Nghệ An:
“Làng tỷ phú” và những chuyến xe tấp nập đi Lào sau Tết
(Dân trí) - Dọc con đường trải nhựa, những chiếc ô tô khách, ô tô tải tấp nập “ăn hàng” để chuẩn bị sang Lào. Sau mấy ngày về quê ăn Tết, gần 1/5 dân số xã Diễn Tháp (huyện Diễn Châu, Nghệ An) sẽ sang nước bạn Lào tiếp tục làm ăn.
Diễn Tháp lâu nay vốn được mệnh danh là “làng tỷ phú” bởi hiếm có làng quê nào mà nhà lầu mái Thái san sát nhau, ô tô, xe tải đậu chật con đường chính dẫn về trung tâm xã như ở nơi đây. Từ một xã thuần nông nghèo với nghề trồng lúa nước và đúc đồng, với sự nhanh nhạy và một chút “máu liều”, nhiều nông dân ở đây đã tìm ra một cách làm giàu mới: xuất ngoại sang Lào.
Thế nhưng hầu hết người dân ở đây không bằng lòng cái cách mọi người gọi mình bằng cái tên “làng tỷ phú”. “Không nghề nghiệp, không học hành tử tế nên chúng tôi mới phải sang Lào kiếm kế sinh nhai. Được cái bên đó làm ăn dễ hơn bên mình nên cuộc sống có khấm khá hơn. Bên đó họ ưa chuộng hàng nhôm nhựa của mình lắm”, anh Chu Lâm - một người dân Diễn Tháp đang chất những thùng hàng nhựa lên xe khách, chuẩn bị cho một chuyến làm ăn đầu năm mới lý giải.
Xuất ngoại sang Lào làm giàu nhưng cái cách làm giàu của người dân Diễn Tháp lại không giống ai. Nhờ nắm bắt thị trường nhanh nhạy, họ đưa những mặt hàng do Việt Nam sản xuất được người dân nước bạn Lào ưa chuộng như đồ nhôm nhựa, chăn chiếu, đệm, sắt, thép vượt cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) sang đất nước Triệu Voi. Hàng Việt Nam sang Lào, một phần được nhập vào các sạp hàng ở chợ, còn phần lớn sẽ được chất sau những chiếc xe máy rong ruổi khắp các phố xá đến các bản làng để phục vụ nhu cầu của người dân nước bạn.
Mỗi chuyến sang Lào thường kéo dài một tháng và khi về, các chuyến xe cũng chất đầy “đồng nát”. Bà Chu Thị Khuyên - Chủ tịch UBND xã Diễn Tháp tự hào: “Người dân Diễn Tháp chúng tôi năng động lắm. Bên cạnh đưa hàng Việt Nam sang Lào, họ mua đồng nát, nhôm nhựa hỏng về Việt Nam, bán cho các cơ sở gia công hay các công ty sản xuất để tái chế. Cái nghề này cũng đã gắn bó với người dân Diễn Tháp gần 20 năm nay.
Tính đến thời điểm này, toàn Diễn Tháp đã có 1.200 lao động trên tổng số 3.200 lao động làm ăn buôn bán bên Lào (toàn xã có 5.700 nhân khẩu, tức là có gần 1/5 dân số toàn xã xuất ngoại sang Lào). Mỗi năm thu nhập toàn xã đạt trên dưới 70 tỷ đồng, trong đó, một phần lớn là từ thương mại, dịch vụ. Đến nay, toàn xã có đến 30% hộ giàu, gần 60% hộ khá, chỉ còn 12% hộ nghèo theo chuẩn mới”.
Cùng với lực lượng lao động sang Lào làm ăn buôn bán, Diễn Tháp đã hình thành một mạng lưới với hơn 40 đại lý chuyên cung cấp hàng cho các chuyến xe sang nước bạn. Chị Nguyễn Thị Hoa - chủ một đại lý cho biết: "Từ mồng 6 Tết đến Rằm tháng Giêng, các đại lý như chúng tôi không có thời gian mà nghỉ. Mỗi ngày có 4-5 chuyến xe đến lấy hàng, chủ yếu là xoong nồi nhôm, thau chậu nhựa, thép gai, chăn màn và cả đầu thu kỹ thuật số. Nói chung thị trường Lào cần gì chúng tôi cung cấp cái đó".
Kinh tế phát triển, người dân ồ ạt sang Lào làm ăn nhưng việc học hành của con cái được người dân ở đây coi trọng số 1. Hàng năm số con em Diễn Thái đậu vào các trường đại học chính quy từ 25-30 em. Số học sinh đậu vào các trường THPT luôn ở top đầu của huyện.
Diễn Tháp chỉ thực sự đông đủ khi Tết đến Xuân về. Đó là khi hơn 1.200 lao động đang làm ăn bên Lào về quê ăn Tết. Và cái nhộn nhịp đông đúc ấy chỉ tạm thời lắng xuống khi người dân chuẩn bị sang Lào để bắt đầu một cuộc làm ăn mới. Sau ngày Rằm tháng Giêng, Diễn Tháp lại trở về yên ắng như thường lệ, lúc đó, ra đường chỉ thấy toàn người già và trẻ con. Và sau những chuyến ngược xuôi buôn bán, người Diễn Tháp lại chắt chiu từng đồng để về xây dựng quê hương.
Về Diễn Tháp, cái cảnh nông dân cưỡi ô tô không còn là chuyện hiếm, những ngôi nhà mang dáng dấp của những căn biệt thự với đủ kiểu dáng mọc lên san sát. Phố như thể đang mọc lên giữa làng.
Một số hình ảnh nhộn nhịp những chuyến hàng sang Lào đầu tiên trong năm mới tại xã Diễn Tháp do PV Dân trí ghi lại vào chiều ngày 2/2 (tức ngày 11 Tết):
Hàng nhựa...
Hàng nhôm...
Điện máy...
sắt thép... đều được thu gom để chuyển sang Lào
Hoàng Lam