1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Lao đao vì hơn 1.300ha nghêu chết

(Dân trí) - Ông Nguyễn Quốc Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang), cho biết, trong thời gian qua trên địa bàn có khoảng 1.300ha nghêu của gần 185 hộ dân bỗng nhiên chết trắng cả bãi biển. Tổng thiệt hại khoảng 300 tỉ đồng.

Xác xơ vùng nghêu chết

Dọc gần 1km bờ biển Tân Thành, nhiều xác nghêu mới chết đang bị những cơn sóng biển đánh dập dềnh dọc bờ biển. Những xác nghêu chết trước đó trắng toát cũng đang nằm phơi mình từ nhiều ngày qua. Không khí ảm đạm bao trùm cả một vùng quê ven biển, cả ngày cũng chẳng thấy bóng dáng người nào ra bãi biển để thăm những sân nghêu.

Theo thống kê của xã Tân Thành, nghêu chết nhiều nhất ở ấp Cầu Muống, Cây Bàng, Tân Phú với tỷ lệ từ 40 - 80%, có sân nghêu chết 100%.
 
Nghêu chết trắng cả bãi biển Tân Thành (huyện Gò Công Đông, Tiền Giang).
Nghêu chết trắng cả bãi biển Tân Thành (huyện Gò Công Đông, Tiền Giang).

Ông Trần Văn Vinh (60 tuổi), người nuôi nghêu thử nghiệm đầu tiên tại biển Tân Thành với hơn 30 năm kinh nghiệm, cho biết, nhà tôi nuôi khoảng 30ha nghêu thịt chuẩn bị đến lúc thu hoạch, mới làm họp đồng với công ty mua nghêu hôm trước thì vài hôm sau nghêu đã chết gần hết, chết trắng cả bãi biển mà không biết lý do. “Trong lịch sử nuôi nghêu ở đây chưa bao giờ thấy nghêu chết nhiều và thiệt hại nặng như năm nay” - ông Vinh ngao ngán nói.

Theo những hộ nuôi nghêu thì có khả năng do nắng nóng, độ mặn cao, gió chướng, gió mùa đông bắc là những cơn gió rất độc với nghêu đã làm ảnh hưởng đến môi trường làm nghêu chết nhiều đến như vậy. Nhiều người còn cho biết, gần đây bọc ni lông cũ từ hồi nào không biết từ đâu mà cứ trôi dạt về khu nuôi nghêu ngày một nhiều mà từ trước tới giờ chưa có hiện tượng này bao giờ.

Còn ông Nguyễn Văn Nhịn, một trong những hộ nuôi nghêu bị chết đầu tiên, cho biết,  những năm trước thường nghêu chết từ tháng 2 đến tháng 3 âm lịch, nhưng năm nay nghêu chết từ tháng chạp, sớm hơn dự đoán của người nuôi nghêu hơn 2 tháng nên khi thấy nghêu chết cả bãi biển và bất ngờ như vậy người dân cũng không biết xoay sở ra sao.

“Tôi liên kết cùng mấy anh em góp vốn nuôi gần 50ha nghêu, chưa bán được con nghêu nào thì nghêu đã chết gần hết, chết nhẹ nhất còn khoảng 40%, còn nặng nhất  là 90 - 100%. Với giá bình quân từ 20.000 - 25.000 đồng/kg thì thiệt hại đến 12 tỷ đồng. Hiện nghêu chết đến 60%, còn 40% số còn lại thì giờ cũng chưa biết được sẽ sống được không” - ông Nhịn ngồi buồn rầu nhẩm tính.
 
Ông Nguyễn Văn Nhịn buồn rầu vớt những xác nghêu chết bị sóng đánh dạt vào bờ biển.
Ông Nguyễn Văn Nhịn buồn rầu vớt những xác nghêu chết bị sóng đánh dạt vào bờ biển.

Nghêu chết không những ảnh hưởng trực tiếp tới những người nuôi nghêu mà còn ảnh hưởng đến hàng ngàn người lao động ở xã Tân Thành và các xã lân cận không có công ăn việc làm. “Mọi năm, giờ này là giờ cao điểm để thu nghêu nên phải có một lượng lớn lao động mới thu nghêu kịp thời. Giờ nghêu chết sạch thì lấy đâu nghêu cho người dân làm” - ông Vinh nói.

