1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Lãnh đạo trả thù người tố cáo, tạo "sóng" để dìm rồi kéo lên như cứu giúp?

(Dân trí) - Kể lại câu chuyện về một cán bộ trẻ có năng lực, tính chiến đấu tốt bị lãnh đạo bỏ mặc cho tự “bơi”, tạo “sóng” để dìm cho “uống nhiều nước”, rồi kéo lên bố trí công việc như cứu giúp, đại biểu Quốc hội Bùi Văn Phương nhận định, việc trả thù người tố cáo đã diễn ra “tinh vi đến tầm văn minh”.

Thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) chiều 16/6, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) khẳng định, việc trù dập người tố cáo là chuyện có thật, đã được nêu lên ở nhiều diễn đàn. Tuy nhiên cơ chế bảo vệ người tố cáo hiện nay không đi vào cuộc sống. Người tố cáo có thể không lo sợ cho bản thân nhưng lo liên lụy đến vợ, con, gia đình nên họ không dám đứng tên tố cáo.

"Việc trả thù người tố cáo lại diễn ra tinh vi, đến tầm văn minh” - đại biểu nhận định.

Ông Phương kể lại câu chuyện có thật mà ông cho rằng chỉ có người trong cuộc mới biết bị trả thù. Người bị trả thù vẫn phải tươi cười nhưng trong lòng đắng ngắt.


Đại biểu Bùi Văn Phương cho rằng, việc trả thù người tố cáo hiện nay diễn ra tinh vi đến tầm văn minh (Ảnh: Quochoi.vn).

Đại biểu Bùi Văn Phương cho rằng, việc trả thù người tố cáo hiện nay diễn ra tinh vi đến tầm văn minh (Ảnh: Quochoi.vn).

“Sau khi người đó không bằng lòng với lãnh đạo, anh này được lãnh đạo gọi lên phòng và nhận xét: Cậu là người có tính chiến đấu rất tốt, còn trẻ, có năng lực, tới đây cậu phải cần được đưa đi đào tạo, học hành một cách chính quy, bài bản, chứ không học tại chức, để sau này lãnh đạo nghỉ sẽ là người kế cận. Người đó khăn gói lên đường đi học và trong suy nghĩ đã có sự nghi ngờ".

"Sau khi người đó đi học về, lãnh đạo cho rằng, cậu này được đào tạo lý luận đầy đủ, chuyên môn đầy đủ, giờ cần phải trở về thực tiễn để tiếp tục rèn luyện. Và anh này được đưa xuống một đơn vị khó khăn, sau đó bị bỏ mặc cho tự “bơi”, thậm chí người lãnh đạo còn tạo “sóng” để dìm cho anh cán bộ trẻ “uống nhiều nước” - ông Phương kể.

"Khi thấy anh cán bộ ngắc ngoái vì “uống nhiều nước”, người lãnh đạo bắt đầu kéo lên, bố trí công việc, coi như cứu giúp. Từ đó trở đi người cán bộ trẻ này coi như thui chột, dù trong lòng đắng ngắt nhưng miệng vẫn phải mỉm cười nói cảm ơn anh đã cứu giúp. Tôi nói câu chuyện này là chuyện thực tế. Sự trả thù như thế tinh vi đến mức văn minh” - đại biểu Phương thuật lại.

Theo ông Phương, đó là lý do người tố cáo không dám đứng đơn khi tố cáo nên Luật Tố cáo (sửa đổi) cần quy định để người dân tham gia các hình thức tố cáo thực hiện quyền của mình.

“Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật cũng chính là để góp phần vào xây dựng nhà nước trong sạch, vững mạnh. Chúng ta vin vào lý do đơn nặc danh để không xem xét thì không nên”- ông nói.

Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) đánh giá, cơ chế bảo vệ người tố cáo hiện chưa đầy đủ, dẫn đến người đứng ra tố cáo bị khủng bố, đe dọa bằng nhiều hình thức khác nhau.

