1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Lần tìm thân phận cậu trai bị chị gái "dẫn" vào đời

Tôi đã lặn lội tìm về quê hương của Bi để rồi hiểu ra vì sao em lại không gia đình, không quê hương, không “lối về”. Hoàn cảnh của em còn bi thảm hơn những gì em kể…

Tôi đã đi, để biết để biết cuộc đời thì luôn rộng lớn hơn mọi suy đoán, nghi kị, để vượt lên cái lý lẽ mà người đời thường nói: “Đừng nghe thằng nghiện thanh minh”.

Đáp xe tới Thị trấn Phát Diệm (Kim Sơn, Ninh Bình), tôi hỏi thăm về Cầu Ngói. Người đàn bà bán nước ở bến xe nói cầu cách đây khoảng một cây số thôi, đi bộ cũng được. Vậy là em nói đúng. Tôi bắt đầu yên tâm hơn.

Lá bài hộ khẩu để Bi được cai nghiện

Tới cầu Ngói, bác xe ôm còn tận tình hỏi giúp tôi nhà “cậu Hòa”. Vừa lúc đó có một người phụ nữa đi qua, anh bán hàng nước ở chân cầu chỉ: “Vợ bác Hòa đó. Còn bác Hòa thì mất cách đây hơn một năm rồi. Bác Hòa ơi!” (ở quê, người ta thường gọi vợ theo tên chồng – PV). Tôi nghi ngờ hỏi lại: “Bác Hòa làm nghề dệt thảm, là anh em với bác Ngọ cơ”. Anh hàng nước bảo “Thì đúng rồi”. Tôi vội vã cám ơn anh rồi chạy đuổi theo người phụ nữ đang đi phía trước.

Chị Hòa ngạc nhiên trước người khách lạ. Chị dẫn tôi vào một ngôi nhà nhỏ chỉ đủ kê một chiếc giường, một chiếc tủ để ti vi, một bộ bàn ghế uống nước đơn sơ và vài đồ đạc thiết yếu trong sinh hoạt gia đình. Trong bóng tối nhập nhèm của ngọn đèn nhỏ không đủ chiếu sáng cho căn phòng, người đàn bà trung niên gày gò giới thiệu chị tên là Lê Thị Thảo, là vợ của anh Trần Văn Hòa.
 
Lần tìm thân phận cậu trai bị chị gái "dẫn" vào đời - 1
Dù gục ngã nhưng trong sâu thẳm con người Bi luôn khát vọng để sống, để cai nghiện

Tôi nói với chị, tôi về để tìm cậu mợ của em Bi (tên ở nhà gọi là Bình - PV) đang sống ở bến xe Niệm Nghĩa, Hải Phòng. Chị Thảo ngơ ngác không hiểu. Tôi sửa lại là tìm cậu mợ của em Bình, anh trai của em Đ.. Lúc ấy chị mới hiểu ra. Chị hỏi, tìm được thằng Bình rồi à. Tôi nói Bình bị nghiện ma túy nhiều năm rồi và đang cần giúp đỡ làm hộ khẩu để đi cai nghiện, chị tỏ vẻ nghi ngại, hỏi dồn dập: “Thế có vấn đề gì không, công an người ta điều tra à?”. Sau khi trấn an chị là Bình không có vấn đề gì với pháp luật cả, tôi chỉ cần gia đình giúp đỡ làm hộ khẩu để em được đi cai nghiện, chị mới yên tâm.

Rồi chị kể, “Từ ngày chị Soi (mẹ của Bi – PV) mất, mọi người không thấy chị em thằng Bình (tức Bi - PV) về nữa. Nhưng cuối nhăm 2008 thì Đ. về cùng với một người phụ nữ làm nghề luật sư gì đó để nhờ làm giấy khai sinh, hộ khẩu cho thằng Đ.. Hình như vợ chồng chị ấy nhận thằng Đ. làm con nuôi. Họ đi cả ô tô về nữa. Nhưng công an ở đây nói họ không biết ai với ai, chị Soi không có hộ khẩu tại địa phương nên không làm được. Sau thì họ nhờ nhà Dũng ở Đồng Hướng (xã Đồng Hướng, Kim Sơn, Ninh Bình) vì chị Soi trước là người gốc ở đó. Ông Dũng là anh em họ với chị Soi về đằng ngoại, còn chồng tôi với chị là chị em họ về đằng nội. Còn cậu Giao, dì Cậy … trong Đồng Nai thì mới là chị em ruột với chị Soi”.

Tôi vô cùng ngạc nhiên bởi vẫn nghĩ như Bình nói, rằng Đ. còn nhỏ và đang được cậu mợ nuôi cho ăn học tử tế. Tôi thắc mắc thì chị tâm sự, nhà chị nghèo, họ hàng nhà chị ai cũng nghèo cả, chồng chị hơn một năm trước đã chết vì xuất huyết não khi đang đi nấu cơm cho đội đào vàng ở tận Cà Mau. “Anh em kiến giả nhất phận, ai cũng nghèo nên có ai nhìn mặt ai đâu. Nên khi chị Soi mất, chúng tôi cũng không nuôi được tụi nhỏ”.

Anh em 9 năm xa cách ngàn trùng

Tôi hỏi chị cách liên lạc với Đ., chị bảo chị mất điện thoại nên không còn số của chị Hồng (người đi cùng Đ. về làm giấy khai sinh) nữa. Nhưng chị chỉ cho tôi tìm nhà ông Dũng, người bác họ giúp làm giấy khai sinh cho Đ.: “Cô cứ về xã Đồng Hướng, hỏi trường tiểu học Đồng Hướng, nhà ông Dũng ở gần đó”. Tôi cảm ơn chị rồi lại tiếp tục lên đường.

Tìm vào nhà ông Dũng khi đã tối muộn. Ông Dũng đang nằm xem chương trình thời sự buổi tối trên ti vi. Nghe tôi hỏi Đ., ông vội khoe, chính ông đã cho Đ. “nhập” vào hộ khẩu nhà ông, chứ “nhà Hòa nó ác lắm, nó không làm hộ khẩu được cho thằng Đ. nhưng nó cũng không nói là Đ. còn có tôi là bác họ. Chắc nó nghĩ thằng Đ. giầu rồi. Sau công an người ta mới lần ra tôi vì thằng Đ. không biết tôi, người ta cũng thương mà linh động làm giấy khai sinh chứ nó sinh ở bến xe và không được làm giấy khai sinh như tất cả chị em nó”.

Tôi nói chuyện về Bình, ông chả tỏ gì ngạc nhiên: “Ngày trước con Hà (chị cả của Bình - PV) cũng về đây nhờ tôi làm chứng minh thư cho, nhưng tôi không làm. Tôi bảo thẳng, chị em mày mà dính đến ma túy thì đừng có về đây mà cậy nhờ điều gì”.

Tôi hỏi ông về gia cảnh nhà Bình, ông cũng tâm sự cởi mở. Mẹ Bình vốn người ở Đồng Hướng, Kim Sơn, Ninh Bình. Thời con gái, mẹ Bình có yêu một anh bộ đội miền Nam đóng quân ở đây. Khi biết mình mang bầu thì người yêu đã về Nam. Xấu hổ, mẹ Bình đã bỏ lên Hà Nội, sống lang thang ở bến xe, bến tầu bằng “nghề” bán máu. Rồi mẹ Bình gặp một ông già ăn xin ở bến xe thì sống cùng. Mẹ Bình có thêm ba người con nữa là Hòa, Bình và Đ.. Cả gia đình Bình sống lang thang ở các bến xe, khi thì ở bến Hà Đ., khi lại sang bến Giáp Bát. Mẹ Bình thì bán máu, bố đi ăn xin còn các con thì hát rong ở bến xe.

