Bình Định:
Làng bún - bánh An Thái “chạy đua” vào vụ Tết
(Dân trí) - Tháng Chạp là thời điểm người dân ở làng nghề bún - bánh ở An Thái ( xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, Bình Định) lao động “chạy đua” để chuẩn bị hàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán.
Ghi nhận của PV Dân trí, thời điểm cuối năm, không khí lao động ở làng bún, bánh ở An Thái (xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn) rất tất bật và nhộn nhịp. Đây là thời điểm các cơ sở làm bún, bánh tranh thuê nhân công hoạt động “hết công suất” cho ra những mẻ bún, bánh kịp xuất khẩu đi khắp cả nước tiêu thụ.
Ông Nguyễn Văn Lượng (thôn An Thái, xã Nhơn Phúc) cho biết: “Ngày thường gia đình tôi chỉ chế biến khoảng 150 kg gạo, những tháng Tết thì số lượng tăng lên gấp đôi, có khi gấp 3. Cả năm chỉ trông 3 tháng cuối năm nhưng năm nay mưa liên tục nên số lượng giảm đáng kể. Người dân tranh thủ trời hửng nắng làm bún, bánh để nhập cho khách.
Theo ông Lượng, nghề bún không quá khó, các công đoạn làm bún không quá cầu kỳ, nhưng mỗi cơ sở, mỗi hộ dân đều có bí quyết riêng. Song, muốn bún ngon thì quan trọng vẫn là chất lượng gạo dẻo, thơm. Bột gạo phải ngâm, xay nghiền thật kỹ, ngâm lọc đúng và đủ thời gian. Bún, bánh ở An Thái nổi tiếng không chỉ trong tỉnh mà còn xuất đi các tỉnh lân cận như Gia Lai, Kom Tum, thậm chí được xuất bán qua Lào, Campuchia.
Chủ cơ sở sản xuất bún gạo Trường Thọ, chị Tướng Thị Huyền Anh cho biết: “Dịp Tết, cơ sở chế biến trên 1 tấn gạo/ngày, cho ra 800 kg bún khô. Sản phẩm làm ra bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu. Cơ sở có 16 lao động, thu nhập 150 - 200 ngàn đồng/người/ngày”.
Theo UBND xã Nhơn Phúc, làng nghề bún - bánh An Thái có trên 60 cơ sở, hộ gia đình sản xuất. Sản phẩm tiêu thụ trên toàn quốc, trong đó “hút hàng” nhất là thị trường Tây Nguyên. Đặc biệt, sản phẩm bún Song Thằn hiện đã có mặt ở nhiều siêu thị trong nước. Hiện giá bún Song Thằn tăng lên 200 ngàn đồng/kg nhưng các cơ sở không dám nhận đơn đặt hàng vì thời tiết nắng ít nên sợ không đảm bảo nguồn hàng cung ứng.
Doãn Công