Người nuôi nghêu lao đao

Đối với những người dân nuôi nghêu tại xã Tân Thành, nuôi nghêu cũng như đánh bạc vậy, mà trong “canh bạc” này, tất cả mọi người đều thua rất thê thảm, cuộc sống của nhiều hộ dân lâm vào cảnh khốn đốn, nợ nần trồng chất.

Theo những người nuôi nghêu kinh nghiệm như ông Vinh, ông Nhịn, ông Mánh, ông Quân…, liên tiếp 5 năm liền nghêu đều chết nhưng chết theo luồng nước còn năm nay thì nghêu chết nhiều nhất, chết nhanh nhất và thiệt hại cũng lớn nhất. Những năm trước, giá trị đầu tư ít nên cũng đỡ, năm nay chết nhiều, đối với những người có vốn nhà thì gần như mất hết vốn, người có vốn vay thêm hoặc vay hoàn toàn thì coi như phá sản, trắng tay luôn.
 
Ông Nguyễn Văn Nhịn buồn rầu vớt những xác nghêu chết bị sóng đánh dạt vào bờ biển.
Anh Trần Quốc Cường (con trai ông Vinh) kiểm tra nghêu giống mà gia đình ông Vinh đang nghiên cứu để nuôi trong thời gian từ tháng 4 âm lịch.

Theo ông Vinh dự tính, 5 năm liên tiếp nghêu chết theo một quy luật từ tháng giêng đến tháng 3 âm lịch, vì vậy thời gian sử dụng đất xác thực chỉ có 50 % từ tháng 4 âm lịch đến tháng 10, 11 âm lịch. Chính vì vậy, muốn sử dụng thời gian trên biển tránh nghêu chết thì phải thay đổi quy cách con giống lớn để nuôi nghêu trong khoảng thời gian hợp lý. Bài toán khó là để làm con giống sao cho nuôi đúng thời gian từ tháng 4 âm lịch thì sẽ ít bị ảnh hưởng hơn và chúng tôi vẫn đang nghiên cứu để có nghêu giống cho thời gian tới.

Sau vụ nuôi nghêu này, để khắc phục được phong trào nuôi nghêu như những năm trước quả thực là một điều rất khó đối với những người nuôi nghêu nơi đây. Người dân mong muốn Nhà nước cũng như các cơ quan chức năng xem xét lại để hỗ trợ giảm 50% hay miễn giảm 2-3 năm tiền thuê đất để người dân có thể phục hồi lại nghề nuôi nghêu.

“Nhưng dù thế nào thì việc khôi phục lại nghề nuôi nghêu như trước cũng rất khó vì nhiều người dân không những trắng tay mà trở thành con nợ sau vụ nghêu chết này. Tôi chỉ tiếc cho phong trào nuôi nghêu ở đây sẽ không còn nữa” - ông Vinh trăn trở.

Trao đổi với PV Dân trí về tình hình và thực trạng nghêu tại xã Tân Thành, bà Huỳnh Thị Tỏ, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông (Tiền Giang), cho biết, nghêu chết đang là vấn đề nóng của địa phương và được theo dõi hàng ngày. Theo thống kê sơ bộ, số diện tích nuôi nghêu bị thiệt hại khoảng hơn 1.200ha, trong đó diện tích thiệt hại thấp nhất là 50%, nhiều nhất là 100%.

Những ngày qua, huyện đã phối hợp với Chi Cục Thú y, Chi cục thủy sản và các ngành tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng vùng nuôi nghêu Gò Công để tìm hiểu nguyên nhân. Tiếc rằng nhiều năm qua vẫn chưa có cơ quan nào đưa ra được nguyên nhân cụ thể vì sao con nghêu bị chết.

“Còn đối với chính sách hỗ trợ người nuôi nghêu bị thiệt hại, hiện nay huyện đang phối hợp với các ngành để thống kê, đánh giá tình hình thực tế sau đó mới có đề xuất với tỉnh về các chính sách hỗ trợ người nuôi nghêu bị thiệt hại như thế nào, còn hiện tại chưa có chính sách hỗ trợ nào được thực hiện” - bà Tỏ nói.

Ngọc Thụ