đồng/ngày.
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH TPHCM thì có những trẻ từ 6 – 10 tuổi đã phải đi làm thuê với công việc phụ giúp bố mẹ (cũng là người làm thuê) chỉ kiếm được chừng 300.000 – 500.000 đồng/tháng. Nhóm trẻ từ 10 – 16 tuổi có thể kiếm được thu nhập bằng một nửa người lớn…
Tuy nhiên, thời gian làm việc của đối tượng trẻ em thường rất dài, vượt quá thời gian lao động quy định. Có nơi làm từ sáng sớm đến tối mịt. Các em chủ yếu đến làm công theo dạng gia đình gửi gắm nên không có người lớn đi cùng để bảo vệ quyền lợi cho mình.
Theo bà Phan Thanh Minh, Trưởng phòng bảo vệ chăm sóc trẻ em thì tỷ lệ trẻ em làm thuê kiếm sống đang có chiều hướng tăng, nhất là ở lứa tuổi từ 14 đến 16 tuổi. Trong đó có khoảng 15% số trẻ phải làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại như các ngành gia công gỗ, xây dựng…
Ngoài ra, theo đại diện Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em thì nhiều em phải làm việc trong điều kiện tồi tệ, nguy cơ bị xâm hại và lạm dụng tình dục khá cao.
Vẫn khó giải quyết
Theo các đại diện tham gia tọa đàm thì hiện các cơ sở gia công nhỏ lẻ, các hộ kinh doanh nhỏ tại TPHCM phát triển khá nhanh, cần lượng lớn công nhân rẻ mạt để tăng lợi nhuận nên tìm mọi cách lôi kéo trẻ em đến làm việc, đặc biệt là trẻ ở các vùng quê nghèo.
Dù vấn nạn này được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, các ban ngành ra quân kiểm tra liên tục nhưng năm nào cũng phát hiện nhiều vụ các cơ sở bốc lột sức lao động trẻ em. Gần đây nhất là đầu tháng 6, các cơ quan chức năng xử phạt hàng loạt cơ sở sử dụng lao động trẻ em trái phép sau khi báo chí phanh phui.
Theo các cán bộ LĐ-TB&XH địa phương thì rất khó quản tình trạng này vì cán bộ địa phương không đủ nhân sự để giám sát hết được. Các chủ thuê cũng tìm mọi cách đối phó như dùng giấy ủy quyền của cha mẹ trẻ làm thuê hoặc trẻ làm thuê khai là người thân của chủ thuê. Muốn tìm chứng cứ để xử phạt thì phải giám sát chặt chẽ, phải cần lực lượng hùng hậu.
Ngoài ra, theo bà Mai Thị Hoa thì cần liên kết với các tỉnh thành để nghiên cứu kỹ hơn nguyên nhân hàng đầu dẫn đến vấn nạn này. Theo bà thì đói nghèo có lẽ không phải là nguyên nhân chính.
Một vị kể câu chuyện một cán bộ bảo trợ xã hội phát hiện có trẻ bị mẹ ruột bắt đi bán hoa tại khu vực phường Phạm Ngũ Lão, quận 1. Cán bộ này đề nghị bà mẹ nếu không có điều kiện chăm sóc con thì cho em vào cơ sở để được chăm sóc tốt hơn. Tuy nhiên, bà mẹ đề nghị chỉ cho em vào ở ban ngày, còn ban đêm về bán hoa cho bà. Bởi mỗi ngày em bán ở đây kiếm được gần 200.000 đồng cho bà mẹ. Rõ ràng ở đây trẻ bị bắt đi làm không phải vì đói nghèo.
Theo ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng ban Văn hóa Xã hội (HĐND TP) thì vấn nạn này khó giải quyết một phần cũng vì các ban ngành chưa làm quyết liệt, đồng bộ. Để giải quyến vấn nạn này, theo ông thì mỗi ngành phải ghé một vai, điều tra nắm rõ tình hình rồi tập trung xử lý đột phá. Nếu cần thì kiến nghị HĐND TP có chính sách cụ thể cho vấn đề này.
Tùng Nguyên