TT-Huế:

Lần theo dấu vết, đi tìm nguồn gốc của bò tót quý hiếm

(Dân trí) - Sau vụ con bò tót lạc vào Huế, Chi cục Kiểm lâm tỉnh TT-Huế đã lập đoàn kiểm tra đi thu thập thông tin và dấu vết liên quan đến bò tót cũng như hướng di chuyển để làm rõ nghi vấn bò tót từ đâu đến.

Đoàn kiểm tra gồm cán bộ Phòng Bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm tỉnh), Hạt kiểm lâm Thị xã Hương Thủy (địa phương nơi bò tót lạc vào) và chính quyền Hương Thủy. Phương pháp điều tra của đoàn dựa trên 2 hướng chủ yếu là thu thập thông tin từ dân địa phương - những người trực tiếp thấy bò tót (phỏng vấn bán cấu trúc, ghi chép theo phiếu điều tra có ký xác nhận người được phỏng vấn và người cung cấp thông tin, kết hợp vẽ sơ đồ hướng di chuyển của bò tót). Và thu thập dấu vết liên quan như dấu chân, đường đi, hậu quả để lại (hàng rào bị húc đổ, nạn nhân, khu vực gây án mạng...) thông qua quan sát, chụp ảnh tư liệu.

Đoàn kiểm tra tiếp xúc với người dân và hiện trường để tìm dấu vết, hướng đi của bò tót
Đoàn kiểm tra tiếp xúc với người dân và hiện trường để tìm dấu vết, hướng đi của bò tót

Những dấu vết ban đầu của con bò lạ nghi bò tót

Trong 2 ngày 27/7 và 1/8, đoàn đã điều tra tại phường Thủy Lương, phường Thủy Tân, xã Thủy Phù (Thị xã Hương Thủy), Lộc Bổn (huyện Phú Lộc) là những nơi có liên quan đến phạm vi vòng tròn của bò tót xuất hiện trước và trong thời điểm bị lạc vào sân bay Phú Bài. Kết quả điều tra cho thấy con bò tót này đã từng xuất hiện cách đây 2 năm tại Thị xã Hương Thủy.

Cụ thể, vào tháng 10/2010 tại Động Hoàng, thôn Tân Ba, xã Thủy Bằng, Hương Thủy, người dân đã phát hiện một loài bò lạ trong nhiều tuần. Con bò này đã mấy lần rượt đuổi những người dân đi chăn trâu trong rừng, rượt người dân đi xe máy ở con đường cạnh rừng thông tự nhiên Động Hoàng.

Con bò này có kích thước lớn hơn bò nhà, trán có bờm màu nâu nhạt, toàn thân có màu nâu xám, ngực lớn, thân trước to, thân sau nhỏ và mông nhỏ. Nhận biết qua hình ảnh bò tót lạc ở sân bay Phú Bài thì người dân xác định con này là tương tự.

Cụ thể hơn, chính anh Mai Văn Nga, người dân ở đây đã phát hiện dẫn đường cho Chi cục kiểm lâm đến hiện trường nơi anh thấy con bò khi đi chăn trâu vào lúc 17h30 ngày 30/10/2010. Con bò lạ lúc đó đứng cách anh Nga khoảng 10-20 mét. Dấu vết tại hiện trường gồm dấu chân bò và thức ăn. Dấu chân kích thước 12x14cm, dấu chân cách nhau khoảng 0,5-0,6m, không tìm thấy mẫu phân. Con bò này khác bò nhà về cách thức ăn, nó chỉ ăn đọt non của cây cỏ lau, đót...

Bò lạ có nhiều dấu vết tương đồng rất giống với bò tót ở sân bay Phú Bài
Bò lạ có nhiều dấu vết tương đồng rất giống với bò tót ở sân bay Phú Bài

Chưa có đủ cơ sở để kết luận đây là loài bò tót. Tuy nhiên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tuyên truyền cho người dân không được bắn con bò này, cảnh báo để mọi người trong thôn đề phòng nguy hiểm, tránh để con bò tấn công. Đồng thời, chỉ đạo Trạm Kiểm lâm Tuần (xã Thủy Bằng) thông báo với chính quyền địa phương xã Thủy Bằng biết, tiếp tục theo dõi để nắm thêm thông tin.

