1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Làng... đàn ông

Mới 4h sáng, phụ nữ trong làng đã lục tục trở dậy, chuẩn bị cho một ngày vất vả ngược xuôi. Đàn ông ở nhà chăm sóc con cái, lợn gà, buôn chuyện và... chơi số đề.

Những người phụ nữ “300 km”

 

4h30 sáng, chị Hiển trở dậy, đánh thức luôn cả 2 cô con gái sinh đôi Ngân – Nga, chuẩn bị cho một ngày làm việc. Sinh năm 1987, vừa tốt nghiệp phổ thông, hai cô gái đã biết theo mẹ sang tận Trung Quốc lấy hàng.

 

Ở làng Đồng Sau (xã Đồng Sơn, huyện Yên Dũng, Bắc Giang), mọi phụ nữ đều lấy việc sang Trung Quốc lấy hàng làm công việc sinh nhai...

 

5h30, những chiếc xe khách bắt đầu khởi hành, lao vun vút về phía biên giới, mang theo hàng trăm phụ nữ của làng Đồng Sau với cuộc hành trình bán buôn dài 300 km, mặc cho những ông chồng vẫn chìm trong giấc ngủ.

 

Làng nằm cách biên giới Lạng Sơn 120km. Đất làng thì ít, chỉ có 107 mẫu ruộng, trong khi có tới 297 hộ với khoảng 1.700 người. Không trông được vào hạt lúa củ khoai, người làng Đồng Sau phải tính đến chuyện buôn bán kiếm tiền.

 

Chị Hiển từ bé đã nổi tiếng trong việc buôn bán chợ búa. Những năm khó khăn, chỉ một đôi quang gánh, một chiếc xe đạp là chị ngược xuôi khắp Lạng Sơn, Bắc Giang. Từ ngày có phong trào “đi chợ” Lạng Sơn thì chị chuyển sang tuyến Lạng Sơn - Hà Nội. Chị Hiển bảo, đi buôn lặt vặt thì làng này có truyền thống từ lâu, nhưng từ khi Nhà nước mở đường quốc lộ cắt qua làng thì phong trào buôn bán mới trở nên rầm rộ. Một người đi, thấy làm ăn được, thế là phụ nữ cả làng “lên đường” hết. Việc nhà giao lại toàn bộ cho cánh đàn ông.

 

Chế độ “một thủ trưởng”

 

Anh Nguyễn Văn Hợi, trưởng thôn Đồng Sau, gật gù công nhận chị Hiển, vợ mình, nói đúng. Mà có không đúng cũng phải đúng, vì làng Đồng Sau thực hiện nghiêm túc chế độ “một thủ trưởng”, người nắm kinh tế là người quyết định mọi chuyện trong nhà.

 

Vợ về nhà chỉ ăn, ngủ, nghỉ, còn bao nhiêu việc cơm nước, lợn gà, chăm sóc con cái, các ông phải cáng đáng. Thoáng nghe có vẻ buồn cười, nhưng đúng là ở cái làng Đồng Sau này, “đàn ông rửa bát quét nhà, nghe tiếng vợ gọi: bẩm bà em đây".

 

Anh Hợi kể, để chứng minh mình là chủ gia đình, có thể kiếm tiền nuôi vợ con, anh thầu cả ao cá của thôn, nuôi một lúc hai mươi con lợn, nấu rượu bán cho các đại lý ở Bắc Giang... Nhưng có làm cật lực như thế, thu nhập của anh cũng chỉ dưới 30 triệu đồng/năm, thấp hơn nhiều so với việc chị Hiển đi chợ. Cố gắng được 2 năm thì anh Hợi quyết định... ở nhà phục vụ vợ. Trưởng thôn mà phải ở nhà thì người dân bình thường không có lý do gì phải đi ra ngoài. Thế là hằng ngày, từ sáng đến tối mịt, làng Đồng Sau chỉ toàn đàn ông...

 

Nhàn cư vi bất thiện

 

Theo đàn ông làng Đồng Sau, sở dĩ họ chấp nhận ở nhà là vì đàn ông phải “thanh niên tính”, đâu thể trả giá kỳ kèo bớt một thêm hai như các bà. Câu trả lời nghe có vẻ hợp lý, nhưng...

 

Khi tôi đến nhà ông Nguyễn Thế Mùa (60 tuổi) thì ông đang xắn quần “chiến đấu” với lũ lợn mẹ lợn con, kèm thêm đứa cháu gái 2 tuổi nghịch ngợm trong sân, quần áo nhem nhuốc. Tất cả những việc to việc nhỏ trong nhà, ông Mùa đều phải làm hết để phục vụ bà vợ bán thịt lợn và cô con dâu chạy chợ Lạng Sơn.

 

Ở làng này, hầu như nhà ai cũng mạnh về kinh tế. Anh Nguyễn Hoàng Việt, mới 22 tuổi đã sở hữu một ngôi nhà to như biệt thự. Đàn ông cứ chịu khó ở nhà trông con cho vợ đi buôn, kinh tế "không phải nghĩ". Luẩn quẩn ở nhà với gà lợn, con cái, thời gian rảnh rỗi, tiền không thiếu, đàn ông sinh hư.

 

Chiều chiều, hàng chục người đàn ông tụ tập ở quán nước đầu làng, mang theo con nhỏ vừa buôn chuyện vừa làm vài “con đề”. Nạn cờ bạc ở Đồng Sau cứ thế ngày một phát triển. Ở đây, người đàn ông "thành đạt" là người không bị cờ bạc quyến rũ (!)

 

Chẳng thế mà ông Mùa đã phải thốt lên rằng, niềm tự hào nhất của ông suốt 40 chục năm qua là đã nuôi dạy con cái nên người và không cờ bạc, nghiện ngập, thế là tốt lắm rồi...

 

Theo Hoàng Lan Anh

Người Lao Động