1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Lạng Sơn ưu tiên dành tiền làm cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Thông tin được ông Nguyễn Quốc Toàn, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Lạng Sơn, đưa ra trong cuộc họp báo công bố quy hoạch tỉnh Lạng Sơn và xúc tiến đầu tư năm 2024.

Tại buổi họp báo, vấn đề nguồn vốn và giải phóng mặt bằng để triển khai xây dựng tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn) dài 60km, trị giá 11.024 tỷ đồng được nhiều cơ quan báo chí quan tâm.

Ông Nguyễn Quốc Toàn, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Lạng Sơn, cho biết trong tổng số vốn ngân sách Nhà nước thực hiện dự án, tỉnh Lạng Sơn bỏ ra 2.000 tỷ đồng.

Nguồn tiền này chủ yếu là từ tăng thu, tiết kiệm chi và tiền sử dụng đất của tỉnh Lạng Sơn.

Trong khoảng thời gian từ năm 2021 đến nay, hàng năm Lạng Sơn đều có nguồn tăng thu từ 500 đến 700 tỷ đồng. Trong số tiền tăng thu này, Lạng Sơn dành một phần cho đầu tư công.

Lạng Sơn ưu tiên dành tiền làm cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng - 1

Phối cảnh một đoạn cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng (Ảnh: baodauthau.vn).

"Nguồn thu quan trọng của tỉnh là tiền sử dụng đất, theo dự toán năm 2025 tiền thu sử dụng đất của tỉnh Lạng Sơn là hơn 11.600 tỷ đồng và số tiền này sẽ được ưu tiên cho việc xây dựng cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng.

Trong trường hợp cần thiết, chúng tôi sẽ tạm ứng từ quỹ của nguồn phát triển đất. Hiện nay, số tiền từ nguồn phát triển đất còn khoảng 250 tỷ đồng và cộng thêm số tiền trong các năm 2024 và 2025 sẽ tăng thêm.

Từ các nguồn vốn này, chúng tôi đảm bảo bố trí vốn đủ và đúng tiến độ để thi công dự án", ông Toàn nói.

Lạng Sơn ưu tiên dành tiền làm cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng - 2

Ông Nguyễn Duy Anh, Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc, phát biểu tại buổi họp báo (Ảnh: Nguyễn Hải).

Là một trong những địa phương có tuyến cao tốc đi qua dài nhất, ông Nguyễn Duy Anh, Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc, cho biết để đảm bảo giải phóng mặt bằng, bàn giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án, địa phương đã có những kế hoạch cụ thể.

Trong đó, huyện Cao Lộc đã kiện toàn ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng, phân công cụ thể đến từng cán bộ phụ trách trực tiếp các xã, thị trấn có ảnh hưởng của dự án để tập trung vào công tác tuyên truyền cho người dân.

Theo ông Duy Anh, huyện Cao Lộc đã xây dựng 3 khu tái định cư để đảm bảo ổn định cuộc sống cho người dân phải di dời do ảnh hưởng của dự án.

Ông Dương Xuân Huyên, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn, chia sẻ kinh nghiệm trong việc giải phóng mặt bằng của tỉnh là tuyên truyền, vận động để tạo sự đồng thuận của người dân.

Phó chủ tịch tỉnh Lạng Sơn nhìn nhận, phần lớn người dân Lạng Sơn là đồng bào dân tộc thiểu số nên khi bà con đã tin sẽ triển khai rất tốt.

"Sau khi tuyến đường được hoàn thiện sẽ mở kết nối hành lang phía đông đất nước từ Cao Bằng, Lạng Sơn về thủ đô và kết nối thuận tiện các tỉnh bạn để cùng phát triển.

Về lâu dài, đường bộ, đường sắt được đầu tư, giao thương hàng hóa sẽ tốt, giá cả hàng hóa sẽ tăng theo, phát triển cuộc sống của người dân", ông Huyên nói.

Lạng Sơn ưu tiên dành tiền làm cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng - 3

Ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn (Ảnh: Nguyễn Hải).

Quá trình thi công dự án, tỉnh Lạng Sơn sẽ phối hợp với các đơn vị thi công khảo sát, đánh giá hướng tuyến đi phù hợp nếu gặp địa hình khó có thể phải đào hầm xuyên núi.

Ông Huyên cho biết thêm, tỉnh Lạng Sơn đặc biệt chú trọng đến 2 tuyến cao tốc từ Hà Nội đến cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, cửa khẩu Tân Thanh và tuyến quốc lộ 4B nối giữa Lạng Sơn và Quảng Ninh.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn đã 2 lần làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh và hai bên đưa ra quyết tâm phải hoàn thiện tuyến quốc lộ 4B trong năm 2025.

Bên cạnh đó, đường sắt khổ tiêu chuẩn cũng được chú trọng để triển khai.

UBND tỉnh Lạng Sơn vừa tổ chức ký hợp đồng với nhà đầu tư triển khai dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao).

Dự án có tổng mức đầu tư 11.024 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước gần 5.500 tỷ đồng.

Thời gian xây dựng công trình hoàn thành trong năm 2026; thời gian hoàn vốn là hơn 25 năm.

Tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng được thiết kế với vận tốc 100km/h; tuyến kết nối cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam được thiết kế với vận tốc 80km/h.

Trên toàn tuyến sẽ xây dựng 5 trạm thu phí.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm