1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Lạng Sơn làm gì để đẩy nhanh thông quan hàng hóa đang ùn ứ ở cửa khẩu?

(Dân trí) - Mấy ngày gần đây, trung bình mỗi ngày tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn tồn đọng khoảng 2.500 xe chở hàng hóa, chủ yếu là nông sản chưa được thông quan sang Trung Quốc.

Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, phía Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát, tăng cường phòng chống dịch bệnh đối với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, trong đó có tỉnh Lạng Sơn.

Liên quan đến nội dung trên, ngày 16/4, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Phan Hồng Tiến, Trưởng ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn) cho biết, từ đầu tháng 4/2020,  phía Trung Quốc đã tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh đối với đối với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, cụ thể: rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa xuống còn 5 tiếng/ngày (sáng từ 8h đến 11h, chiều từ 12h đến 14h) và nghỉ ngày thứ Bảy, Chủ nhật; nghỉ Tết Thanh Minh tại các cửa khẩu Chi Ma, Tân Thanh, Cốc Nam; dừng hoạt động thông quan tại cửa khẩu Bình Nghi. 

Lạng Sơn làm gì để đẩy nhanh thông quan hàng hóa đang ùn ứ ở cửa khẩu? - 1

Ông Phan Hồng Tiến, Trưởng ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn).

Ngoài ra, phía Trung Quốc yêu cầu phải thành lập đội lái xe chuyên trách (cả bên Trung Quốc và Việt Nam) để thực hiện đưa hàng hóa thông quan qua cửa khẩu. Lái xe chuyên trách phải là người có hộ khẩu thường trú ở địa bàn có cửa khẩu và lập danh sách để 2 bên cùng kiểm soát. 

Những người được lựa chọn vào đội lái xe chuyên trách phải xét nghiệm y tế đảm bảo không nhiễm Covid-19, sau đó sẽ được cấp thẻ xuất nhập cảnh để lái xe đưa hàng hóa thông quan qua lại giữa 2 nước.

"Sau khi 2 bên thống nhất, chúng tôi đã thành lập đội lái xe chuyên trách ở cửa khẩu Tân Thanh và Chi Ma. Tại mỗi cửa khẩu này có 300 lái chuyên trách, phía Trung Quốc số lượng cũng vậy" - ông Tiến cho biết.

Từ khi thành lập đội lái xe chuyên trách, phía Việt Nam và Trung Quốc vẫn thực hiện nghiêm túc công tác kiểm soát dịch bệnh tại các cửa khẩu, hàng hóa thông quan giữa 2 bên diễn ra bình thường.

Lạng Sơn làm gì để đẩy nhanh thông quan hàng hóa đang ùn ứ ở cửa khẩu? - 2
Lạng Sơn làm gì để đẩy nhanh thông quan hàng hóa đang ùn ứ ở cửa khẩu? - 3

Lái xe chuyên trách ngoài trang bị bảo hộ theo đúng quy định, mỗi lần đưa hàng qua cửa khẩu đều được đo thân nhiệt.

Tuy nhiên, các biện pháp trên của phía Trung Quốc làm cho tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn gặp nhiều khó khăn, năng lực thông quan giảm.

Theo ông Tiến, những ngày gần đây, trung bình mỗi ngày tại cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn tồn đọng khoảng 2.500 xe chở hàng hóa, chủ yếu là nông sản chưa thông quan được sang Trung Quốc. 

Lạng Sơn làm gì để đẩy nhanh thông quan hàng hóa đang ùn ứ ở cửa khẩu? - 4
Lạng Sơn làm gì để đẩy nhanh thông quan hàng hóa đang ùn ứ ở cửa khẩu? - 5

Tại cửa khẩu Tân Thanh, ngày 16/4 vẫn tồn đọng 873 xe chờ thông quan.

"Trước đây, tại cửa khẩu Tân Thanh mỗi ngày thông quan xuất khẩu được 300-400 xe/ngày, nhưng hiện nay chỉ được 30-50 xe/ngày. Riêng ngày 16/4, tại các cửa khẩu Lạng Sơn vẫn còn tồn đọng 2.051 xe chờ xuất khẩu, trong đó: Hữu Nghị 577 xe, Tân Thanh 873 xe, Cốc Nam 145 xe, Chi Ma 456 xe" - ông Tiến cho biết.