Sau hơn 1 năm, bò lạ “tái xuất” và húc người

Tiếp theo, vào ngày 16/2/2012, vào lúc 8h sáng, ông Văn Viết Nghĩa (SN 1964, trú xã Phú Sơn, Thị xã Hương Thủy) trong lúc chạy xe máy đến khu vực Khe Mò O thì phát hiện từ xa có con bò với cặp mắt đỏ rực đang chạy đến gần chỗ ông. Ngay lập tức, ông liền bỏ xe máy, trèo lên cây gần đó để trốn con bò. Ông điện thoại cho người dân gần đó đến giải cứu. Sau khoảng hơn nửa tiếng, con bò đã húc nhiều lần vào cây mà ông Nghĩa đang trèo ẩn nấp nhưng không có kết quả. Con bò bỏ chạy khi nhiều người dân đến cứu ông Nghĩa.

Normal
Khu vực gần Khe Mò O - nơi ông Nghĩa phát hiện con bò

Trong số những người dân đến chỗ giải cứu ông Nghĩa nhìn thấy bò, có ông Ngô Đăng Lụy (SN 1960, trú thôn 2, xã Phú Sơn) sau khi xem các hình ảnh bò, ông đã khẳng định rằng con bò lạc ở sân bay Phú Bài giống với con bò mà ông nhìn thấy ngày hôm đó. Và ông còn khẳng định đó là con bò đực vì ông đứng sát với con bò nên đã thấy rõ bộ phận sinh dục của nó. Ngoài ra, ông cũng đã gặp bò tót tại Quỳnh Hợp (Nghệ An) nên cũng có nhiều kinh nghiệm để nhận biết đó là bò tót.

Cũng trong sáng ngày 16/2/2012, con bò đã chạy xuống khu vực Khe Lời, xã Thủy Phù (Hương Thủy). Ông Lê Đức Dũng (SN 1947, trú thôn 6, xã Thủy Phù, bảo vệ rừng tại Hồ Khe Lời) đã gặp con bò trên vào 10h sáng. Con bò đã rượt đuổi ông Dũng chạy vào nhà, sau đó nó đã bỏ chạy và húc vào hàng rào thép B40 của Trạm Bảo vệ rừng Khe Lời làm hàng rào hư hỏng.

Normal
Hàng rào của Trạm bảo vệ rừng Khe Lời bị con bò húc nghiêng

11h30 sáng 16/2/2012, con bò tiếp tục chạy đến khu vực thôn Bến Ván, xã Lộc Bổn (Phú Lộc) giáp với xã Phú Sơn (Hương Thủy). Em Nguyễn Thị Hồng Sương (SN 1995) khi đang đi trên đường bằng xe gắn máy cùng với người chú làm giấy CMND thì gặp con bò trên. Sau đó, khi em Sương dừng xe ở lề đường đã bị con bò húc bị thương ở phần đùi trái, phải khâu 37 mũi. Theo Sương, con bò sau khi húc đã bỏ chạy về hướng khu vực xã Phú Sơn.

Normal
Em Sương bị bò húc vào chân, vết sẹo lớn vẫn còn đến bây giờ

Con bò lạ tiếp tục quậy phá dân làng

Bẵng đi một thời gian, vào lúc 17h ngày 17/5/2012, ông Lê Văn Chánh (trú thôn 6, Thủy Phù, Hương Thủy) cùng 2 cháu đang nhổ cỏ tại Lăng Ông Lớn Ngài Bổn Thổ (thôn 6) thì phát hiện con bò tót đang chạy tới. Ông Chánh leo lên nóc lăng trốn, còn 2 cháu thì chạy trốn vào trong lăng. Ông Chánh và nhiều người dân thôn 6 cho biết từ đó đến nay, con bò sống quanh quẩn tại thôn 6. Phía nhóm công nhân bóc vỏ keo cho biết, con bò đi từ thôn 6 qua thôn 7 và đi hướng về khu công nghiệp Phú Bài.

