1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Lãng phí vì mã số công dân

Trước đây, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đã được hỗ trợ xây dựng một đề án về lý lịch công dân trị giá 10 triệu USD nhưng sau đó không được Bộ Công an và Bộ Tư pháp tiếp nhận.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Tư liệu Dân số, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ), Bộ Y tế, cho biết cơ sở dữ liệu dân cư của Tổng cục DS - KHHGĐ có xuất xứ từ dự án “Đăng ký dân số và hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư” do Chính phủ Na Uy tài trợ.

Lãng phí vì mã số công dân
Làm thủ tục cấp CMND tại TPHCM. Theo Bộ Công an, 12 số trên CMND sẽ là số định danh cá nhân. Ảnh: TẤN THẠNH

Dự án hay nhưng bị dừng

Theo TS Quốc Anh, từ năm 1994, Ủy ban Quốc gia DS - KHHGĐ đã xây dựng hệ thống thống kê DS - KHHGĐ. Đến năm 1996, đoàn chuyên gia Na Uy sang Việt Nam khảo sát để hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm giúp Việt Nam cải cách quản lý Nhà nước theo xu thế hành chính công, mang dịch vụ đến với từng người dân.

Sau khi khảo sát hệ thống của Tổng cục Thống kê, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Ủy ban Quốc gia DS - KHHGĐ, đoàn chuyên gia Na Uy đã trình Chính phủ Việt Nam lựa chọn hệ thống của Ủy ban Quốc gia DS - KHHGĐ. Lý do, hệ thống này có đội ngũ cán bộ chuyên trách xã và các cộng tác viên tới tận thôn xóm, bản làng, hộ gia đình để ghi chép thông tin cũng như vận động KHHGĐ.

Khi đó, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã phê duyệt để Ủy ban Quốc gia DS - KHHGĐ tiếp nhận, thực hiện dự án này. Dự án thí điểm đăng ký dân số và hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ở Việt Nam giai đoạn 1998-2000 do Na Uy viện trợ và cử Trung tâm Dữ liệu Hoàng gia Na Uy trợ giúp về kỹ thuật, chuyển giao công nghệ hiện đại.

Sau khi làm thí điểm tại các tỉnh Hà Tây, Bình Thuận, Tây Ninh (3 miền) và cho thấy hiệu quả, các bên đã nhận định đủ điều kiện triển khai ra cả nước. Điều này cần được ban hành trong một nghị định. Khi đó, phía Na Uy tiếp tục viện trợ dự án “Chuyển tiếp về cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư ở Việt Nam” giai đoạn 2001-2002, đồng thời chuẩn bị nguồn vốn viện trợ khi thực hiện chính thức ra toàn quốc khoảng trên 10 triệu USD.

Tuy nhiên sau đó, từ một cơ quan ngang bộ, Ủy ban Quốc gia DS - KHHGĐ chuyển thành Tổng cục DS - KHHGĐ, thuộc Bộ Y tế và không còn chức năng ban hành văn bản quy phạm cũng như hướng dẫn các tỉnh, TP thực hiện.

Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ chuyển dự án này cho Bộ Công an (theo hệ thống quản lý hộ khẩu) thực hiện. Toàn bộ hồ sơ, tài liệu... đã được chuyển giao cho Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) là đơn vị thực hiện dự án. Sau đó, ban chỉ đạo thực hiện dự án gồm đại diện nhiều bộ, ngành liên quan được thành lập để giúp Bộ Công an triển khai.

“Tôi được Bộ Y tế cử tham gia là thành viên ban chỉ đạo này nhưng cũng chỉ trải qua vài cuộc họp lấy ý kiến đóng góp rồi thôi” - TS Quốc Anh nói.

Phớt lờ ý kiến đóng góp

TS Nguyễn Quốc Anh cho biết khi chuyển giao cho Bộ Công an, Tổng cục DS - KHHGĐ đã hình thành cơ sở dữ liệu chuyên ngành DS - KHHGĐ (có bổ sung các chỉ tiêu về KHHGĐ) để sử dụng. Đến nay, cơ sở dữ liệu vẫn được cập nhật thường xuyên và quản lý khoảng 98% số dân, so với số liệu công bố chính thức của Tổng cục Thống kê (khoảng trên 88 triệu người) nhưng không có số ID vì không có chức năng cấp.

“Nhiều nước trên thế giới chỉ giao cho một bộ (Nội vụ hoặc Tư pháp) xây dựng mã số công dân. Nếu để ở cơ quan công an thì người dân sẽ gặp không ít khó khăn hoặc ngại tiếp xúc” - TS Quốc Anh nhận định.

Từng tham gia buổi chuyển giao dự án giữa Tổng cục DS - KHHGĐ và Tổng cục Cảnh sát năm 2008, đại tá Vũ Xuân Dung, Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (C72) -Bộ Công an, lại chưa rõ đề án của Bộ Y tế có được cập nhật hay không. Theo ông Dung, chỉ những dữ liệu có đầy đủ tài liệu, chứng cứ pháp lý thì mới được sử dụng và các ngành tin dùng.

Đến nay, Bộ Tư pháp chưa đưa ra con số dự kiến để triển khai đề án của mình. Riêng đề án của Bộ Công an dự kiến hết 3.000 tỉ đồng, chia thành nhiều giai đoạn và đang được Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho ý kiến. Sắp tới, Bộ Công an sẽ triển khai đề án trị giá 10 triệu euro (vay vốn ODA của nước ngoài) về quản lý dân cư, được thí điểm tại TP Hải Phòng.

TS Quốc Anh cho rằng với cơ sở dữ liệu sẵn có ở Tổng cục DS - KHHGĐ, việc cấp số ID cho mọi bản khai của các công dân sẽ hình thành được hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên, những ý kiến góp ý đã không được Bộ Tư pháp và Bộ Công an lưu tâm.
 

Mạnh ai nấy làm

Đại diện Bộ Công an cho biết 12 số trên CMND mới chính là số định danh cá nhân, theo mỗi công dân trong suốt cuộc đời. Trong khi đó, theo Bộ Tư pháp, việc xây dựng đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính cho công dân (lấy 12 số trên CMND mới) được làm theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và sau đó là Chính phủ khi thực hiện dự án Luật Hộ tịch (dự kiến có hiệu lực trong năm 2015).

Mới đây, Bộ Công an đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị chỉ đạo Bộ Tư pháp dừng triển khai dự án do bộ này xây dựng để chống lãng phí. Thế nhưng, khi Thủ tướng Chính phủ chưa có ý kiến thì cả 2 bộ vẫn tiếp tục hoàn thiện dự án của mình.

 
 
Theo Thế Kha
Người Lao Động