Làng… gùi củi
(Dân trí) - Không có nghề nghiệp ổn định, hơn 20 năm nay, đồng bào Cơtu ở làng P’rao (thuộc thị trấn P’rao, huyện Đông Giang, Quảng Nam) luẩn quẩn trong vòng vây của đói nghèo. Công việc chủ yếu của người dân nơi đây là làm nghề… gùi củi!
Những bó củi nhỏ được xếp ngay ngắn, vừa vặn chiếc gùi loại nhỏ mà phụ nữ Cơtu thường hay mang lên rẫy. Chị Alăng Thị K’dó (40 tuổi) cho biết: “Mỗi gùi củi chỉ bán được 5 nghìn đồng thôi. Rẻ lắm nhưng phải bán thì mới có tiền mua gạo cho cả nhà ăn, không thì nhịn đói, răng mà sống nổi”.
Theo chị K’dó, mỗi ngày chị em đều tranh thủ đi bán từ 3 đến 4 chuyến, lòng vòng quanh các quán ăn, quán nhậu, nhà hàng,… để rao bán củi. Nếu chủ quán ưng ý thì gọi vào mua, còn không thì cứ đi dọc tuyến đường quanh thị trấn mà tìm “mối” nhập kho. “Hằng ngày, sau buổi đi làm rẫy về, tụi mình thường tranh thủ đi vào rừng sâu kiếm ít củi khô. Trước khi đi bán, chị em phơi khô củi rồi phân chia theo từng gùi, bán kiếm cái ăn” - chị Alăng Thị Tưl (38 tuổi) cho biết.
Không chỉ có người lớn, trẻ em ở làng P’rao cũng thường theo mẹ lên nương kiếm củi để bán kiếm tiền giúp đỡ gia đình. Em Alăng Thị Nem (12 tuổi) tâm sự: “Ngày nào em cũng đều theo mẹ lên rẫy, rồi tranh thủ kiếm luôn vài bó củi khô đem về bán cho mấy quán nhà hàng. Nhà nghèo, không theo mẹ đi bán củi thì biết làm việc chi để kiếm tiền hở anh?”.
Trưởng thôn P’rao, ông Ating Châu cho biết: “Đồng bào ở đây sống chủ yếu dựa vào nghề bán củi. Thông thường, sau buổi đi làm nương về, các chị em thường tranh thủ vào rừng thêm kiếm củi về bán. Chuyện đồng bào Cơtu nơi đây sống bằng nghề bán củi đã hơn 20 năm ni rồi!”.
Chị Alăng Thị Mêl (42 tuổi) tâm sự: “Nhà mình có tất cả 7 người, cuộc sống gia đình còn gặp nhiều khó khăn. Mỗi ngày, mình cùng đứa con gái đều tranh thủ đi bộ vào rừng hơn 1 tiếng đồng hồ để kiếm củi. Sau đó, phân phối thành các gùi nhỏ để bán kiếm thêm tiền mua gạo và thức ăn cho cả nhà. Bình quân mỗi ngày mình và con gái kiếm được khoảng từ 20-30 nghìn đồng thôi”.
Theo trưởng thôn Ating Châu, trong năm 2010, cả thôn P’rao có đến 33 hộ nằm trong diện nghèo và 16 hộ nằm trong diện cận nghèo. Đây là con số đói nghèo chiếm tỉ lệ cao nhất trên địa bàn thị trấn P’rao. “Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đói nghèo tăng cao như hiện nay là do trình độ dân trí của đồng bào còn thấp. Hơn nữa, dân số đông nên thiếu đất canh tác, phát triển kinh tế. Tuy vậy, chúng tôi cũng đang triển khai các hướng tốt nhất giúp đồng bào phát triển kinh tế nông nghiệp nhằm giảm tỉ lệ đói nghèo” - trưởng thôn Ating Châu cho biết.
Già làng Bh’Nướch Mông (79 tuổi) nói: “Khổ nhất là đồng bào không nằm trong các diện đầu tư hỗ trợ theo các chương trình dự án của Nhà nước, nên nghèo đói vẫn cứ bám hoài. Già nghĩ, chỉ có cách làm mới trong công tác vận động và phát triển kinh tế cho đồng bào thì cuộc sống của họ mới thay đổi”.
Cả làng P’rao có đến gần 50 thanh niên trai tráng nằm trong độ tuổi lao động không có việc làm ổn định. “Ở thôn ni, đa phần thanh niên đều đi làm thuê cho các chủ thầu công trình xây dựng trên địa bàn. Tuy nhiên, do vài phần tử thanh niên trong thôn còn vướng vào chuyện rượu chè nên cuộc sống vẫn chưa có gì tiến triển so với trước đây” - trưởng thôn Ating Châu ái ngại.
Cả thôn P’rao có 112 hộ với gần 420 nhân khẩu, đều là đồng bào Cơtu sinh sống từ lâu đời. Theo trưởng thôn Ating Châu, cả thôn P’rao có đến hơn 80% hộ đồng bào sống bằng nghề gùi bán củi. Đây cũng là một “nghề” mưu sinh, góp phần đưa đồng bào có chút thu nhập giúp đỡ gia đình. |