1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Nga Putin thăm Việt Nam
  3. Metro số 1 TPHCM

TPHCM:

Lao đao vì muỗi như “vãi trấu” suốt ngày đêm

(Dân trí) - Vào thời điểm chuyển giao giữa mùa mưa và mùa khô, người dân các vùng ven TPHCM phải gian nan chống chọi với nạn muỗi. Nguy cơ dịch sốt xuất huyết bùng phát đang đe dọa người dân thành phố.

Lao đao vì muỗi như “vãi trấu” suốt ngày đêm - 1

Những kênh rạch tù đọng ô nhiễm như thế này chính là đại ổ muỗi
 
Khi những cơn mưa bắt đầu thưa dần, nhiều kênh rạch ô nhiễm, nước đặc quánh, tạo môi trường thuận lợi cho các ổ muỗi phát triển. Cư dân quanh các dòng kênh bị ô nhiễm như Nhiêu Lộc, Tàu Hủ, Lò Gốm ngày đêm khốn khổ vì muỗi.

 

Điểm bùng phát muỗi dữ dội nhất là khu vực dọc kênh Rạch Lăng thuộc quận Bình Thạnh. Đây được xem như dòng kênh chết bởi vì nước không thể lưu thông được do đập ngăn triều cường tại điểm giao giữa Rạch Lăng với sông Sài Gòn luôn trong trạng thái đóng chặt. Cỏ dại lục bình, rác thải… đặc kín rạch. Tại đây, muỗi tập trung thành từng đàn lớn bay như “vãi trấu”, tấn công vào các hộ gia đình sống ven con rạch.

 
Lao đao vì muỗi như “vãi trấu” suốt ngày đêm - 2
 

Người dân ở đây vẫn chưa quên đợt muỗi gây bệnh sốt suất huyết khiến cả chục người phải nhập viện vào năm 2005. Ông Nguyễn Thành Châu lo ngại: “Như mọi năm thì muỗi chỉ nhiều vào mùa mưa nhưng năm nay chẳng hiểu sao mùa mưa đã kết thúc mà muỗi lại bùng phát dữ dội hơn. Ban ngày cũng như ban đêm đứng ngồi chỗ nào cũng bị muỗi chích. Gia đình tôi có hai cháu nhỏ, thường xuyên phải giữ chúng ở trong mùng, thà tốn công giữ chúng còn hơn để cháu mình phải nhập viện vì sốt xuất huyết”.

 

Chung cảnh với khu vực Rạch Lăng, những người dân sống quanh vùng đê bao thuộc phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức cũng đang lao đao vì muỗi. Dù đã dùng đủ các biện pháp từ nhang muỗi cho đến bình xịt nhưng vẫn chẳng có mấy tác dụng. “Hơn 1 tháng nay, mỗi đêm trước khi đi ngủ tôi đều xịt thuốc muỗi nhưng hôm nào bất cẩn để tay sát mùng thì sáng mai thức dậy thấy đến cả hàng trăm nốt đỏ au”, chị Bùi Hương Giang, nhà ở đường số 16, hiệp Bình Chánh cho biết.

 

Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM, khuyến cáo: Muốn khống chế được dịch SXH trước hết phải diệt được các ổ loăng quăng. Những ổ này tồn tại ở vật chứa nước đọng nằm trong nhà hay tại các công trình bỏ hoang, kho bãi, những nơi trồng loại cây cảnh sống trong nước, máng xối ngoài ban công, bờ mương…

Khu vực hồ cá sinh viên, phía sau trường Đại học KHXH & NV, điểm được xem là “cái rốn” của nước thải trong làng Đại học Thủ Đức, nước hồ sánh đen; lăng quăng, bọ gậy nhung nhúc. Chỉ cần khua tay vào các bụi cỏ um tùm quanh hồ là hàng ngàn con muỗi bay ra.

 

Nguyễn Thành Nam, sinh viên Khoa cơ  khí trường Đại học Nông Lâm, chỉ một đêm nằm ngủ quên mà hôm sau phải nhập viện vì sốt xuất huyết, mất gần 10 ngày trong viện.

 

Qua trao đổi với PV Dân trí, bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng I cho biết: “Số trẻ em mắc bệnh sốt xuất huyết những ngày sau tết dương lịch có chiều hướng đông hơn so với mọi năm. Các bậc cha mẹ cần chú ý chăm sóc trẻ để tránh cho các cháu bị muỗi chích vì bản thân các cháu chưa có ý thức bảo vệ mình khi bị muỗi tấn công.” 
 
Lao đao vì muỗi như “vãi trấu” suốt ngày đêm - 3
Phun thuốc diệt muỗi cũng không ăn thua

 

Ở các khu vực có muỗi bùng phát, việc phun thuốc không thể mang lại hiệu quả tốt nhất. Người dân được khuyến cáo nên thường xuyên vệ sinh các nguồn dự trữ nước để lăng quăng, bọ gậy không còn chỗ sinh sôi.

 

Vân Sơn