Quảng Ngãi:
Làng Rêu hoang vắng, đìu hiu vì “bệnh lạ”
(Dân trí) - Sau dịch bệnh “viêm da lạ” năm 2012 khiến 24 người dân tộc H’re ở Ba Tơ (Quảng Ngãi) tử vong (trong đó có 19 người ở thôn Làng Rêu), Làng Rêu trở nên hoang vắng, đìu hiu. Càng hoang mang hơn khi bệnh đang đe dọa quay trở lại.
Bà Phạm Thị Ngẫy nằm nhà chờ chết theo chồng
Ngồi trong căn nhà sàn tối mịt, ông Phạm Văn Tài (SN 1936, ngụ thôn Làng Rêu) đưa ánh mắt dò xét người lạ. Sau khi biết chúng tôi đi cùng đoàn đến dọn dẹp vệ sinh, phòng ngừa “bệnh lạ”, ông Tài mới mạnh dạn tâm sự: “Năm ngoái cả làng chết nhiều lắm nhưng không biết nguyên nhân bệnh từ đâu. Giờ bệnh lại đến, chúng tôi lo lắng lắm, ai cũng sợ, ngủ không được. Chắc gia đình phải chuyển lên núi ở xa nơi này thôi”.
Những ngày đầu tháng 3, thời điểm bệnh “viêm da lạ” bùng phát mạnh trở lại, Làng Rêu rất vắng lặng, nhà nhà đều đóng kín cửa, khắp thông chỉ có những đoàn người lạ ra quân dọn dẹp vệ sinh, chôn phân trâu, lau chùi những nơi có thể ủ dịch bệnh,…
Cạnh nhà bà Ngắp, bà Phạm Thị Ngẫy (SN 1940) mới phát hiện bệnh ngày 6/3, cho biết: “Năm trước chồng tôi chết vì “bệnh lạ”, bây giờ tôi ở một mình và cũng mắc bệnh. Mà đến bệnh viện họ có chữa khỏi đâu, tôi ở nhà chờ chết theo chồng thôi”.
Nhắc đến bệnh “viêm da lạ”, ông Lê Hàn Phong - Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ - mong mỏi cơ quan chức năng sớm tìm ra nguyên nhân và phương pháp tiêu diệt dịch bệnh; giúp bà con yên tâm sống.
Được biết, từ ngày xuất hiện bệnh “viêm da lạ” vào năm 2012 đến nay, huyện Ba Tơ đã đón khoảng 40 đoàn công tác với trên 1.000 chuyên gia y tế về khảo sát, tìm hiểu, nghiên cứu nhưng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân bệnh. Đối với các kết luận nghi ngờ thủ phạm chính, Bộ Y tế cho rằng do người dân ăn gạo ủ gây mốc và có nấm độc.
Về nghi vấn gạo ủ là “thủ phạm”, ông Phạm Văn Nho - Bí thư Huyện ủy Ba Tơ - phản bác. Ông Nho cho rằng, từ xưa đến nay, người dân thường ủ gạo trong kho, khi nào ăn thì đem ra phơi và nấu cơm. Nếu nguyên nhân do gạo ủ thì người dân của 6 huyện miền núi Quảng Ngãi đều bị, trong đó có cả ông. “Người dân miền núi đều nghèo, họ không đủ ăn thì lấy gạo đâu mà ủ cho đến lên nấm mốc. Bộ Y tế cứ đưa ra lý do này, chắc đồng bào quê tôi khó qua khỏi “bệnh sĩ” này. Tôi đề nghị Bộ Y tế cần “mời hỏa tốc” ngành y tế tiên tiến trên thế giới vào cuộc giúp đỡ” – ông Nho bức xúc.
Hồng Long