“Ngay cả Chủ tịch tỉnh vừa qua cũng phải kêu cứu lên Chính phủ. Cơ chế bảo vệ của chúng ta chưa đầy đủ, tâm lý người Việt chúng ta ngại va chạm, ngay cả trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng có những vấn đề liên quan đến đồng chí, đồng đội, người thân là câu chuyện khó vượt qua trong tâm lý của người tố cáo. Cần phải tránh việc lạm dụng tố cáo, nhưng với mục tiêu cao nhất là trách nhiệm nhà nước đấu tranh chống các vi phạm pháp luật, vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cần chấp nhận hình thức tố cáo nặc danh và có trình tự, thủ tục, cơ chế kiểm soát tránh việc lạm dụng” - ông Hồng nói.

Còn đại biểu Phạm Trí Thức (Thanh Hóa) thẳng thắn cho rằng, việc không mở rộng hình thức tố cáo bằng email, fax, điện thoại là “lạc hậu đến cả hàng nghìn năm”.

“Giờ thế kỷ XXI rồi, khi chúng ta đang nói nhiều đến cách mạng công nghiệp 4.0 mà chỉ quy định có đơn thư văn bản với trực tiếp. Hàng nghìn năm trước, nhân loại cũng đã có thạch thư, mộc thư, trúc thư rồi cơ mà”- ông Thức nói và dẫn chứng thêm rằng, quy định của Luật Phòng chống tham nhũng đã đề cập đến các hình thức này nên nếu dự Luật Tố cáo (sửa đổi) không thừa nhận là thiếu đồng bộ.

Chấp thuận tố cáo qua email có ký tên

Giải trình với các đại biểu, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu khẳng định, qua ý kiến thảo luận tại hội trường Quốc hội và để tạo điều kiện cho công dân tố cáo, xử lý và giải quyết sai phạm, có thể mở rộng thêm hình thức tố cáo qua thư điện tử có ký tên. Các hình thức khác thì phải xác định rõ nội dung, địa chỉ, nội dung rõ ràng thì mới được xử lý theo quy trình.

Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu.
Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu.

“Đơn tố cáo nặc danh, nội dung bịa đặt, vu khống thì không được xem xét; nếu có nội dung cụ thể, kèm bằng chứng thì được xem xét nhưng chỉ để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra chứ không được giải quyết theo quy trình giải quyết tố cáo” - ông Sáu nói.

Trước nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội về quy định bảo vệ người tố cáo còn chung chung, chưa chặt chẽ, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu và sẽ phối hợp với cơ quan thẩm tra - Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội - bổ sung vào dự thảo luật trình ra Quốc hội trong thời gian sắp tới.

Ủng hộ cách thức xử lý cán bộ nghỉ hưu

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) đánh giá, dự thảo luật bổ sung nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo với hành vi vi phạm của cán bộ công chức, viên chức xảy ra trong thời gian công tác trước đây, nay đã nghỉ hưu là cần thiết. “Công luận thì đòi hỏi phải xử lý nhưng pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể nên các cơ quan chức năng còn lúng túng trong quá trình triển khai. Do đó, việc bổ sung nguyên tắc giải quyết, xử lý tố cáo đối với cán bộ nghỉ hưu là hết sức rất cần thiết”- bà Hoa nói.

Tuy nhiên để thống nhất, bà Hoa đề nghị cần nghiên cứu bổ sung các hình thức xử lý cán bộ nghỉ hưu trong Luật Cán bộ công chức, viên chức để thống nhất với Luật Tố cáo (sửa đổi), bởi hiện nay luật của cán bộ công chức, viên chức chỉ có các hình thức kỷ luật là cách chức, bãi nhiệm, giáng chức, cho thôi việc... Nhưng với những người đã nghỉ hưu và chuyển công tác thì việc áp dụng các hình thức kỷ luật này cũng gây băn khoăn.

“Thực tế thời gian qua, chúng ta xử lý một vài trường hợp có áp dụng kỷ luật cách chức đối với một số cán bộ đã nghỉ hưu nhưng trong dư luận xã hội vẫn có nhiều ý kiến trái chiều. Do đó, việc sửa đổi các quy định để thống nhất cách thức xử lý này là cần thiết”- bà Hoa nêu quan điểm.

Thế Kha