"Lãnh đạo Việt Nam đang thăm Trung Quốc, Trung Quốc đã tuyên bố cải tạo xong Trường Sa"

(Dân trí) - Chia sẻ với các cử tri Đà Nẵng về tình hình Biển Đông, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, bản thân ông và Quốc hội rất quan tâm đến vấn đề này.

Sáng 29/6, các đại biểu Quốc hội đơn vị TP Đà Nẵng có có buổi tiếp xúc với cử tri một số quận của TP Đà Nẵng như Hải Châu, Sơn Trà, Thanh Khê... Một trong những vấn đề rất được cử tri quan tâm là vấn đề biển Đông.

Cử tri Nguyễn Bá Trôi (quận Hải Châu) sốt ruột: "Trong khi lãnh đạo của chúng ta sang thăm nước họ còn chưa về thì họ đã tuyên bố cải tạo xong Trường Sa, vậy thử hỏi người dân chúng tôi có bức xúc không?".

Cử tri Đà Nẵng rất quan tâm đến vấn đề biển Đông hiện nay
Cử tri Đà Nẵng rất quan tâm đến vấn đề biển Đông hiện nay

Còn cử tri Trần Cừ (quận Thanh Khê) thì đề nghị nhà nước phải có tiếng nói mạnh mẽ hơn về vấn đề Biển Đông với Trung Quốc, không để Trung Quốc càng ngày càng lấn tới... 

Nhiều cử tri Đà Nẵng cũng bức xúc với tình trạng ngư dân của Việt Nam bị đánh đập, cướp tài sản, gần nhất là việc kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào khu vực biển chồng lấn ở Vịnh Bắc Bộ.

Phát biểu với cử tri Đà Nẵng xung quanh vấn Bề biển Đông, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, các ý kiến của bà con rất tâm huyết, thể hiện tinh thần yêu nước, đóng góp cho Quốc hội nhiều ý kiến. Ông Sơn chia sẻ với những tâm tư của cử tri nhưng cũng thông tin thêm để bà con hiểu "thông tin phải 2 chiều, nếu ta chỉ nghe 1 chiều thì nhiều khi nặng bên này mà nhẹ bên khác".

Ông Huỳnh Ngọc Sơn nói: “Tại sao Quốc hội vừa rồi không ra Nghị quyết về Biển Đông? Thực tế, khi đại biểu Quốc hội có ý kiến, lãnh đạo Quốc hội đã làm việc với Chính phủ, dành thời gian trên một tiếng đồng hồ họp riêng về vấn đề này chứ không phải là họp kín. Trong luật hoạt động của Quốc hội có quy định khi cần thiết thì Quốc hội họp riêng, họp riêng là để nói tất cả các khía cạnh để Quốc hội biết được. Có những thông tin nói ra ngoài không có lợi nên họp riêng chứ không phải có gì sợ mà giấu giếm".

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho hay, ông là người được Quốc hội phân công theo dõi mảng quốc phòng an ninh nên thấy việc họp riêng là cần thiết, và đại biểu Quốc hội nghe xong cùng suy nghĩ, đánh giá để rồi phát biểu đóng góp trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội. Nhiều ý kiến phát biểu khi đó có đặt vấn đề về tình hình biển Đông.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn phát biểu với cử tri Đà Nẵng sáng 29/6
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn phát biểu với cử tri Đà Nẵng sáng 29/6

Ông Huỳnh Ngọc Sơn phát biểu: “Không ai là người Việt Nam mà không quan tâm tới vấn đề Biển Đông. Không phải chỉ mỗi cử tri đâu, chúng tôi cũng hết sức bức xúc.Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có bàn là có nên ra Nghị quyết hay không? Lúc này đã cần thiết phải ra nghị quyết hay chưa? Nghị quyết có hiệu lực hay không? Quốc hội còn được cả quyền biểu quyết là chiến tranh hay hòa bình cơ mà. Nghị quyết nếu ra lúc này thể hiện thế nào hay chỉ lặp lại là giữ nguyên hiện trạng, đừng làm tình hình phức tạp... Như thế hiệu lực của Quốc hội sẽ được đánh giá như thế nào? Còn rõ ràng, về phía ta, không phải là không đấu tranh”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nhấn mạnh, bằng nhiều con đường, nhất là ngoại giao, Việt Nam đã thực sự đấu tranh rồi, tuyên truyền rồi, thậm chí đến vụ giàn khoan, Ủy ban đối ngoại của Quốc hội đã có văn bản gởi đến tất cả các nghị viện, Quốc hội của thế giới để yêu cầu họ lên tiếng và ủng hộ mình, gửi cả đến G7, EU, Tổng Thư ký LHQ...

Theo ông Huỳnh Ngọc Sơn, năm 1974, Mỹ bật đèn xanh cho Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa. Từ ngày đó, Trung Quốc họ củng cố lực lượng, nhiều lần Việt Nam đã tính đến việc lấy lại nhưng trong lúc này chưa thể làm được nhưng đời con đời cháu chúng ta sẽ lấy lại.

Còn với Trường Sa, Phó Chủ tịch Quốc hội, hiện tại có đến 5-6 nước tuyên bố chủ quyền, Việt Nam có nhiều nhất với 21/31 đảo tại quần đảo này có điểm đóng quân, Trung Quốc chiếm 7 điểm, Philippine cũng có 7 điểm đóng quân... Như vậy, tranh chấp tại Trường Sa không chỉ có 2 nước Việt Nam và Trung Quốc.

“Chủ trương của chúng ta là giữ vững hòa bình để phát triển kinh tế, kiên trì giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của LHQ về luật biển năm 1982 và duy trì thực hiện tuyên bố DOC mà Trung Quốc đã ký với các nước ASEAN và tiến tới ra quy tắc ứng xử COC sẽ cụ thể hơn”, ông Huỳnh Ngọc Sơn nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nói như thế để cử tri, nhân dân hiểu cho chủ trương của lãnh đạo nhà nước, không hô hào đánh nhau, xung đột thì không thể ổn định làm ăn mà nếu có đánh thắng rồi có khi cũng lại bị phủ đầu. "Khi xảy ra chiến tranh thì bên nào mạnh hơn bên ấy thắng, đâu phải ở trên bờ mà làm chiến tranh nhân dân, du kích, bắn tỉa… Ra ngoài giữa biển là phải có tàu chiến, có tên lửa, có không quân, làm sao chiến tranh nhân dân được. Vậy nên chủ trương của chúng ta là phải đấu tranh kiên trì, cố giữ hòa bình".

Ông Huỳnh Ngọc Sơn cũng cho biết: “Tất cả các phương án đều đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước chuẩn bị, kiện vấn đề trước, nội dung nào sau đều có bước đi hết chứ không phải để cho Trung Quốc muốn làm gì thì làm, nhưng mà trước mắt thì để ổn định tình hình đã. Bà con phải hết sức thông cảm”.

Công Bính