1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Lãnh đạo VNPT nói gì về vụ nâng khống giá thiết bị?

(Dân trí) - Trong những ngày qua hàng loạt bài báo đã đưa nhiều thông tin khác nhau về việc một số đơn vị tư nhân do Nguyễn Lâm Thái cầm đầu đã nâng khống giá thiết bị và ăn chia phần trăm với các bưu điện địa phương. Báo điện tử Dân trí đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Bá Thước, Phó Tổng Giám đốc VNPT xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, báo chí đã đưa nhiều thông tin về việc một số đơn vị tư nhân cấu kết nâng khống giá thiết bị và ăn chia phần trăm với các bưu điện địa phương. Xin ông cho biết ý kiến của lãnh đạo Tổng công Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) về vụ việc này?.

Trước tiên, chúng tôi xin cảm ơn báo chí và cơ quan điều tra đã giúp VNPT làm rõ một vụ án kinh tế nghiêm trọng có liên quan đến các đơn vị trong ngành. Bản thân VNPT đang tập trung rà soát, kiểm tra tất cả các bộ phận, các công văn, giấy tờ, hợp đồng liên quan đến công ty của Nguyễn Lâm Thái.

Theo điều tra ban đầu của báo điện tử Dân trí, đối tượng Nguyễn Lâm Thái đã có hành vi tẩy xoá, sửa đổi công văn của VNPT. Công văn số 6305 ngày 22/10/2003 của VNPT chỉ có nội dung hướng dẫn các địa phương lắp đặt các phù điêu phục vụ SEA Games 22, không liên quan đến việc mua sắm các thiết bị bưu điện.

Được biết vừa qua, Bộ trưởng Bưu chính Viễn thông Đỗ Trung Tá đã yêu cầu VNPT điều tra xử lý nghiêm vụ việc, kết quả kiểm tra phải được báo cáo cho Bộ trưởng trước ngày 20/6/2005.

Với sự giúp đỡ của cơ quan công an, bước đầu chúng tôi có thể khẳng định Thái đã có hành vi tẩy xoá, sửa đổi công văn của VNPT để làm việc với bưu điện địa phương. Công văn này nguyên bản chỉ hướng dẫn về việc lắp đặt các bức phù điêu, biển hướng dẫn về dịch vụ bưu chính viễn thông cho khách nước ngoài, khách du lịch tại các thành phố diễn ra SEA Games.

Còn việc mua bán thiết bị viễn thông, Thái đã chủ động cấu kết với các công ty tư nhân khác làm báo giá cao hơn bản báo giá mà Thái giả mạo của Trung tâm Tư vấn và Kiểm định giá của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), dẫn đến việc các bưu điện địa phương bị đánh lừa khi ký hợp đồng.

Như vậy, có thể thấy rằng sai phạm này bắt nguồn từ hành vi lừa đảo của Nguyễn Lâm Thái và đồng bọn.

Thưa ông, theo thông tin của cơ quan điều tra, một trong những “bảo bối” mà Thái đưa ra để ký hợp đồng với các bưu điện địa phương là công văn đóng dấu hoả tốc do chính tay ông ký. Ông có thể cho biết cụ thể nội dung chỉ đạo của công văn này?

Công văn số 6305 ngày 22/10/2003 do tôi ký với nội dung hướng dẫn các bưu điện địa phương lắp đặt các phù điêu phục vụ SEA Games 22.

VNPT tham gia SEA Games 22 với hai nhiệm vụ: Cung cấp hạ tầng Bưu chính Viễn thông và là nhà tài trợ chính, đối tác chính thức của SEA Games 22.

VNPT đã đầu tư trên 400 tỷ đồng cho hạ tầng bưu chính viễn thông và tài trợ trên 10 tỷ đồng cho SEA Games 22. Trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games 22, lãnh đạo Uỷ ban Thể dục thể thao đã gửi thư cho chúng tôi đề nghị hỗ trợ lắp đặt các phù điêu giới thiệu dịch vụ bưu chính viễn thông tại các khu vực thi đấu để tạo thuận lợi cho các vận động viên và khách nước ngoài.

Lãnh đạo VNPT thống nhất chấp nhận đề nghị này với mục tiêu đóng góp vào sự thành công của SEA Games 22. Đây là nội dung đột xuất, không nằm trong kế hoạch tổng thể về quảng cáo tuyên tuyền phục vụ SEA Games 22 mà VNPT chủ động xây dựng và triển khai.

Do thời gian diễn ra SEA Games 22 đã tới gần và nội dung công việc là không lớn và hoàn toàn nằm trong thẩm quyền quyết định của VNPT về việc sử dụng nguồn kinh phí quảng cáo khuyến mãi (giá trị hợp đồng nhỏ nên không phải thực hiện qua đấu thầu). VNPT đã giao Ban Giá cước tiếp thị tổ chức cuộc họp với các đơn vị liên quan và có công văn chỉ gửi các đơn vị có địa điểm thi đấu SEA Games 22 triển khai (có danh sách cụ thể).

