1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Gia Lai:

Làng tái định cư, “chưa an cư, sao lạc nghiệp”

(Dân trí) - Nằm giữa lòng chảo xã Krong (Kbang, Gia Lai) là 149 căn nhà thuộc khu tái định cư làng Tung, làng Gút. Về tới đầu làng tái định cư, là một cảnh hoang tàn bao trùm,hầu như các nhà đều đóng cửa kín mít, cỏ mọc um tùm vây lấy các quanh nhà. Sau khi hỏi mới biết, vì dân không có đất sản xuất nên đã bỏ khu tái định cư kiên cố để kéo vào trong rừng sống tạm bợ, kiếm ăn qua ngày.

Dân bỏ nhà “sang”…về rừng sống tạm

Vượt hơn 30km đường rừng (từ trung tâm huyện Kbang, Gia Lai), chúng tôi tìm đến khu tái định cư làng Tung và Làng Gút (xã Krong, huyện Kbang). Nhìn từ xa khu tái định cư rất đẹp với những mái tôn đỏ rực, nhà cửa được xây kiên cố và xếp ngăn ngắn theo từng hàng nối đuôi nhau. Thế nhưng, chỉ khi đi vào tận làng tái định cư mới thấy cảnh đìu hiu, hoang tàn. Các nhà đều đóng kín cửa, thấp thoáng chỉ có vài con gà, con chó luẩn quẩn đi kiếm ăn. Nhìn vào trong những căn nhà mở cửa thì chỉ có vài bộ quần áo cũ lâu ngày treo bên cái bếp đã nguội lửa.


Cuộc sống khổ cực, thiếu thốn của người dân làng Tung, làng Gút ở ngôi làng cũ

Cuộc sống khổ cực, thiếu thốn của người dân làng Tung, làng Gút ở ngôi làng cũ

Theo người dân quanh làng cho biết, dân hai làng Tung và làng Gút đã bỏ khu tái định để về lại ngôi làng cũ trong rừng sinh sống. Để tìm hiểu về sự lạ lùng này chúng tôi đã quyết định “bươn” theo đường rừng để tìm về ngôi làng cũ nằm sâu trong cánh rừng già.

Con đường rừng chỉ dài hơn 10km, nhưng chúng tôi phải “vật lộn” để qua những con suối, con dốc dựng đứng mới vào được ngôi làng Tung và làng Gút cũ. Thấy người lạ vào làng, lũ trẻ người Bana chạy toán loạn, nấp sau những bụi cây ngó nghiêng. Những người già thì lấp ló sau khe cửa chú ý xem chúng tôi làm gì với một cách nhìn khá tò mò.

Vào thăm nhà anh A Nhớp và vợ A Bom (Làng Gút), thì thấy 4 người trong gia đình anh Nhớp đang tay không bốc cơm ăn cùng những con cá mới bắt suối. Thấy chúng tôi vào, các thành viên gia đình rất lạ lẫm và xen chút lo sợ. Dù không rành tiếng Việt nhưng anh A Nhớp cũng tâm sự vài câu: “Ở làng mới đất dốc lắm, mình trồng cây không lên được. Mình ở đây có đất của ông để lại nên mới trồng được cây lúa tốt, nuôi được con bò nó mới lớn… Chứ ở làng mới, cây trồng không lên nổi, lấy gì để ăn…đói lắm…”


Người dân “sống” nhờ cây lúa trên nương, con cá dưới suối

Người dân “sống” nhờ cây lúa trên nương, con cá dưới suối

Ông Đinh Blứ (Bí thư chi bộ làng Gút) cho biết: “Làng Gút có hơn 75 hộ sống. Ban ngày thì mọi người đi trồng cây lúa rẫy, trồng cây mì. Chiều đến lại cùng nhau nhậu nhẹt cho đến “Sbai” (say rượu) mới nghĩ…”. Người dân nơi đây quen lối sống du canh, du cư, thường sống trên những triền núi để khai hoang trồng trọt. Được vài năm, khi đất đã bạc màu lại tìm chỗ khác để khai hoang trồng trọt tiếp. Nơi đây có nhiều thứ không có như: không điện, không nước sạch, không dùng tiếng Việt, không y tế, không đường giao thông và đặc biệt trước đây còn không dùng tiền. Mọi thứ đều trao đổi bằng hiện vật làm ra. Vì sống trong rừng nên trẻ con và người lớn cũng hay bị sốt rét, có người bệnh nặng mà không ra kịp trạm xá đã tử vong trên đường đi. Mùa mưa lũ, ngôi làng bị cô lập hoàn toàn…Có khi mưa trận mưa rừng kéo dài cả chục ngày nên không có ai ra vào làng được hết…”

Ông Đinh Blứ cho biết thêm: “Sở dĩ dân làng vào khu làng cũ sống vì khu tái định cư mới, đất rất dốc lại sỏi đá nên trồng không có cây nào lên được. Mỗi hộ được vài sào đất nhưng thì đều là đất núi đồi cao và dốc, chỉ nuôi được vài con gà, con heo…Nên người dân mới bỏ khu tái định cư để trở lại làng cũ trồng lúa, trồng mì kiếm cơm nuôi sống cả gia đình…”

Than thở cùng chúng tôi, anh Đinh Biếc tâm sự: “Ở đây quen rồi, khi nào xã có họp hành gì thì dân mình mới kéo ra để họp thôi. Ở đây còn có đất để trồng chứ ra ngoài đó có trồng được cây lúa đâu. Đất dốc lắm...”

