1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Lao động đình công bất hợp pháp sẽ phải bồi thường

(Dân trí) - “Gác” lại qui định về tuổi nghỉ hưu của lao động nữ (Luật Bình đẳng giới); lao động đình công bất hợp pháp sẽ phải bồi thường thiệt hại (Luật Lao Động) là những điểm đáng chú ý trong số 6 dự án luật được QH thông qua trong buổi làm việc hôm qua, 21/11.

Tạm “gác” qui định tuổi nghỉ hưu của nữ

 

Quy định về tuổi nghỉ hưu của lao động nữ là vấn đề gây nhiều tranh cãi giữa các đại biểu QH khi thảo luận về Luật Bình đẳng giới.

 

Trong phiên thảo luận tại hội trường chiều 26/10 vừa qua, có ý kiến cho rằng qui định lao động nữ nghỉ hưu sớm ảnh hưởng đến những quyền lợi của phụ nữ như lương hưu thấp, khó qui hoạch, bổ nhiệm cán bộ… Tuy nhiên, lại cũng có ý kiến đại biểu phản đối, cho rằng đa số chị em đều mong muốn nghỉ hưu ở tuổi 55, chỉ một số ít lao động nữ làm việc trong lĩnh vực quản lý hoặc công việc có thu nhập cao mới có nhu cầu làm thêm, và nếu qui định tuổi nghỉ hưu bằng nhau là thiếu trách nhiệm với chị em. 

 

Theo Ủy ban Thường vụ QH (UBTVQH), đây là vấn đề  còn nhiều ý kiến khác nhau vì liên quan đến quyền lợi trực tiếp của hàng triệu người lao động nên cần tiếp tục nghiên cứu, khảo sát, tổng kết thực tiễn, lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân để làm cơ sở sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến tuổi nghỉ hưu và hưởng chế độ hưu trí cho phù hợp.

 

QH quyết định tạm “gác” lại qui định này và Luật Bình đẳng giới đã được thông qua với 72,79% đại biểu tán thành.

 

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2007

 

Lao động đình công bất hợp pháp phải bồi thường

 

Luật sửa đổi, bổ xung một số điều của Bộ luật lao động cũng đã được thông qua với 78,86% tán thành.

 

Qui định về việc “người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lãnh đạo đình công và người lao động tham gia đình công  bất hợp pháp phải bồi thường thiệt hại vật chất” khi đưa ra thảo luận cũng nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Đại biểu Nguyễn Đức Dũng (Kon Tum) khi góp ý dự thảo luật cho rằng qui định như vậy có vẻ không hợp lý vì người lao động chỉ biết khi quyền lợi của mình bị xâm phạm, không giải quyết được thì đình công.

 

Theo giải trình của UBTVQH, qui định phải bồi thường là cần thiết, phù hợp với nguyên tắc ai có lỗi phải bồi thường và ngăn ngừa các cuộc đình công bất hợp pháp, thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động phát triển, mang lại sự yên tâm cho các nhà đầu tư.

 

Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ xung vừa được thông qua tại điều 179 qui định: “Trong trường hợp cuộc đình công là bất hợp pháp gây thiệt hại cho người sử dụng lao động thì tổ chức, cá nhân tham gia đình công có lỗi phải bồi thường thiệt hại theo qui định của pháp luật”.

 

Ngoài ra, theo qui định của Bộ luật Lao động vừa được thông qua, đình công phải do BCHCĐ cơ sở hoặc BCHCĐ lâm thời tổ chức và lãnh đạo. Đối với doanh nghiệp chưa có BCHCĐ cơ sở (hoặc BCHCĐ lâm thời) thì việc tổ chức và lãnh đạo đình công phải do đại diện được tập thể lao động lao động cử và việc cử này đã được thông báo với công đoàn cấp huyện hoặc tương đương.

 

Luật này có hiệu lực thi hành từ 1/7/2007

 

Cũng trong ngày 21/11, QH đã biểu quyết thông qua 4 dự án luật khác là Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác; Luật Dạy nghề; Luật Thể dục thể thao; Luật đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

 

Đức Hòa