1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Làng bánh chưng rộn ràng đón Tết

(Dân trí) - Nằm cách trung tâm TP Vinh (Nghệ An) khoảng 3km, Mỹ Thành rộn ràng không khí Tết từ đầu làng nhờ mùi bánh chưng thơm phúc lan toả khắp các ngõ ngách, xua tan hơi lạnh ở dưới 10 độ C.

Những ngày giáp Tết, Mỹ Thành đỏ lửa suốt ngày đêm để kịp tung ra thị trường hàng vạn chiếc bánh chưng mỗi ngày. Bánh chưng Mỹ Thành không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân Nghệ An mà còn tỏa đi khắp các TP lớn như Sài Gòn, Hà Nội.

 

Trắng đêm cùng bánh chưng

 

Bắt đầu từ 23/12 âm lich, ngày Tết ông Công ông Táo, người làm bánh Mỹ Thành đã cho ra lò mẻ bánh đầu tiên. Liền những ngày sau đó, hàng trăm chuyến xe chở lá dong từ các huyện miền Tây Nghệ An đổ về TP Vinh. Nhà nhà chất đầy lá dong, gạo nếp, đậu xanh, cùng trăm thứ gia vị khác.

 

Làng bánh chưng rộn ràng đón Tết - 1

Cầu kỳ từ khâu chọn lá dong.

 

Mùa làm bánh thực sự bắt đầu từ ngày 25/12 âm cho đến hết ngày 29 Tết, nhưng tất cả các khâu từ nhân bánh tới vỏ bánh đều đã được chuẩn bị từ cả tháng trước. Ông Nguyễn Xuân Khiêm có nghề làm bánh chưng trên 40 năm nay, cho biết: Nghề gói bánh chưng của Mỹ Thành có từ rất lâu nhưng đến những năm 1990 trở lại đây mới thực sự phát triển; đến nay đã trở thành một nghề không thể thiếu của làng.

 

Nhà nhà, người người chong đèn 24/24h trắng đêm nấu bánh chưng. Anh Nguyễn Xuân Hiệp tuy mới 20 tuổi nhưng đã có trên 10 năm tuổi nghề, kể: “Nghề nấu bánh chưng tương đối đơn giản, nhưng mình phải trực 24/24h để đốt than, pha nước, đun lửa đỏ hợp lý, đúng quy cách thì chiếc bánh mới có thể chín ngon, thơm bánh, bánh bóc ra có màu xanh, chín đều. Bắt đầu từ 25 Tết, đêm nào cũng phải thức trắng”.

 

Bánh chưng Mỹ Thành giờ đã thành thương hiệu. Bánh Mỹ Thành chiếm 95% thị phần bánh chưng TP Vinh và các huyện phụ cận. Người ta mua bánh Mỹ Thành về cúng tổ tiên, làm quà cho người thân,…

 

Làng bánh chưng rộn ràng đón Tết - 2

Một mẻ bánh chuẩn bị lên lò.

 

Chị Nguyễn Thị Tuyết, tay thoăn thoắt gói bánh, cho biết, ngày thường gia đình tự làm bánh, nhưng bắt đầu từ 23 Tết là phải thuê hàng chục nhân công mới xuể.

 

Chữ tín trong cơn bão giá

 

Hiện nay tất cả các mặt hàng trên thị trường, từ con cá, mớ rau… đều “khủng hoảng” giá. Để kéo giá bánh chưng cho kịp với giá cả thị trường là điều mà người làm bánh Mỹ Thành không mong muốn. Nhưng để giữ được chất lượng bánh như truyền thống mà vẫn có giá rẻ là điều không thể.

 

Giá nguyên liệu làm bánh tăng vùn vụt, từ 3-5 lần bình thường, nhưng giá bánh thì không thể tăng lên gấp đôi. Một người làm bánh lâu năm cho biết, những năm trước, một chiếc bánh bán ra, trừ mọi chi phí cho lãi 2.000 - 4.000đ, nhưng năm nay chắt chiu chi li cũng chỉ còn khoảng 1.500/chiếc.

 

Đời sống khó khăn, thu nhập hạn hẹp nhưng không vì thế mà người làm bánh Mỹ Thành đánh mất hương vị truyền thống của bánh. Bánh chưng vẫn phải đảm bảo chất lượng, phải giữ được cái hồn dân tộc, phải lưu hương ngày Tết, ấy là điều người dân Mỹ Thành tâm niệm.

 

Nguyễn Duy