1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đà Nẵng:

Làng Vân “rầu rĩ” ngóng Tết

(Dân trí) - Gần 70 hộ dân thuộc 2 tổ 13 và 14 của phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, sau khi được di dời từ làng Vân về đây, vẫn sống trong không khí vẫn trầm lắng. Nơi đây chỉ rộn ràng mỗi khi có đoàn từ thiện về thăm.

Sáng mở cửa “ngóng” từ thiện…

 

Cuộc sống trầm lắng dù được ở nơi có điều kiện cơ sở hạ tầng tốt hơn hẳn

Cuộc sống trầm lắng dù được ở nơi có điều kiện cơ sở hạ tầng tốt hơn hẳn
 
Tháng 8/2012, một bước ngoặc lịch sử đối với người dân làng Vân, thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng - một ngôi làng của những người bị bệnh phong, nằm sát mép đèo Hải Vân gần như bị cách ly suốt mấy thập kỷ qua - khi họ được hòa nhập với cộng đồng ở khu tái định cư mới thuộc phường Hòa Hiệp Nam.

 

Tuy nhiên, sau 5 tháng ở khu tái định cư mới, hầu hết người dân vẫn chưa tìm được cho mình một công việc phù hợp và cuộc sống với họ vẫn còn nhiều khó khăn.

 

Bà Nguyễn Thị Xí, 46 tuổi, cho biết, được ở trong một ngôi nhà mới khang trang, đường sá thuận tiện, gần chợ gần phố, chúng tôi rất vui. Tuy nhiên từ khi về đây, chúng tôi không biết làm gì hết, cả ngày chỉ biết đi ra đi vào nhà cho hết giờ mà thôi”.

 

Còn ông Đặng Văn Tâm (48 tuổi) rầu rĩ nói, ông có 2 người con, một người đang làm bảo vệ, còn một người thất nghiệp. Riêng ông với ba là ông Đặng Văn Kiểng (năm nay 68 tuổi) không làm gì được nên cuộc sống khó khăn muôn bề.
 
Cuộc sống chỉ rộn ràng hơn khi có các đoàn từ thiện tới trao quà
Cuộc sống chỉ rộn ràng hơn khi có các đoàn từ thiện tới trao quà

 

Chỉ tay về hướng đèo Hải Vân, ông Tâm chua sót nói thêm: “Mặc dù ở đó xa thành phố nhưng mọi người chúng tôi sống với nhau vui vẻ lắm. Người già với phụ nữ thì trồng lúa, nuôi heo, thanh niên trai tráng thì đi biển, cuộc sống tự cung cấp nhưng không bao giờ chúng tôi bị đói. Còn từ khi về đây, nhà cửa có đàng hoàng hơn, đường sá có đẹp hơn nhưng một bó rau cũng phải mua, muốn nuôi con heo con gà cũng không được bởi đất không có. Ngoài việc hơn 400 ngàn đồng hỗ trợ cho cá nhân tôi mỗi tháng cộng với đồng lương ít ỏi của thằng con trai làm bảo vệ thì làm răng cả nhà tôi sống nổi. Bởi thế, sáng mở cửa ra là tôi lại ngồi trông ngoài cửa, chỉ mong có đoàn từ thiện về thăm cho chút quà mà thôi”.

 

Cần có việc làm cho người dân

 

Ông Nguyễn Văn Xứng, cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hai tổ 13 và 14 thuộc phường Hòa Hiệp Nam cho biết, toàn khu tái định cư có 70 hộ với hơn 150 nhân khẩu, trong đó có 60 người già và tàn tật. Đa số người dân trong độ tuổi lao động ở đây đều đang thất nghiệp hoặc không có việc làm ổn định bởi trình độ không cao, nghề nghiệp cũng không nên không khu công nghiệp nào nhận họ hết. Một số người khác thì đi làm thuê, làm mướn, đi phụ hồ, xe ôm nhưng công việc thất thường lắm.

 

Các cá nhân trước đây bị bệnh và tàn tật thì được Nhà nước hỗ trợ 420 ngàn đồng/tháng. Ngoài ra, do là khu tái định cư mới còn gặp nhiều khó khăn nên được các cơ quan, tổ chức Nhà nước cũng như các cá nhân, tập thể quan tâm giúp đỡ từ thiện nên người dân cũng sống được qua ngày.

 

Cô Phạm Thị Bích Phương, giáo viên mẫu giáo ở khu tái định cư này cho hay: “Người dân ở đây tội lắm, họ thiếu thốn đủ bề. Có nhà 3 đến 4 người nhưng bữa cơm chỉ có bó rau muốn nấu canh không mà thôi bởi họ có làm gì ra được tiền mô”.
 
Người làng Vân cần một cần câu cơm
Người làng Vân cần một "cần câu cơm"

 

Bà Phạm Thị Nhường (53 tuổi), một lữ khách trong đoàn từ thiện chùa Pháp Bảo thông cảm với số phận người dân nơi đây nói, sau đợt này bà sẽ tiếp tục vận động người thân ở Hội An quyên góp thêm ít nhiều để cố gắng giúp đỡ cho bà con nghèo khó ở khu tái định cư này vượt qua khó khăn.

 

Tuy nhiên, phải làm sao đó để họ có được cái nghề và tự nuôi sống bản thân mình mới là điều quan trọng hơn cả bởi các tổ chức từ thiện chỉ cho “con cá” chứ không thể cho họ “cái cần câu”. Câu trả lời này xin nhường lại cho các cơ quan chức năng.

 

Nguyễn Dũng