VNPT không đàm phán và chỉ đạo về giá vì giá cả phụ thuộc vào địa bàn lắp đặt, kính thước phù điều phù hợp, thủ tục và chi phí xin cấp phép. VNPT chỉ hướng dẫn để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, đảm bảo những điều kiện cơ bản để hợp đống được chặt chẽ, đúng pháp luật, đúng qui định.

Theo ông liệu có sự hiểu nhầm ở các bưu điện địa phương khi triển khai các văn bản của VNPT trong việc lắp đặt các phù điêu phục vụ SEA Games 22 dẫn đến việc mua bán camera và các thiết bị bưu điện khác không?

Không thể có việc hiểu nhầm như vậy.

Thứ nhất, theo báo chí nêu thì việc mua bán camera đã diễn ra từ năm 2002, trong khi đó công văn của VNPT liên quan đến việc lắp đặt phù điêu phục vụ SEA Games 22 là vào cuối năm 2003 .

Thứ hai, việc lắp đặt các phù điêu sử dụng nguồn kinh phí quảng cáo khuyến mãi, còn việc mua các camera và thiết bị bưu điện khác sử dụng nguồn vốn đầu tư phân cấp mà các đơn vị được VNPT phân cấp thực hiện và phải thực hiện theo các qui định của nhà nước về đầu tư xây dựng cơ bản và qui chế đấu thầu.

Do đó các đơn vị không thể nhâm lẫn hai việc này được.

Hơn thế nữa, các đơn vị không thể dựa vào văn bản photocopy đã bị thay đổi nội dung để thực hiện hợp đồng mà phải căn cứ vào văn bản chính thức do VNPT gửi qua đường công văn. Công văn này, như đã nêu trên được gửi qua đường chính thức đến các đơn vị có địa điểm thi đấu SEA Games 22.

Theo ông, công văn của VNPT gửi các bưu điện tỉnh, thành được đăng tải trên 1 số báo chí vừa qua là văn bản đã bị sửa đổi, không đúng với bản gốc?

Đúng như vậy. Công văn này đã được photocopy, cắt dán thay đổi nội dung.

Trước hết, công văn của VNPT chỉ gửi tới 11 bưu điện địa phương có địa điểm thi đấu SEA Games 22 chứ không phải tới tất cả các bưu điện tỉnh thành như báo chí nêu. Thứ hai là công văn của VNPT không đóng dấu hỏa tốc như vậy.

Do nội dung công văn đăng trên các báo quá mờ nên nội dung đã được cắt dán thay đổi cụ thể thế nào thì phải so với bản gốc mới kết luận cụ thể được. Bản gốc của công văn này chúng tôi đã cung cấp cho cơ quan điều tra để làm rõ hành vi giả mạo giấy tờ.

Có dư luận cho rằng vụ sai phạm này xảy ra là do có sự “giúp đỡ” của nhiều cán bộ quản lý các cấp của ngành bưu điện?

Việc có sự giúp đỡ của các cán bộ trong ngành hay không và mức độ cụ thể như thế nào trong vụ việc này phải chờ kết luận của cơ quan điều tra.

Ngay khi cơ quan điều tra tiếp xúc để làm rõ vụ việc, chúng tôi đã cung cấp tất cả các văn bản giấy tờ có liên quan. Hiện VNPT đang khẩn trương tiến hành các biện pháp thanh tra, kiểm tra và làm báo cáo chi tiết về vụ việc trước ngày 20/6 theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông. 

Đối với các bưu điện địa phương và một số cán bộ liên quan, VNPT sẽ làm rõ trách nhiệm, xác định đâu là hành vi tiếp tay để vụ lợi, đâu là vi phạm do yếu kém về quản lý hoặc thiếu trách nhiệm, thiếu sát sao trong công việc ….

Trên cơ sở kết luận của các cơ quan chức năng, chúng tôi cũng sẽ có ngay những biện pháp xử lý nghiêm khắc với những cá nhân, đơn vị theo quy định của ngành. Về nguyên tắc, cá nhân, đơn vị nào sai phạm thì họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Thưa ông, các sai phạm gần đây phải chăng đang phản ánh những bất hợp lý trong cơ chế quản lý và điều hành của VNPT?

Trong cơ chế thị trường, việc giao quyền chủ động cho các đơn vị sản xuất kinh doanh là việc làm cần thiết, theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, quá trình vận hành cụ thể đang cho thấy việc giao quyền chủ động cần phải đi kèm một cơ chế quản lý phù hợp, không làm giảm sự linh hoạt, năng động của các đơn vị sản xuất kinh doanh nhưng phải ngăn chặn và hạn chế tối đa các sai phạm làm thất thoát tài sản của Nhà nước.

Các sai phạm được báo chí và cơ quan chức năng phát hiện là những bài học kinh nghiệm quý giá để VNPT nghiêm khắc kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Nhưng quan trọng hơn cả là VNPT sẽ có những điều chỉnh thích hợp trong cơ chế quản lý điều hành để phát huy sức mạnh kinh tế và công nghệ của ngành, phục vụ tốt hơn nữa cho người tiêu dùng.

Đây cũng là vấn đề quan trọng hàng đầu mà VNPT đang chuẩn bị kỹ lưỡng trong quá trình chuyển đổi thành tập đoàn.

Xin cảm ơn ông!

Nhóm PVDT