1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Làng “lão hóa” vì nỗi ám ảnh bệnh phong

(Dân trí) - Nép mình dưới chân “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”, phía trước là cửa biển Đông, làng Hòa Vân (TP Đà Nẵng) thật nhỏ bé. Người Hòa Vân đùa: “Ở đây tìm một thanh niên còn khó hơn mò kim đáy bể. Các cụ già và người đang “lão hoá” là lực lượng nòng cốt”.

“Già xông pha…”

 

Gió từ biển quật vào những chiếc thuyền thúng đã rách nát kêu lộp độp. Cụ ông Nguyễn Thanh Tường (81 tuổi) cố vịn tay vào mép thuyền, giương đôi mắt mờ đục nhìn xa xăm về phía biển… Ra sinh cơ lập nghiệp ở làng Hòa Vân từ khi mới giải ngũ năm 1968, ông Tường được xem là vị tiền bối ở làng chài ven biển này.

 

“Tui có 6 đứa con, chúng lớn lên rồi lần lượt đi học, đi làm rồi định cư luôn ở xứ người. Lâu lâu chúng mới ghé thăm làng một lần”, ông Tường bần thần. Lần lượt những người thân rời bỏ, giờ ông Tường sống một mình trong căn nhà tình thương, mỗi tháng được hỗ trợ hơn chục cân gạo để tự nuôi sống bản thân.

 

Ông kể: “Mỗi sáng tui đều ra biển, nhìn về quê cũ (xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), hy vọng ngày tui mất sẽ được đoàn tụ với tổ tiên và bè bạn thời chăn trâu…”.

 

Ven con đường cát dẫn vào thôn Hòa Vân, những ngôi nhà vô chủ hoang tàn, xác xơ; những đoạn tường rào bằng cây gỗ mục ruỗng đổ chắn ngang bệ đường; nhà nào có người ở cũng đã cửa đóng then cài. “Nhà cửa chỉ còn người già với con nít đi ra đồng từ sáng thì lấy mô ra người” - một bà qua đường giải thích. Từ xa, lấm tấm trên những nền đất ruộng nham nhở, các ông già bà lão đang gồng mình làm đất để chuẩn bị cho một vụ lúa mới.

 

Bàn tay cụt ngủn vì bệnh phong, bà Nguyễn Thị Phú (70 tuổi) vừa cào lại thửa ruộng gần nửa sào đất để xạ lúa, vừa lấy trong người ra một bao nylon để nhặt nhạnh những con ốc con còn vướng lại nơi bờ ruộng. “Con nào lớn thì mình ăn, còn nhỏ thì đập ra cho gà. Ở một mình có chi ăn nấy, không thì thôi” - bà tâm sự.

 

Đến với ngôi làng nghèo này từ hơn chục năm nay, tới giờ vẫn chỉ mình bà lay lắt cùng tuổi già, làm bạn với căn nhà nhỏ và một chú chó con. Mỗi năm một ngày, tới lễ giỗ gia tiên, bà Phú mới được về quê thắp hương cho cha mẹ một lần, sau đó lại vội về Hòa Vân.

 

Những thế hệ trẻ ở làng Hòa Vân cứ lớn lên, đi vững chân là thoát ly ngôi làng chài. Tương quan lực lượng thanh niên, trai tráng với người già trong làng thật khập khiễng. Trưởng thôn Hoà Vân Trần Hữu Đức cám cảnh nói: “Đoàn thanh niên chỉ còn lại duy nhất ông bí thư đoàn, trong khi đó Hội người cao tuổi ở đây đã trên 70 người. Ra đường chỉ có người già và trung niên chứ chẳng có mống thanh niên nào cả”.

 

Bí thư đoàn của thôn cũng thuộc vào U41, rất muốn có người trẻ lên thay nhưng đỏ mắt tìm mà không còn một ai.

