Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền:
“Lãnh đạo Vinashin báo cáo sai để lấp liếm việc làm của mình”
(Dân trí) - “Vinashin chẳng những không nghiêm túc tiếp thu những ý kiến chỉ ra sai phạm mà còn tìm cách báo cáo không đúng sự thật để lấp liếm việc làm của mình” - Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền nhận định.
Nếu nói vừa qua không có thanh tra là không phải. Bởi tính từ 2005 đến nay, có tới 13, 14 cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát… đối với Vinashin, qua đó đã phát hiện rất nhiều nội dung sai phạm.
Trong đó, thanh tra của Bộ Kế hoạch đầu tư đã phát hiện đầu tư ngoài ngành, đầu tư tràn lan, thanh tra tài chính cũng đã phát hiện việc sử dụng vốn không đúng mục đích, không hiệu quả và đều đã có kiến nghị.
Một số hoạt động thanh tra của Thanh tra Chính phủ cho thấy, có những việc làm không đúng quy định pháp luật. Rồi giám sát của Quốc hội, kiểm tra của Trung ương về việc đổi mới doanh nghiệp cũng đã chỉ ra rất nhiều nội dung sai phạm ở đơn vị này.
Song đáng tiếc là Vinashin chẳng những không nghiêm túc tiếp thu mà còn tìm cách báo cáo không đúng sự thật để “lấp liếm” việc làm của mình. Ví dụ như người ta đã nói là lỗ rồi, nhưng vẫn báo cáo là lãi.
Tôi cho rằng, dù có thực hiện thanh tra toàn diện kịp thời từ ban đầu và chỉ ra hết những sai phạm nhưng nếu họ không tự giác chấp hành, không khắc phục, cứ tiếp tục làm sai trái thì tất yếu dẫn đến hậu quả như bây giờ.
Bên cạnh đó, cơ chế giám sát thanh tra của chúng ta cũng đang có vấn đề. Nhiều cơ quan vào nhưng chưa có quy định rõ cơ quan nào làm toàn diện, cơ quan nào làm theo chuyên ngành. Cho nên giờ cứ anh tài chính vào thì nói về vốn, anh kế hoạch vào thì nói về quy hoạch, đầu tư...
Riêng Thanh tra Chính phủ, chúng tôi cũng đã đề xuất vài lần để đưa Vinashin vào kế hoạch thanh tra toàn diện vì thấy có rất nhiều dấu hiệu không ổn nhưng đáng tiếc là lúc đó xảy ra khủng hoảng, cả lãnh đạo của Trung ương cũng như lãnh đạo của Chính phủ cho rằng phải giảm bớt áp lực về thanh tra để đơn vị này xử lý khó khăn về kinh tế…
Trong lần thanh tra này, Thanh tra Chính phủ có xem xét đến trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, nhất là cơ quan quản lý nhà nước trong việc không thực hiện những vấn đề mà các đoàn thanh tra trước đã kiến nghị không thưa ông?
Đương nhiên, khi xem xét cuộc thanh tra toàn diện ở một đơn vị thì chúng tôi không chỉ xem xét trách nhiệm của đơn vị đó mà còn xem xét đến trách nhiệm của cơ quan cấp trên, kể cả những cơ quan đã vào thanh tra rồi mà không có giải pháp gì để chấn chỉnh. Và trong trường hợp nếu anh cố tình làm trái, thiếu trách nhiệm thì cũng kiến nghị xử lý.
Có những tồn tại do cơ quan Chính phủ̉ chẳng hạn, thì trong kết luận của mình, Thanh tra Chính phủ có đưa vấn đề trách nhiệm ấy ra không thưa ông?
Thanh tra Chính phủ có 2 chức năng, một là báo cáo kiến nghị xử lý những cơ quan cùng cấp trong phạm vi quản lý của Chính phủ. Đối với những việc vượt thẩm quyền thì Thanh tra Chính phủ cũng có trách nhiệm theo dõi báo cáo lên. Và vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã báo cáo nhiều trường hợp xem xét vượt thẩm quyền.
Những sai phạm tại Vinashin rất được dư luận quan tâm, vậy trong quá trình thanh tra, Thanh tra Chính phủ có bị sức ép nào không?
Vừa qua cũng có những việc chúng tôi bị vướng nhưng là do mình chưa làm chứ không phải là sức ép. Việc điều chỉnh kế hoạch thanh tra là theo yêu cầu Chính phủ. Còn trong các việc làm cụ thể thì tôi chưa thấy sức ép gì.
Hiện tại, chúng tôi đang triển khai suôn sẻ nhiều nội dung trong kế hoạch thanh tra và đã phát hiện được thêm nhiều vấn đề. Qua sự việc này, chúng ta cũng thấy được cách quản lý đối với các tập đoàn kinh tế và các tổng công ty nói chung.
Xin cảm ơn ông!
Lan Hương (ghi)