1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Làng bánh tráng tất bật vào vụ bánh lớn nhất năm

(Dân trí) - Ngay từ đầu tháng 11 âm lịch, làng báng tráng Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đã bắt đầu vào vụ làm bánh lớn nhất trong năm để phục vụ Tết Nguyên đán.

Bánh tráng nướng (một số nơi gọi là bánh đa, bánh khô…) Túy Loan nức tiếng ngon từ xưa đến nay. Người Đà Nẵng, có lẽ không ai không biết món bánh tráng Túy Loan.  Theo phong tục của người dân ở đây, bánh tránh nướng là món ăn không thể thiếu trên mâm cơm gia tiên trong mỗi dịp Tết. Ngoài việc đặt lên mâm cúng ông bà, bánh tráng được sử dụng làm quà biếu nhau.

Ngày thường, chỉ có chưa đến 10 lò bánh tráng nhưng vào vụ Tết có hơn 20 lò đỏ lửa suốt ngày đêm mới có thể đủ lượng bánh giao cho khách đặt hàng.

Những ngày này, lò bánh tráng của chị Nguyễn Thị Thu (sinh 1962) luôn đỏ lửa. Ngoài huy động chồng con vào làm, chị Thu còn phải thuê thêm người. Để công việc làm bánh có thể duy trì thường xuyên trong những ngày này, lò bánh của chị cần 7 – 8 lao động.

Nếu như ngày thường, lò bánh của chị của làm 400 – 500 cái bánh thì những ngày này, mỗi ngày chị phải làm 1.000 cái bánh mới đủ cung cấp cho khách hàng. Để có một chiếc bánh ra lò, cũng cần rất nhiều công đoạn, từ việc ngâm gạo, xay bột, chuẩn bị các gia vị , tráng bánh, sấy bánh, rồi nướng. Vì thế, lò bánh là nhà chị phải hoạt động liên tục.

“Bắt đầu từ 10 giờ đêm là chị đã làm rồi, hai vợ chồng thay phiên nhau tráng bánh liên tục mới đủ cung cấp cho khách hàng. Hiện cũng có nhiều khách đến đặt bánh nhưng chị không nhận nữa vì làm không kịp”, chị Thu cho biết.

Chị Thu cũng cho biết, ngoài những lò bánh làm thường xuyên như gia đình chị thì có một số hộ gia đình, ngày thường họ làm nghề khác nhưng đến vụ Tết thì bắt tay vào làm bánh.

Chị Thu là người làm nghề bánh tráng đã 20 năm nay. Những tháng giáp Tết là những tháng tất bật nhất và chỉ có ngày 30 Tết mới được nghỉ.  Giá bánh từ 50 – 120 ngàn đồng/chục, tùy loại bánh, kích cỡ bánh.

Bên lò bánh tráng của bà Đặng Thi Tùng (75 tuổi), mọi người cũng đang tất bật làm cho kịp giao hàng. Người giã rừng, tóc tỏi; người rang mè; người tráng bánh, người sấy bánh… Đây cũng là lò bánh thuộc loại có tiếng trong làng.

Bà Tùng đang sắp những chiếc bánh sau khi đã được sấy khô

Bà Tùng đang sắp những chiếc bánh sau khi đã được sấy khô

Đang sấy những chiếc bánh vừa mới được tráng xong, chị Trương Thị Kim Liên (35 tuổi) cho biết, chị về làm dâu đã được 10 năm và theo mẹ chồng làm nghề bánh tráng. Ngày thường chỉ có bà Tùng, chị và một người em dâu nữa làm nhưng những ngày giáp Tết này phải huy động hết cả con cháu vào làm. Từ tháng 10 âm lịch là khách hàng đã bắt đầu đặt hàng. Và đầu tháng 11 là lò bánh bắt đầu đỏ lửa, tăng tốc.

Vào vụ Tết, con cái cũng phụ giúp bố mẹ làm bánh

Vào vụ Tết, con cái cũng phụ giúp bố mẹ làm bánh

Bánh được gia đình chị bán 100 ngàn đồng/chục. Nhiều người không chỉ mua về để cúng ông bà, ăn trong những ngày Tết mà còn để biếu bạn bè.

Còn bà Tùng cho biết, bà làm nghề bánh tráng cũng đã hơn 20 năm nay. Năm nào cũng thế, bắt đầu từ tháng 11 âm lịch là phải huy động cả nhà ra làm bánh. Có năm, ngày 30 Tết phải làm bánh. Đến thời điểm này bà đã “chốt” sổ không nhận thêm đơn đặt hàng nữa vì không làm kịp.

Theo bà Tùng, để giữ nghề và góp phần nâng cao chất lượng, quảng bá hình ảnh đặc sản của vùng, xã Hòa Phong đã thành lập hợp tác xã bánh tráng, kêu gọi các hộ tham gia.

Khánh Hồng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm