Lãnh đạo giàu nhanh phải giải trình được nguồn gốc tài sản
(Dân trí) - Quy định về cán bộ công chức mới dừng lại việc kê khai tài sản, còn tài sản đó từ đâu ra vẫn chưa được giải trình. Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi mới đây quy định, những trường hợp lãnh đạo giàu nhanh phải giải trình được nguồn gốc tài sản.
Rất nhiều ví dụ, nhiều câu hỏi và hướng kiến giải được các chuyên gia đưa ra về các giải pháp tăng cường phòng chống tham nhũng trong hội thảo "Sáng kiến của các tổ chức xã hội (CSOs) trong việc thúc đẩy minh bạch và trách nhiệm giải trình" được tổ chức tại Hà Nội chiều 27/8. Hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững (MSD) tổ chức với sự tài trợ của cơ quan viện trợ phát triển Ireland (Irish Aids).
Nguyên Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại - Bộ KH&ĐT Dương Đức Ưng đi sâu vào nội dung tăng cường minh bạch trong việc sử dụng vốn ODA. Theo đó, 2013 được tính là năm thứ 20 hoạt động viện trợ phát triển đồng hành cùng Việt Nam để hỗ trợ việc xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường…
“Với người Việt Nam, đây là nguồn vốn đối ứng do người dân cùng đóng góp để xây dựng đất nước. Với bạn bè quốc tế, ODA cũng là tiền thuế của người dân bản địa chi ra để có từng chiếc máy, từng chuyên gia tới Việt Nam để hỗ trợ phát triển” - ông Ưng phân tích và khái quát, làm sao để từng đồng viện trợ thực sự minh bạch, đến được đúng tay người cần, không bị thất thoát trên đường đi. Đó là yêu cầu, cam kết chung giữa các bên cho và nhận tài trợ.
Việt Nam được đánh giá là nước đi tiên phong trong các cam kết quốc tế về minh bạch, giải trình khi nhận ODA. Ông Ưng dẫn chứng bằng Tuyên bố Paris và Văn kiện quan hệ đối tác Busan - BPD (2 trong số 4 diễn đàn quốc tế về đảm bảo hiệu quả của viện trợ). BPD đưa ra thỏa thuận về 30 hành động cụ thể đảm bảo minh bạch trong quản lý, sử dụng vốn ODA.
Một nguyên tắc quan trọng được nguyên Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại nhắc đến là làm chủ đối với tiền được viện trợ. Ngoài ra, đánh giá việc sử dụng ODA cần phải tập trung vào kết quả.
Ông Ưng khuyến cáo: “Không nên vội mừng khi thấy nhiều trường học mái mới đỏ tươi mọc lên nếu chất lượng đào tạo vẫn không được cải thiện, nâng cao. Không nên hào hứng với con số hàng vạn, hàng triệu sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học mỗi năm khi số đầu ra đó vẫn thất nghiệp, chạy xe ôm, làm trái ngành nghề đào tạo… trong khi xã hội đã phải bỏ chi phí đầu tư suốt nhiều năm cho số sinh viên đó”.
Kết quả, theo ông Ưng, cũng không thể đánh giá ở con số công bố chỉ còn dưới 10% dân số thuộc diện nghèo khi rõ ràng thành quả này không bền vững vì chỉ cần một trận lũ quét, một cơn bão xảy ra, vô số những người vừa thoát nghèo lại trở lại mức nghèo đói.
Phân tích về trách nhiệm giải trình, ông Ưng đánh giá đây là việc có vị trí quan trọng, quyết định tới thành công của các nội dung hợp tác và cam kết. Bản thân Chính phủ Việt Nam đã cam kết cải tiến chính sách và thể chế để tăng cường tính minh bạch và giải trình, tăng cường phòng chống tham nhũng.
Trong văn kiện quan hệ đối tác Việt Nam, lần đầu tiên Chính phủ ghi nhận rõ ràng về việc tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức xã hội, người dân tham gia giám sát việc thực hiện dự án ODA, tạo điều kiện để khu vực tư nhân có thể tham gia thụ hưởng, triển khai các dự án ngoài vai trò làm nhà thầu phụ.
Nhấn mạnh vai trò sự tham gia giám sát của cộng đồng, các tổ chức xã hội trong phòng chống tiêu cực, thất thoát, tham nhũng ODA, ông Dương Đức Ưng dẫn chứng 2 ví dụ. Một dự án xây trường học mà một nhà tài trợ muốn vào làm phải qua một “cai đầu dài”, phải “chiết khấu” 40%. Kết quả, ngôi trường được 3 tầng “ngót” mất 1 tầng, thiết kế kiên cố biến thành nhà mái lợp fibro-ximang. Trong khi đó, một dự án khác, rất nhỏ - làm đường giao thông nông thôn được giao cho Hội Phụ nữ xã. Các bà, các mẹ ngày đêm soi xét, kiểm tra xem bê tông có được trộn đủ xi măng, độ dày đường được thảm có đúng theo thiết kế. Sau nhiều năm sử dụng, chất lượng công trình hiện vẫn rất tốt.
Tán thành các phân tích, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Nội vụ, ông Lê Trọng Vinh cho rằng, hiện nay có rất nhiều hoạt động của cơ quan nhà nước và cán bộ công chức thiếu trách nhiệm giải trình. Ông Vinh dẫn chứng, quy định về cán bộ công chức chỉ mới dừng lại việc kê khai tài sản, còn tài sản đó từ đâu mà có vẫn chưa được giải trình.
Đặt câu hỏi, tại sao nhiều người từ ngày lên chức lại giàu nhanh như vậy, ông Vinh lý giải, luật phòng chống tham nhũng sửa đổi mới đây quy định, những trường hợp giàu nhanh phải giải trình tài sản đó là từ đâu ra.
Theo ông Vinh, mua sắm công cũng là lĩnh vực lẽ ra cần được giải trình chi tiết nhưng hiện chưa được các cơ quan nhà nước chú trọng. Nếu việc mua sắm công được minh bạch, giải trình tốt thì sẽ không có những vụ như Vinashin, Vinalines.
Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế của Bộ Nội vụ nêu công thức, một tài sản mua về nếu đem ra bán đấu giá đạt được 80-90% giá trị mua vào thì chắc chắn việc mua sắm đó là thành công, minh bạch. Nhưng nếu đấu thầu chỉ được 60-70% số tiền bỏ ra mua thì rõ ràng có khuất tất, khống giá ở đây.
Vì vậy, ông Vinh đề xuất quy định, tổ chức đấu giá để kiểm tra, nếu “hụt” so với tiền đầu tư ban đầu thì người quyết định mua sắm tài sản phải bỏ tiền túi ra… bù.
Phân tích thêm những công cụ đảm bảo công khai minh bạch trong luật phòng chống tham nhũng năm 2012, ông Vinh ghi nhận quy định về trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức. Cụ thể, luật quy định phải công khai, minh bạch danh mục các dự án chỉ định thầu và giải trình rõ lý do chỉ định thầu, thông tin về nhà thầu được chỉ định; danh mục các dự án đấu thầu hạn chế.
Hay như tình trạng chạy chức, chạy quyền gây bức xúc lâu nay cũng được phòng ngừa bằng quy định công khai, minh bạch trong công tác tổ chức cán bộ kèm theo đó là trách nhiệm giải trình về các quyết định liên quan đến công tác nhân sự. Vấn đề minh bạch tài sản, thu nhập cũng được bổ sung thêm trách nhiệm giải trình nguồn gốc đối với các tài sản tăng thêm…
P.Thảo