1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Thanh Hóa:

Làng hoa tết tất bật vào mùa

(Dân trí) - Còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, thế nhưng, không khí nhộn nhịp, tất bật chuẩn bị cho mùa hoa Tết đã rộn ràng trên khắp các cánh đồng ở xã Đông Cương, thành phố Thanh Hóa.

Đông Cương từ lâu nổi tiếng với nghề trồng hoa. Người dân nơi đây lấy cây hoa thay cho cây lúa để mưu sinh. Cũng chính vì thế mà nghề trồng hoa có từ bao đời. Nhắc lại lịch sử ra đời của nghề này, không ai còn nhớ chỉ nhớ nghề trồng hoa bắt đầu có từ những năm 90.

Người dân tất bật chăm sóc hoa phục vụ dịp Tết Nguyên đán.
Người dân tất bật chăm sóc hoa phục vụ dịp Tết Nguyên đán.

Lúc bắt đầu, chỉ có vài hộ, sau đó lên vài chục hộ, cho đến bây giờ thì con số ấy đã tăng lên hàng trăm hộ gia đình. Nhiều gia đình trồng hàng mẫu và thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi dịp Tết.
 
Ban đầu người dân cũng chỉ trồng chủ yếu là hoa cúc sau này thì được đa dạng các loại hoa như hoa hồng, hoa lay ơn, huệ hay cả giống cây cảnh nữa. Hiện nay, xã Đông Cương có 10 thôn thì có 7 thôn trồng hoa với diện tích 34,6 ha. Nơi đây đã trở thành địa điểm cung cấp hoa uy tín, chất lượng cho các địa phương khác trên toàn tỉnh Thanh Hóa vào dịp Tết Nguyên đán.

Đến hẹn lại lên, cứ vào cuối năm dương lịch, người dân xã Đông Cương lại tất bật lo cho lứa hoa phục vụ Tết. Năm nay, thời tiết khắc nghiệt, nắng nhiều khiến cho những người trồng hoa đứng ngồi không yên. Nếu hoa “cười” không đúng thời điểm thì người trồng hoa chỉ có nước “khóc” và coi như năm đó người dân không có Tết. Bởi với họ cả năm chỉ trông chờ vào dịp Tết để kiếm nguồn thu nhập cho cả gia đình.

Trồng hoa đòi hỏi công chăm sóc rất nhiều.
Trồng hoa đòi hỏi công chăm sóc rất nhiều.

Có mặt tại cánh đồng hoa của xã Đông Cương, Tết như đến gần hơn với người dân nơi này. Ai nấy đều tất bật với những luống hoa của gia đình mình, người giăng bóng điện, người cần mẫn tỉa cành, tuốt lá, người nhổ cỏ, phun thuốc. Tất cả như đang hối hả làm việc để phục vụ cho những ngày Tết đang đến cận kề.

Chúng tôi ghé thăm vườn hoa của gia đình chị Phạm Thị Hằng (ở thôn 3, xã Đông Cương, TP. Thanh Hóa) lúc chị đang bận rộn nhổ cỏ cho những luống hoa cúc. Với 13 năm kinh nghiệm trồng hoa, làm giống để cung cấp giống hoa cho dịp tết, chị cho biết: “Vụ hoa tết năm nay nhà tôi trồng được 6 sào hoa cúc các loại như cúc Mâm xôi, cúc tím, cúc xanh và hơn 1 sào hoa hồng. Thời tiết năm nay khá khắc nghiệt, đây đang thời gian quan trọng nhất của cây hoa nhưng mấy hôm vừa rồi nắng nhiều quá hoa mà nở trước Tết thì gay go”.

Cũng theo chị Hằng, nếu không trồng hoa mà trồng các loại hoa màu khác như ngô thì 6 sào đất nhà chị chỉ cho thu hoạch gần 10 triệu đồng nhưng trồng hoa mà những vụ thời tiết thuận lợi, hoa trổ đúng vụ thì thu nhập phải trên 60 triệu đồng.

Ông Đào Văn Thông đang nhổ cỏ cho hơn một vạn cây hoa cúc.
Ông Đào Văn Thông đang nhổ cỏ cho hơn một vạn cây hoa cúc.

Do vậy, từ khi trồng hoa đến nay, đời sống của hàng trăm hộ gia đình tại Đông Cương nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm cũng từ nghề trồng hoa. Tuy nhiên, nghề trồng hoa đòi hỏi nhiều công sức và phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên nhiều khi không ổn định.

Hộ ông Đào Văn Thông (ở thôn 2) cũng có kinh nghiệm hơn 10 năm trồng hoa, tuy chỉ có diện tích 2 sào để trồng hoa nhưng mỗi vụ như tết năm ngoái cũng thu hoạch từ 20 - 25 triệu đồng.

Các loại hoa được trồng phục vụ mùa Tết năm nay chủ yếu là: Hoa Cúc (cúc tím, cúc Hà Lan, cúc mâm xôi…), hoa hồng, hoa lan, hoa huệ... Đây là những loại hoa được người tiêu dùng ưa chuộng, hút hàng trong dịp Tết.

Theo người dân ở đây, việc bán hoa cũng thuận lợi vì các thương lái thường đến tận vườn để mua hoa, hơn nữa Đông Cương chỉ cách trung tâm TP. Thanh Hóa 5km nên việc vận chuyển rất thuận tiện. Vào khoảng thời gian từ 20 âm lịch tháng chạp, xe đến tận nơi để mua hoa rồi mang đi đến các thị trường như Hà Nội, Thái Bình, Nghệ An…

Người nông dân trồng hoa ở Đông Cương cầu mong cho hoa nở đúng dịp.
Người nông dân trồng hoa ở Đông Cương cầu mong cho hoa nở đúng dịp.

Ông Lê Tiến Vinh, Phó chủ tịch UBND xã Đông Cương, cho biết: “Đối với xã chúng tôi, trồng hoa được xem là nghề truyền thống, cây kinh tế chủ lực của xã, với mức thu 30 triệu/sào thì mỗi năm nông dân toàn xã cũng thu được trên 2 tỷ đồng/năm. Nghề này đã tạo công ăn việc làm, giải quyết cho hàng trăm lao động. Nhiều hộ đi lên thoát nghèo cũng từ nghề trồng hoa, cây cảnh”.

“Những năm gần đây, do quá trình đô thị hóa nên một số ha hoa bị thu hồi để phục vụ xây dựng các công trình. Tuy nhiên, hiện chúng tôi đang làm đề án quy hoạch trình lên tỉnh xin mở rộng diện tích thêm 13 ha nữa để mở rộng mô hình trồng hoa và cây cảnh”, ông Vinh cho biết thêm.

Nguyễn Thùy - Duy Tuyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm