“Báo cáo của Chính phủ thể hiện rõ thái độ, giải pháp tình hình biển Đông”
(Dân trí) - “Chính phủ có báo cáo để Quốc hội nghe về tình hình biển Đông, có nhiều vấn đề chỉ có đại biểu biết nắm rõ tình hình. Báo cáo cho biết rõ thái độ và giải pháp của ta với tình hình biển Đông hiện nay”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Trần Đình Nhã nói.
16h chiều ngày 5/6, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã thay mặt Chính phủ báo cáo trước Quốc hội tình hình biển Đông. Những thông tin được Phó Thủ tướng đưa ra trước Quốc hội đã làm rõ những vấn đề được các đại biểu và nhân dân quan tâm về tình hình biển Đông hiện nay hay chưa, thưa ông?
Chính phủ có báo cáo để Quốc hội nghe về tình hình biển Đông, có nhiều vấn đề chỉ có đại biểu biết nắm rõ tình hình. Báo cáo cho biết rõ thái độ và giải pháp của ta với tình hình biển Đông hiện nay.
Còn cá nhân tôi đã thỏa mãn với những thông tin Chính phủ báo cáo tình hình ở biển Đông. Báo cáo này là thông tin chính thức của Chính phủ về tình hình biển Đông. Nó cũng còn cho thấy những việc Chính phủ đã làm, trong đó một số vấn đề có thể nói ra, nhưng cũng có vấn đề chưa thể nói. Nhưng nhìn chung những việc Chính phủ đã thực hiện theo hướng nhân dân cũng như Quốc hội mong muốn làm thế nào để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam ở biển Đông.
Sau khi nghe Chính phủ báo cáo, cá nhân ông đánh vấn đề ở biển Đông nghiêm trọng đến mức nào?
Tình hình biển Đông hiện nay như các nước thường nói, hành vi hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc đã đặt biển Đông vào tình thế nguy hiểm và khả năng xung đột rất lớn.
Trước tình hình như vậy ở biển Đông, Chính phủ có đưa ra giải pháp cụ thể cho thời gian sắp tới như thế nào thưa ông?
Có nhiều giải pháp được đưa ra như chính trị, ngoại giao, pháp lý. Thế nhưng mọi việc vẫn phải dựa trên nguyên tắc bảo đảm chủ quyền của ta và giữ gìn môi trường hòa bình ổn định để phát triển.
Theo ông Quốc hội có nên ra Nghị quyết hay thông cáo về vấn đề biển Đông không?
Mọi việc phải nói theo luật, Quốc hội chỉ có nhiệm vụ chính là ban hành Hiến pháp, xây dựng các luật và Nghị quyết. Các hình thức khác không phải là việc của Quốc hội. Ví như tuyên bố của Quốc hội trước kia, hình thức văn bản đó tôi không thấy nữa.
Về vấn đề biển Đông, Quốc hội đã ban hành luật rồi, Quốc hội đã khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam trong Luật biển, Luật biên giới quốc gia. Ngoài ra, Quốc hội đã nói trong luật, các lực lượng vũ trang và toàn bộ nhân dân Việt Nam có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Trong Luật đã quy định như vậy thì chúng ta có trách nhiệm phải bảo vệ bằng mọi giá.
Trước khi nghe Chính phủ báo cáo, có đại biểu kiến nghị Quốc hội nên dành một phiên thảo luận về vấn đề biển Đông?
Tôi thấy không cần thiết. Tất cả các thông tin đại biển đều nắm rõ, do vậy nếu thảo luận thì thảo luận cái gì ở đây. Thái độ của chúng ta cũng rất rõ, cụ thể người phát ngôn Bộ Ngoại giao - đại diện cho đất nước này cũng luôn phản đối. Các đoàn cấp cao cũng luôn yêu cầu, đặt vấn đề thẳng thắn rằng Trung Quốc như vậy là vi phạm vì đó là chủ quyền của Việt Nam, quyền chủ quyền của Việt Nam. Chúng ta cũng đã nói cho cả thế giới biết điều đó.
Cá nhân ông mong muốn Chính phủ đưa ra sách lược gì về vấn đề biển Đông thời gian tới?
Sách lược ở đây là sách lược của Quốc gia, điều đó thể hiện trong Hiến pháp, pháp luật và chúng ta cũng đã làm hết sức mình để bảo vệ chủ quyền. Như tôi nói nhiệm vụ của chúng ta là bảo vệ được chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam ở biển Đông. Việc bảo vệ nhưng vẫn phải bảo đảm được môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Đây là hai nhiệm vụ rất khó khăn nhưng phải song hành.
Ông có gửi gắn gì đến cử tri, nhân dân cả nước sau khi nghe Chính phủ báo cáo tình hình biển Đông?
Cử tri và nhân dân hãy bình tĩnh theo dõi, Đảng và Nhà nước đang làm hết sức mình để thực hiện nghĩa vụ trước Tổ quốc, trước nhân dân, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền Việt Nam trên biển Đông và cũng bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định để Việt Nam phát triển.
Xin cảm ơn ông!
Quang Phong (thực hiện)