Đúng ngày 2/9/1998, mẹ Bình bị tai nạn giao thông ở gần bến xe Hà Đ... Khi mẹ Bình chết, ông Dũng đưa về quê xin chôn cất. Ban đầu làng còn không cho chôn ở nghĩa địa của làng vì mẹ Bình đã bỏ đi biệt xứ từ lâu, “không có đóng góp gì cho địa phương”. Sau khi lo hậu sự cho mẹ Bình xong thì bố Bình cũng bỏ đi luôn, ông Dũng phải đưa bốn chị em Bình vào Đồng Nai “bàn giao” cho người cậu ruột của Bình tên là Giao nuôi dưỡng.

“Nhưng được mấy năm thì tôi nghe cậu Giao gọi báo chị em chúng nó đã bỏ ra Bắc cả rồi. Từ đó tôi cũng không tìm chúng nó nữa, chỉ nghe nói chúng nó lại hát rong ở bến xe và cái Hà thì dính vào ma túy và dẫn cả thằng Bình vào. Sau đó thì chúng nó lạc nhau. Cái Hà thì vào tù” – ông Dũng bình thản kể chuyện. Ông bảo, ông là dân lao động nên “không ưa cái giống lười lao động ấy”.

Tôi hỏi ông về Đ., ông lấy điện thoại, dở cuốn sổ tay nhỏ tìm số điện thoại rồi bấm máy. Một cô gái trả lời bằng giọng nhỏ nhẹ rất lịch sự rằng Đ. đang đi ra ngoài, cô sẽ gọi cho Đ. để báo tin và nói Đ. gọi lại. Trong lúc chờ Đ. liên lạc lại, ông Dũng kể, Đ. đang sống trong một trung tâm bảo trợ trẻ em của một tổ chức nước ngoài ở Hà Nội. “Ông giám đốc hình như là bố nuôi nó. Nó mà xin ông độ một nghìn USD là thoải mái xây mộ cho mẹ nó. Tôi bảo nó rồi, mộ của mẹ nó bây giờ còn nhỏ lắm, sắp mất cả mộ đến nơi nếu không xây gấp”.

Nói xong, ông Dũng lại bấm điện thoại gọi cho cô gái, giọng quát nạt hỏi “tại sao không thấy thằng Đ. gọi lại? Có người từ Hải Phòng người ta tìm thấy anh trai nó đây này”. Cô gái vội cho ông số điện thoại của Đ., ông lập tức bấm máy. Đ. vừa nghe máy thì ông lại tiếp giọng giận dữ quát nạt. Để dịu đi không khí căng thẳng, tôi xin phép được nói chuyện với Đ..

Tôi thông báo tình hình của Bình cho Đ. biết và hỏi ý Đ. thế nào. Đ. trả lời bằng chất giọng khá bình tĩnh khiến tôi cũng phải ngạc nhiên, nhưng những câu hỏi rối rắm của Đ. đã “tố cáo” nỗi xúc động của em. Chính tôi cũng đang vui mừng khôn xiết cho Bình. Chưa biết có cơ hội nào cho em cai nghiện được không khi Đ. cũng vẫn chỉ là một đứa trẻ được một trung tâm bảo trợ trẻ em nuôi dưỡng, nhưng em đã tìm được người thân, em đã có gia đình!

Cuộc hàn huyên đẫm nước mắt

Đ. hỏi tôi khi nào tôi có thể về Hà Nội được. Tôi lo lắng sẽ không còn xe để về ngay trong đêm, nhưng hiểu nỗi bồn chồn của em, tôi an ủi bằng lời hứa rằng tôi sẽ cố gắng về ngay trong đêm để sáng hôm sau gặp em. Em cảm ơn rồi cúp máy. Còn tôi, mặc cho ông Dũng khuyên nên ở lại để sáng hôm sau về sớm vì không còn xe khách về Hà Nội nữa, tôi vẫn lao ra đường giữa đêm tối. Tìm xe một hồi không được, tôi đánh liều vẫy một chiếc xe tải xin đi nhờ ra thành phố Ninh Bình. Cuối cùng tôi cũng về được bến xe nước ngầm lúc hơn 11 giờ đêm. Trước đó, tôi bất ngờ nhận được cuộc điện thoại của Đ., em xin được gặp tôi ngay trong đêm.

