Lao động Thanh Hóa bị tẩy chay: Sẽ tham mưu cho UBND tỉnh
(Dân trí) - Liên quan đến thông tin người lao động Thanh Hóa bị các doanh nghiệp tại Bình Dương tẩy chay, Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa cho biết sẽ tham mưu cho UBND tỉnh để có ý kiến về vấn đề trên.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lê Quang Tích - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa - cho biết: “Thực ra, vấn đề lao động Thanh Hóa - Nghệ An và Hà Tĩnh bị tẩy chay mấy năm trước tôi cũng có nghe nói. Phân biệt đối xử như thế là không đúng. Trong một tập thể đông người, không thể tránh khỏi những cái này, cái kia; cũng có những người tốt, người xấu”.
Theo ông Tích, phía các doanh nghiệp có quyền tuyển dụng hay không tuyển dụng. Điều quan trọng là người lao động phải có ý thức chấp hành kỷ cương, đúng luật lao động.
Khi được hỏi về con số lao động Thanh Hóa đang làm việc tại Bình Dương, ông Tích cho biết không nắm được.
Cũng theo ông Tích, giữa hai địa phương có quan hệ rất tốt, thường xuyên trao đổi với nhau và nhiều doanh nghiệp cũng đặt vấn đề tuyển dụng lao động Thanh Hóa. Thanh Hóa cũng là nơi cung cấp nguồn nhân lực lớn cho các địa phương trên cả nước.Theo ý kiến của đại diện Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa, chính quyền địa phương các cấp phải vào cuộc tuyên truyền cho người lao động và các đơn vị. Bên cạnh đó, người lao động cũng cần phải nâng cao trách nhiệm, ý thức và lòng tự trọng. Cái khó của vấn đề là các ngành chức năng sở tại chưa có văn bản thông báo không tuyển lao động Thanh Hóa, nên Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa chưa thể có ý kiến.
“Chắc cũng chỉ một vài công ty nhỏ, muốn vào cuộc là phải cả hệ thống chính trị, chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND tỉnh để tỉnh có ý kiến chỉ đạo. Vì mọi việc chưa chính thống nên chưa thể có ý kiến lên Bộ được. Tuy nhiên cũng phải nắm bắt thực tế đời sống người lao động để từ đó có ý kiến. Về phía Sở sẽ chỉ đạo anh em kiểm tra cụ thể lại vấn đề để báo cáo UBND tỉnh. Vấn đề này không thể bỏ qua được mà phải hỏi lại phía trong kia. Cho đến thời điểm này, đơn vị chưa nhận được văn bản nào thông báo về tình trạng người lao động Thanh Hóa bị tẩy chay tại tỉnh Bình Dường”, ông Tích cho biết thêm.
Việc phân biệt đối xử không công bằng của một số doanh nghiệp với người lao động Thanh - Nghệ - Tĩnh đã khiến nhiều lao động gặp không ít khó khăn. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2012, đã có gần 6.000 lao động Thanh Hóa chuyển bảo hiểm thất nghiệp từ các tỉnh phía Nam về địa phương.
Duy Tuyên