Vào cuối tháng 6/2012, ông Lê Đức Dũng (SN 1947, trú thôn 6, xã Thủy Phù, Hương Thủy) cùng với 2 người con trai lại phát hiện dấu vết con bò tại khu vực Khe Lời. Ngoài các dấu vết để lại, con bò còn phá một số cây keo tại khu rừng gần với trạm bảo vệ rừng Khe Lời trong thời gian khoảng 2 tuần.


Normal

Dấu chân của con bò tại khu vực Trạm bảo vệ rừng Khe Lời (Thủy Phù, Hương Thủy)

Vào buổi sáng 23/7 - khi xảy ra vụ cụ bà 85 tuổi Nguyễn Thị Thí ở phường Thủy Lương (Hương Thủy) tử nạn nghi do bò húc - một số người dân cho biết từng thấy bò tót. Cụ thể, vào 4h sáng bà Bùi Thị Vui (trú tổ 5, phường Thủy Lương) nghe chó sủa nên chạy ra xem và thấy 1 con bò lạ đi vào ruộng rau muống nhà bà. Con bò bị chó đuổi nên chạy băng qua ruộng lúa và để lại những dấu chân rõ ràng trên lớp đất ẩm tại ruộng lúa. Sau đó con bò tiếp tục chạy qua nhà ông Phòng, nhà ông Sơn và ông Thành.

Bà Nguyễn Thị Thương (SN 1965, trú tổ 11, phường Thủy Lương) đã gặp con bò tót trên vào 6h30 sáng hôm đó ngay trước cửa nhà. Anh Trần Văn Hùng (SN 1968, trú cùng tổ 11) khi đang ngồi uống cà phê tại quán Quỳnh Giao (tổ 9, phường Thủy Lương) cùng mấy người bạn đã gặp con bò chạy ngang qua, tiếp đó bò chạy về hướng khu vực sân bay Phú Bài.

Bà Lê Thị Mùi (trú làng Chiết Bi, Thủy Tân, Hương Thủy) cho hay khoảng 7h30 sáng, khi bà đang đạp xe lên dốc (đoạn ở gần sân bay Phú Bài) thì thấy con bò lạ to lớn chạy rượt theo. Bà Mùi vứt xe đạp chạy và la lớn. Con bò chạy về hướng sân bay. Sau đó bà yên tâm chặt củi gần đó thì bỗng nhiên con bò quay lại, bà Mùi sợ quá leo lên cây trốn và thấy con bò chạy dọc theo hào và vào trong khu vực sân bay.

Normal
Dấu chân bò tót tại ruộng lúa trước nhà bà Vui (thôn 10, phường Thủy Lương).

Trong ngày 23/7, Chi cục Kiểm lâm đã về kiểm tra trong sân bay khi con bò lạ đang ẩn nấp. Kết quả đã xác định đây chính xác là loài bò tót quý hiếm hiện đang còn sót lại rất ít con tại Việt Nam. Tên khoa học của giống bò tót này là Bos gaurus.

Qua những thông tin thu thập được từ người dân địa phương, những người trực tiếp thấy, chứng kiến sự xuất hiện của bò tót và dấu vết liên quan như dấu chân, đường đi hậu qua để lại như trên, ngày 2/8 đoàn kiểm tra đã có kết luận về hướng di chuyển của con bò tót lạc vào sân bay Phú Bài ngày 23/7 như sau: Con bò tót có thể bị lạc đàn hoặc do môi trường sống bị ảnh hưởng nên đã từ rừng tự nhiên xung quanh di thực đến Động Hoàng (thôn Tân Ba, xã Thủy Bằng, Thị xã Hương Thủy) từ khoảng năm 2010. Và sau đó đã di chuyển qua thôn 3 xã Phú Sơn, qua Hồ Khe Lời xã Thủy Phù, qua thôn Bến Ván xã Lộc Bổn huyện Phú Lộc, sau đó trở lại hồ Khe Lời rồi đi dọc theo các khu rừng về hướng khu công nghiệp Phú Bài; băng qua phường Thủy Lương, Thủy Tân và cuối cùng là vào khu vực sân bay Phú Bài ngày 23/7/2012.

