1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Làng hoa Tết sau những ngày…“dâng hiến”!

(Dân trí) - Sau khi "dân chơi" dồn dập đổ về lấy đi cái đẹp thì làng đào, làng quất ở Nhật Tân, Tứ Liên chỉ còn lại cảnh tan hoang với những luống đất chơ chỏng? Không hẳn như vậy, thực tế các làng hoa này vẫn “kéo dài” cái đẹp trong sự "vui ít, buồn nhiều" cho một mùa vụ mới…

Tồn đọng cả… trăm triệu

Khi chúng tôi có mặt tại xã Tứ Liên, ông Phạm Văn Ân đang thực hiện "chuyển đổi" cây quất tán thành… quất thế. Ông cứ loay hoay, nhảy hết chỗ này sang chỗ kia để ngắm tạo dựng cây quất thành thế "tam đa" hay "ngũ phúc"?

Chuyển đổi những cây quất sang quất thế giúp cho cây nhẹ và dễ phát triển hơn, ông Ân tâm sự. Nhưng đây là công việc có tính “nghệ thuật” nên một ngày làm việc, có sự cố vấn của vài người khác, ông Ân cũng chỉ làm được vài cây chuyển đổi.

Ông Ân tự an ủi, tận dụng những cây quất này cho vụ sau sẽ bớt được một khoản tiền lớn mua cây giống mới. Một cây quất giống cỡ như cây quất tồn đọng cũng có giá khoảng 50- 60 ngàn đồng.

Trong bốn dãy quất ông trồng năm trước, còn nguyên một dãy quất “ế” với khoảng 40 cây. Hầu hết những cây này quả khá đẹp nhưng lá bị quăn nên khách chê. Nếu phải bấm bụng mà tính, thì số tiền còn tồn đọng từ số quất ế này (theo thời giá giáp Tết) cũng lên tới hàng chục triệu đồng.

Nhưng rủi ro của gia đình ông Ân vẫn chưa thấm vào đâu so với gia đình anh Dương ở cách đó không xa. Sáng nay, chị vợ anh Dương mải miết tỉa tót cho cây quất cao gấp đôi người chị và to đến vài người ôm. Dù gạ hỏi thế nào chị Dương cũng không muốn hé lộ về vườn quất của mình. Chỉ một điều duy nhất chị nói là do thiếu người "chạy" trong dịp Tết nên vườn cây của chị vẫn “xum xuê” như vậy.

 

Làng hoa Tết sau những ngày…“dâng hiến”! - 1
  

Cả đống tiền còn nằm lại
với những cây quất vô duyên

Theo quan sát, tết Bính Tuất vừa rồi gia đình anh Dương chỉ xuất được non nửa số quất trong vườn. Số quất còn lại vào khoảng 60 cây, bao gồm cả quất thế và quất tán. Điều đáng nói là vườn quất của anh gồm toàn những cây “cổ thụ”, rất đẹp mà giá mua vào hồi giữa năm trước cũng lên đến 500- 600 ngàn đồng/gốc, còn giá xuất vào dịp Tết thì ít cũng tính tiền triệu. Làm một phép toán kiểu “áng chừng” thì số tiền thất thu vụ vừa rồi của gia đình anh cũng lên đến trăm triệu...

Sang đến làng đào Nhật Tân, dường như không khí Tết cũng “trụ lại” nơi này lâu hơn những nơi khác. Bằng chứng là những cành đào sắc đỏ, sắc hồng vẫn còn hiện diện đây đó trên đồng. Những cành đào này vẫn bắt mắt nhưng lại bị gán cho cái tội "lỗi mùa" hay nói theo cách của một người trồng đào, cười rất tươi mà vẫn thấy ...vô duyên.

Những cây đào ấy được coi là phần sai số của người trong nghề, mà theo kinh nghiệm lâu năm của những người trồng đào Nhật Tân là... đứng ngoài. Anh Nguyễn Duy Mật, người có vườn đào đẹp của năm rồi, tâm sự: những người trồng đào có thể lựa theo thời tiết chứ không “bắt” nổi thời tiết. Cứ một trăm cây đào, cuối năm xuất được khoảng 50-60 cây đã là thắng. Cũng theo anh Mật, chính nhờ số đào thất bại còn lại, sang năm “dân chơi” trong phố mới có đào đẹp.

“Cày” cả năm, thu nhập chỉ hơn… cấy lúa?

Tính ra, cả năm những người trồng đào, quất chỉ làm có một vụ, nhưng thời gian cho sự ngưng nghỉ hầu như không có. Chưa ráo cái Tết, anh Mật đã lo sửa sang những cây đào tồn đọng. Liền ngay sau đó là thu gom và tỉa tót những cây đào cho thuê được lấy về. Hai nhân công đang được anh thuê để tái sinh lại vườn cây cứ đào đào, bới bới và khuân vác liên tục trong vài ngày nay.

Anh cũng vừa có một chuyến lặn lội lên Lục Ngạn, Bắc Giang để thu mua những gốc đào của người dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Những gốc đào vừa thu mua được có tuổi khoảng 20-30 năm, với giá 150.000 đồng/gốc sẽ được ghép mắt đào Nhật Tân để thay thế cho những cây đào đã bị bán đứt và cả những gốc đào cho thuê đã chết.

Còn vài tháng nữa mới đến thời điểm “đảo” quất (mua quất giống về trồng), nhưng ngay sau Tết, công việc làm đất đã được chuẩn bị cho mùa chính. Hầu hết những thửa ruộng trồng quất đã mọc lên những cây đỗ tương, đôi khi có xen lẫn cây ngô. Ông An cho biết, toàn bộ những sản phẩm của các loại cây này không để giải quyết vấn đề lương thực mà sẽ được ngâm để tưới hoặc bón cho cây quất…

Tiếng là một vụ nhưng công việc cứ lải nhải cả năm mà thu hoạch cũng không cao lắm.  “Không phải dân Nhật Tân, Tứ Liên phất lên, xây nhà lầu, mua xe nọ xe kia như nhiều người trong phố nói đâu”, anh Mật tâm sự khi chúng tôi chuẩn bị ra về. Vụ đào vừa rồi, theo anh là trúng nhưng cũng chỉ được khoảng 50-60 chục triệu, trừ các khoản chi phí đi thu nhập hàng tháng cũng chỉ đạt trên một triệu. Nếu không có đất trồng thêm các loại hoa khác, người dân làng hoa còn đói là khác, anh Mật giãi bày.

Cấn Cường - Phương Thảo