1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vĩnh Long:

Làng nghề bánh tráng hối hả đón Tết

(Dân trí) - Làng nghề bánh tráng Cù Lao Mây (ấp Tân Thạnh, xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long) có từ gần 100 năm qua nhưng vẫn giữ được hương vị truyền thống. Mỗi dịp cận Tết, cả làng lại hối hả làm bánh phục vụ người dân.

Xay bột để chuẩn bị làm bánh tráng

Xay bột để chuẩn bị làm bánh tráng

Làng nghề truyền thống bánh tráng Cù Lao Mây hoạt động quanh năm nhưng vào dịp tết là xôm tụ nhất với 70 hộ dân theo nghề, thu hút hơn 200 lao động ở địa phương. Năm 2009, làng nghề được công nhận là làng nghề tuyến thống; từ đó bà con thành lập hợp tác xã (HTX) sản xuất để phát triển làng nghề theo hướng ổn định, bền vững.

Cho bột vào mâm hấp tráng tráng đều để chiếc bánh hình tròn.
Cho bột vào mâm hấp tráng tráng đều để chiếc bánh hình tròn.

Ông Nguyễn Tấn Tân, Phó Chủ tịch UBND xã Lục Sĩ Thành cho biết: “Sản phẩm bánh tráng từ làng nghề nổi tiếng ngon từ xưa đến nay, khác so với các sản phẩm cùng loại ở xứ khác là hoàn toàn không có phụ gia và làm thủ công theo nên giữ được hương vị truyền thống. Nhờ đó mà thị trường luôn rộng mở khắp các tỉnh trong vùng”.

Những ngày này đi dọc theo các con đường ở xứ Cù Lao Mây sẽ thấy cảnh người dân nhộn nhịp đổ bột, tráng bánh, phơi bánh…. Trung bình mỗi hộ gia đình làm từ vài trăm cái bánh tráng mỗi ngày tùy theo trời nắng nhiều hay ít.

Người dân Cù Lao Mây chuẩn bị bánh phục vụ tết

Người dân Cù Lao Mây chuẩn bị bánh phục vụ tết

Bà Nguyễn Thị Hằng ngụ ấp Tân Thạnh, có thâm niên 26 năm theo nghề làm bánh tráng, cho biết: “Làng nghề bây giờ làm quanh năm nhưng tết là làm nhiều nhất vì số lượng đơn đặt hàng nhiều. Gia đình tôi đến tết làm mỗi ngày khoảng 20 kg bột gấp 3 lần so với ngày thường với số lượng khoảng 500 đến 600 bánh. Bây giờ sản phẩm làm ra vẫn làm theo kiểu thủ công như mua gạo về xay bột, sử dụng dừa khô, mè, phơi bằng ánh nắng mặt trời… như ngày xưa nhưng các công đoạn cắt, hút chân không có máy hỗ trợ để đỡ tốn nhân công và chất lượng hơn”. Sản phẩm từ làng nghề làm ra rất đa dạng như: bánh tráng nhúng, bánh tráng nem, bánh tráng ngọt, bánh tráng tôm khô…

Nghề làm bánh tráng theo bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh suốt quãng đời bà về làm dâu ở xứ Cù Lao Mây. Bà Ánh kể: “Năm 18 tuổi tôi về xứ này được mẹ chồng truyền nghề và tôi làm tới năm nay đã 37 năm rồi. Bây giờ tôi lại truyền nghề cho con dâu để sau này tiếp tục nghề gia truyền. Làm nghề này chủ yếu lấy công làm lời và có việc làm ổn định nên giúp nuôi sống cả gia đình nên dù thu nhập không cao gia đình vẫn không bỏ nghề”.

Ngày thường gia đình bà Ánh chỉ có 2 lao động làm bánh tráng nhưng đến gần tết thì huy động hết 4 thành viên trong gia đình cùng làm vì có nhiều mối ở TPHCM, Cần Thơ đặt hàng. 

Ông Lương Văn Thông, chủ nhiệm HTX bánh tráng Cù Lao Mây cho biết: “Hiện tại có 14 hộ gia đình tham gia HTX và có người chuyên kiếm hợp đồng về đặt lại cho bà con làm. Ngoài ra, HTX còn được nhà nước hỗ trợ máy hút chân không, máy cắt nên chất lượng bánh tốt hơn, bảo quản lâu hơn so với trước đây”.

Những năm gần đây, nhịp sống ngày càng hối hả, không còn thấy cảnh nhà nhà quết bánh phồng, làm bánh tráng ăn tết như trước. Vì vậy, làng nghề truyền thống làm bánh tráng ở Cù Lao Mây nhờ vậy mà sống được và đem hương vị truyền thống rất mộc mạc về khắp mọi nhà trong mỗi dịp tết đến.

Minh Giang