 

Ly hương từ thuở lên 10

 

Là “trách” chung chung thế thôi, chứ chính gia đình trưởng thôn Đức có đứa con gái lớn mới học hết lớp 5 đã cho vào trọ trong TP để học. Anh Đức tâm sự: “Ở đây cứ học hết cấp I muốn cho con cái đi học tiếp thì phải vô Kim Liên mới có trường. Hai đứa nhỏ nhà mình một đứa mới học mẫu giáo, một đứa mới học lớp 2 nhưng tương lai cũng phải cho nó đi ở trọ mà học, vài ba tháng về thăm nhà một lần. Chỉ có hai vợ chồng, buồn nhớ con mà biết làm sao được”.

 

Trước kia, làng Hòa Vân là trại phong được xây dựng từ thời Mỹ - Nguỵ nằm cách biệt với thế giới bên ngoài bởi cách trở địa lý của đèo Hải Vân và biển Đông. Làng có diện tích tự nhiên hơn 50ha, trong đó có khoảng 7ha để sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh nghề nông, làng còn có nghề đi biển nhưng giờ chỉ còn rất ít người tham gia vì thiếu bạn. Hiện làng chỉ còn gần 10 bệnh nhân phong.

Những thanh niên không còn đi học cũng cố ly hương mong thoát khỏi ám ảnh của làng phong năm nào, cũng là thoát khỏi cái nghèo bao đời của một Hòa Vân tiêu điều, xơ xác. Những đứa trẻ mới 11-12 tuổi đã phải tay bị, tay gậy lên đường đi xa học; những thanh thiếu niên chưa đầy 18 đã khăn gói tha hương kiếm sống…

 

Anh Đức cho biết: “Làng nằm ngay cửa biển nên mỗi khi nghe có bão thì phải thu dọn đồ đạc từ trước cả mấy ngày. Cả làng kéo nhau lên ngôi nhà hoang mà chờ bão đến. Nếu có lực lượng thanh niên xúm vào thì đỡ hơn và cũng yên tâm hơn”.

 

Nhưng đó chưa phải là điều đáng buồn nhất của làng. “Từ nhiều năm nay, người dân trong làng chẳng được dự cái đám cưới nào. Đám thanh niên đến tuổi lập gia đình thì cưới nhau ở mãi nơi đâu, đến khi con đàn cháu đống mới dẫn về chào làng một tiếng rồi lại ra đi thôi”, anh Đức buồn buồn kể.

 

Những thế hệ đang “lão hoá” từ U40 trở lên như anh Đức tự nhiên lại trở thành “thanh niên” của làng. Không còn người trẻ cưỡi sóng, đạp gió ra khơi; thuyền chài nằm phơi sương cả…

 

“Sức trẻ” của làng Hòa Vân tập trung chủ yếu ở ngôi trường ghép của làng. “Học sinh lớp 1, 2, 3 vào một lớp, còn các em lớp 4, 5 học một lớp. Nhưng mỗi năm số lượng học sinh ngày một giảm, nên nhìn lớp học mới tiêu điều vậy đó” - cô giáo Hà Thị Thu Oanh cho biết.

 

Theo cô Oanh, lớp ngày càng mai một vì các gia đình đều muốn cho con ly hương từ nhỏ để vào TP học tập. Lớp mẫu giáo do cô Nguyễn Thị Bảy phụ trách cạnh đó cũng thưa thớt tiếng trẻ thơ.

 

Ông già Tường lý giải về sự lão hoá của làng Hòa Vân: “Ai học được thì vô phố học rồi cũng bỏ đi biệt. Số còn lại bỏ xứ này ra đi vì nỗi ám ảnh của trại phong trước kia, tủi thân mà đi. Cũng một phần vì ở đây cách trở đường đèo, làng đã nghèo lại càng nghèo thêm. Mình nhìn cảnh này còn thấy nản nữa là thanh niên”.

 

Ông Tường hoang mang, làn này sắp đến lúc không còn nữa rồi. Trẻ bỏ đi, già cũng sắp rụng về cội, làng còn ai đâu…

 

Đoàn Cường