Còn anh Đinh Phước (Làng Tung) ngán ngẩn nói: “Nhà nước cấp nhà, cấp đất để cho bà con định cư, lạc nghiệp. Nhưng đất để trồng hạt bắp, hạt lúa không lên thì dân làm sao dân “an cư, lập nghiệp” được. Ở làng cũ thì trồng cây lúa, cây bắp nó mới lên, dân cũng có cái ăn. Vậy nên những đứa trẻ làng Tung, làng Gút cũng theo bố mẹ vào rừng sâu để làm rẫy. Cũng bởi ở xa trường, “nhớ cái rừng” nên chúng nó cũng không muốn đi học nữa…"

“Cái nghèo” cứ bám bà con mãi

Dự án xây dựng khu tái định canh, định cư mới của hai làng Tung và làng Gút được hình thành theo Quyết định 33/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư (ĐCĐC) cho đồng bào DTTS giai đoạn 2007-2010. Dự án có tổng mức đầu tư là 13,86 tỷ đồng và sẽ cho di dời 149 hộ dân của hai làng vượt qua 2 con suối sâu đến khu vực mới cách UBND xã Krong 4 km (khu dân cư rộng hơn 30 ha).


Nhiều ngôi nhà được xây kiên cố trong Khu tái định cư làng Tung, làng Gút nhưng không có người ở

Nhiều ngôi nhà được xây kiên cố trong Khu tái định cư làng Tung, làng Gút nhưng không có người ở

Tổng thể khu tái định cư gồm 149 căn nhà xây kiên cố (kiểu nhà sàn), 2 nhà sinh hoạt cộng đồng, 4 trường học (2 trường mẫu giáo, 2 trường tiểu học), 8 giọt nước tự chảy, 1 cầu tràn, hơn 2 km đường bê tông, 1 đường điện thắp sáng. Đồng thời dự án còn hỗ trợ cho 2 làng khoảng 50 ha đất sản xuất để bà con canh tác, trồng trọt.

Kể từ đầu năm 2011 đến nay, bà con dân làng Tung, làng Gút đời sống vô cùng khó khăn, “cái đói, cái nghèo” cứ bám mãi. Tính đến năm 2016, số hộ nghèo ở cả hai làng chiếm tỷ lệ trên 70% (làng Tung có 69 hộ, trong đó có 53 hộ nghèo, chiếm 76,8%; làng Gút 84 hộ, trong đó có 69 hộ nghèo chiếm 82,1%).

Theo ông Hỏa Văn Cường (Phó Chủ tịch xã Krong) cho biết: “Từ đầu năm 2011, bà con dân làng Tung, làng Gút được vận động về nơi ở mới có đầy đủ các cơ sở vật chất. Nhưng dự án cấp 50ha đất sản xuất cho bà con lại rơi vào khu vực đất đồi núi và dốc nên bà con rất khó canh tác, trồng trọt. Cũng vậy mà, bà con của 2 làng lại phải di dời về ngôi làng cũ, cách khu tái định cư hơn 9km đường rừng để canh tác trên đất cũ của làng.

Ông Cường cho biết thêm: “Đây cũng thực trạng gây khó khăn cho chính quyền trong việc quản lý các các vấn đề y tế, giáo dục... Về giáo dục thì các em học sinh đều theo bố mẹ vào làng cũ sinh sống, đến mùa tựu trường chính quyền phải kết hợp với nhà trường thành lập ra ban để đi vận động các em tới trường. Y tế thì xã cũng thường xuyên cho các cán bộ y tế vào tận làng cũ phát thuốc cho bà con…Hiện chính quyền xã cũng đang đề xuất ý kiến lên cấp trên sẽ cho bà con trồng keo trên diện tích đất đồi núi đó”.

Theo nhiều nguyện vọng của bà con cũng mong có một mảnh đất tốt để trồng lúa, trồng hoa màu giúp “no cái bụng” rồi mới nghĩ đến chuyện phát triển kinh tế. Sống trong rừng sâu với hình thức “du canh, du cư”, với phương thức canh tác lạc hậu thì “cái đói, cái nghèo” cứ bám bà con mãi./.

Phạm Hoàng