Chúng tôi tới ngồi ở một quán nước bên vỉa hè. Nói chuyện qua điện thoại với em tôi đã cảm nhận ở em sự già dặn so với cái tuổi 15 (Đ. sinh năm 1996). Khi gặp mặt, em vẫn khiến tôi ngạc nhiên vì sự chững chạc, bản lĩnh, có phần lì lợm toát ra từ cái thân hình nhỏ bé, gầy guộc không khác mấy người anh trai. Đ. bình tĩnh hỏi chuyện anh Bình giờ ra sao. Tôi rút ra tờ báo tặng em. Trong bóng tối nhập nhoạng, em ngồi đọc lướt qua bài báo rồi cẩn thận gấp lại, ngồi nói chuyện với tôi.

Đ. kể chuyện về gia đình mình một cách dè dặt, em nói khi đó em còn quá nhỏ. Nhưng khi tôi hỏi em gặp anh trai lần cuối khi nào thì em trả lời dứt khoát là năm 2002, khi đó em 6 tuổi, còn anh trai 12 tuổi. Khi giữa chúng tôi đã có chút thân thiện, dưới ánh đèn đường mờ ảo sương đêm, Đ. kể về bi kịch cuộc chia li gần 10 năm của hai anh em: Sau khi chị Hà đưa em và Bình ra Hà Nội, chính mắt em đã chứng kiến cảnh chị Hà cho anh Bình dùng ma túy, bắt Bình và Đ. đi hát xin tiền. Mỗi ngày Bình bị “giao khoán” phải nộp cho chị bao nhiêu tiền, nếu không nộp đủ là bị đánh, bị dọa không cho dùng “thuốc”.

Người chị gái thứ hai sợ người chị cả đưa nốt Đ. “vào đời” nên chạy ra ở riêng cùng với bà hàng nước ở bến xe Giáp Bát và dẫn Đ. theo. Ít lâu sau đó thì người chị thứ hai theo “chồng” vào TP Hồ Chí Minh cùng với Đ.. Ít lâu sau thì Đ. đã bỏ về bến xe Giáp Bát, bắt đầu cuộc sống của một đứa trẻ lang thang, lưu lạc. Từ đó Đ. không gặp lại các chị và anh Trai nữa. Tôi hỏi em ngày đó sao lại bỏ trốn, em bảo em còn quá nhỏ nên không nghĩ gì cả. Nhưng nghe Đ. kể về Bình, một người anh trai rất nhường nhịn thương yêu em và có biệt tài tạo ra âm thanh từ hai cái chén khi hai anh em lang thang đi hát, tôi tin cậu bé Đ. 6 tuổi ngày đấy thực sự muốn đi tìm người anh trai của mình.

Trước khi từ biệt tôi ra về, Đ. tha thiết nhờ tôi ngay sáng hôm sau dẫn em đi tìm anh trai. Đ. kể, suốt mấy năm lang thang ở bến xe, rồi đến 3 năm trong trại giáo dưỡng số 4 ở Ba Vì cộng với 4 năm ở Trung tâm bảo trợ trẻ em, lúc nào Đ. cũng nung nấu kế hoạch đi tìm lại anh trai và người chị gái thứ hai.
 
“Em đã về Hải Phòng tìm anh Bình một lần nhưng không gặp, em nghe lái xe ở bến Giáp Bát nói gặp anh ấy ở Hải Phòng thế là em đi luôn. Em đã gửi cả thư lên chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly nữa, nhưng chưa thấy người ta giúp. Em sợ là anh ấy chết rồi. Anh ấy nghiện như thế, tiền lại không có thì làm sao mà sống được. Giờ em sẽ tìm anh ấy. Dù thế nào thì anh em cũng sống chết có nhau …”

Đêm ấy, trong sương khuya lạnh, tôi trở về nhà với thân xác rã rời nhưng trái tim thì háo hức với niềm vui chờ đợi một cuộc hành ngộ của hai anh em mồ côi sau 9 năm lưu lạc.

Theo Hương Hoàng
VTC