Con bò tót to lớn, hiêng ngang đi lại trong sân bay Phú Bài ngày 23/7 (ảnh: báo Tuổi Trẻ)
Con bò tót to lớn, hiêng ngang đi lại trong sân bay Phú Bài ngày 23/7 (ảnh: báo Tuổi Trẻ)

Trao đổi thêm với Dân trí về thông tin dư luận cho rằng bò tót có thể đã bị sổng chuồng từ xe bắt bò tót đi ngang Huế, từ một hộ nuôi bò tót nào đó hoặc thậm chí từ... máy bay đáp xuống sân bay Phú Bài, ông Nguyễn Viết Hoạch, Chi cục trưởng kiểm lâm tỉnh TT-Huế khẳng định và nhấn mạnh đó hoàn toàn là những tin đồn thổi vô căn cứ, nhằm tăng thêm tính ly kỳ trong vụ bò tót đến Huế.

Th.s Võ Đình Ba (giảng dạy ở Bộ môn Động vật Sinh thái, khoa Sinh, ĐH Khoa học Huế), người đang được giao nhiệm vụ xử lý đầu bò tót thành tiêu bản bảo tàng để phục vụ nghiên cứu khoa học: “Giả thiết con bò tót tách đàn, lạc bầy hay mất môi trường sống hoàn toàn là có khoa học khi minh chứng trong Bình Thuận vừa qua cũng có trường hợp tương tự, bò tót về sống với bò nhà và cho ra nhiều con bò lai đẹp và quý”.

PGS.TS Võ Văn Phú - chuyên gia về động vật học, Khoa Sinh, ĐH Khoa học Huế: “Bò tót có nhiều ở vùng rừng Bắc Trường Sơn thuộc miền Trung như ở Tà Rụt, Đakrông (Quảng Trị) - trước đây xuất hiện rất nhiều đàn về hàng năm. Ở Phong Điền (TT-Huế) và dãy Bạch Mã (một phần thuộc địa phận TT-Huế) chắc chắn có bò tót. Cụ thể tại Bạch Mã và một số nơi khác của Huế, người ta thấy dấu vết chính xác của bò tót chứ chưa nhìn thấy. Trong các sách vở và cả Dư Địa Chí TT-Huế rồi đề án tổng kết thành lập Bảo tàng tự nhiên tỉnh của Sở Khoa học và Công nghệ cũng ghi và xác nhận ở Thừa Thiên Huế có bò tót.

Bò tót có hiện tượng đi kiếm ăn, có thể nó về từ vùng đồi núi nương rẫy phía Bắc, rồi đi xuống các đồng cỏ và lạc về vùng này. Gặp xe nhiều, đèn sáng nên nó mất phương hướng và lạc. Bò tót về xuôi là chuyện bình thường vì hệ sinh thái của bò là hệ sinh thái vùng đồi phải ăn cỏ. Do đó, nó có thể đi từ rừng xuống đồi tìm thức ăn rồi lạc là điều bình thường thôi. Tuy nhiên, giả thiết cao nhất của tôi về con bò tót này là nó về đồng bằng kiếm ăn, kiếm muối rồi bị lạc”.


Normal
Sơ đồ đánh dấu vị trí con bò tót xuất hiện và di chuyển ở Thị xã Hương Thủy và huyện Phú Lộc (đánh dấu nhân đỏ và đường màu đỏ).

Bài: Đại Dương
Ảnh: Chi cục Kiểm lâm tỉnh TT-Huế