Ngoài các giải pháp đáp ứng yêu cầu từ phía Trung Quốc, ông Tiến cho biết, sẽ tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh Lạng Sơn để có những khuyến cáo với các hiệp hội, doanh nghiệp, chủ hàng cần theo dõi sát tình hình xuất nhập khẩu để điều chỉnh việc đưa hàng hóa lên Lạng Sơn một cách hợp lý, tránh thiệt hại. Đơn vị này tiếp tục trao đổi với lực lượng chức năng của Trung Quốc nhằm tạo điều kiện để nâng cao năng lực thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu hàng ngày, đảm bảo quyền lợi, tránh thiệt hại về kinh tế đối với doanh nghiệp của cả 2 bên.

Lĩnh vực hải quan làm gì để hỗ trợ giải quyết câu chuyện trên? Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Vy Công Tường, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn cho biết: Cục Hải quan Lạng Sơn thường xuyên có trao đổi thông tin với Hải quan Trung Quốc và tham gia cùng Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn tổ chức hội đàm với các cơ quan chức năng của Trung Quốc để tìm các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho việc xuất khẩu đang gây ùn tắc như hiện nay.

"Chúng tôi chỉ đạo cán bộ công thường trực tại các đơn vị để phối hợp với các lực lượng cửa khẩu, bộ đội biên phòng thực hiện việc phân luồng hàng hóa ở cửa khẩu, sắp xếp trật tự các xe trong kho bãi tránh để xảy ra ùn ứ gây mất trật tự an ninh tại cửa khẩu. Chúng tôi tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính. Lực lượng hải quan sẽ tăng thời lượng, thời gian làm việc ngoài giờ hành chính, kể cả ngày lễ, ngày nghỉ để tháo gỡ nhanh nhất hàng hóa đang ùn ứ như hiện nay" - ông Tường cho biết.

Theo quan sát, tại cửa khẩu Tân Thanh cũng có mặt của bộ đội biên phòng để phối hợp với lực lượng chức năng cửa khẩu nhằm đẩy nhanh việc xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc.

Lạng Sơn làm gì để đẩy nhanh thông quan hàng hóa đang ùn ứ ở cửa khẩu? - 6

Thiếu tá Lê Văn Chất, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Tân Thanh (Lạng Sơn).

Thiếu tá Lê Văn Chất, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Tân Thanh (Lạng Sơn) cho biết: "Ngoài việc phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh Covid-19 tại cửa khẩu, bộ đội biên phòng còn tham gia phân luồng giao thông nhằm giúp đẩy nhanh tiến độ xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc. Chúng tôi cho xe chở hàng hoa quả không có bảo quản lạnh ưu tiên đi 1 luồng riêng, còn xe có bảo quản lạnh đi luồng khác".

Ngày 13/4, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có công điện gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề xuất tạm dừng tiếp nhận hàng hóa lên cửa khẩu Tân Thanh để xuất khẩu trong thời gian 15 ngày để tỉnh này tập trung chỉ đạo giải quyết thông quan lượng hàng xuất khẩu đang tồn tại các cửa khẩu. Thời gian thực hiện tạm dừng này từ ngày 16/4.

Cũng liên quan đến nội dung trên, ngày 16/4, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã có cuộc làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam. Tại cuộc làm việc, ông Cường đưa ra biện pháp trước mắt gồm những nội dung sau: Hai bên cùng tháo gỡ khó khăn, làm tốt hơn những vấn đề từ sân bãi, quy trình kỹ thuật về thương mại, ứng dụng công nghệ thông tin để quá trình hải quan được thông quan nhanh nhất;

Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị với phía Trung Quốc kéo dài thời gian thông quan một số cửa khẩu vì hiện cá biệt một vài cửa khẩu thì chỉ hoạt động thông quan có 5 - 6 tiếng/ngày. Bên cạnh đó 2 bên cần đầu tư nhân lực, bởi nếu thời gian thông quan mà nguồn nhân lực cho các khâu của hai bên không đảm bảo thì vẫn chậm tiến độ; 

Các quan chuyên ngành, địa phương của hai bên liên quan đều cần có sự kết hợp chặt chẽ, cố gắng tháo gỡ nhanh nhất những khó khăn tạm thời trước mắt, thúc đẩy thông thương về nông sản.

Nguyễn Dương