1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Lần theo dấu tích tuyến đường sắt răng cưa cổ nhất thế giới

(Dân trí) - Gắn liền những ngày lập làng, lập phố trên cao nguyên Langbiang. Có kết cấu răng cưa độc đáo. Vượt qua những cánh rừng nguyên sơ và độ cao hơn 1.500m so với mặt nước biển. Đó là những ký ức vẹn nguyên về tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt.


Lần theo dấu tích tuyến đường sắt răng cưa cổ nhất thế giới - 1

Đầu máy xe lửa chạy bằng hơi nước của Nhật Bản, dùng để trưng bày cho khách du lịch thưởng lãm tại ga Đà Lạt

 
“Thích lên Đà Lạt bằng tàu không” - câu hỏi của một người bạn đã đưa tôi đến với chuyến đi khám phá tuyến đường sắt răng cưa được xem là cổ nhất thế giới, do người Pháp xây dựng, nối liền Tháp Chàm (Ninh Thuận) với Đà Lạt (Lâm Đồng). Từ TP Tháp Chàm - Phan Rang, chúng tôi đi xe máy ngược lên theo quốc lộ 27 về phía Ninh Sơn (Ninh Thuận), vùng đất nổi danh với những chùm nho lúc lỉu và những đàn cừu xù mượt lông trên du mục nắng và gió.
 

Lần theo dấu tích tuyến đường sắt răng cưa cổ nhất thế giới - 2

Cây cầu Tân Mỷ với 16 nhịp bắc qua con sông Dinh nằm song song với quốc lộ 20 tại tỉnh Ninh Thuận

 

Dấu tích của tuyến đường sắt răng cưa độc đáo là hai cây cầu Tân Mỷ và Sông Pha. Cầu Tân Mỷ sừng sững nằm song song theo trục quốc lộ 27, phủ đầy rêu phong, bị lãng quên cùng thời gian. Cầu Sông Pha vẫn đang được sử dụng làm cầu dân sinh. Lần theo những đường mòn người dân thường qua lại, chúng tôi tìm về với ga KrôngPha - một trong những nhà ga có vị thế quan trọng bậc nhất của tuyến đường sắt này. Vì đây là nơi gắn bánh răng cưa để chuẩn bị lên đèo. Nhà ga bây giờ chỉ còn cái xác trơ trọi, cây cỏ mọc um tùm, mái dột nát tan hoang.


Lần theo dấu tích tuyến đường sắt răng cưa cổ nhất thế giới - 3
Dấu tích còn xót lại tại ga Eo Gió
 
Một nhà ga khác cũng đã phai nhạt, hoang tàn, cũ kĩ cùng thời gian, hiện là nơi trú ngụ của 50 nhân khẩu vô gia cư, đó là ga Eo Gió. Không còn lấy một thanh tà vẹt, chỉ còn vài chữ tiếng Pháp mờ nhạt trên bức tường đã rêu phong. Bên ngoài hoa cỏ mọc um tùm. Nhà ga vốn được xem là bề thế nhất trên cao nguyên này nay điêu tàn. Theo lời ông Hải, người đã sinh sống ở đây gần 30 năm, thì “nhà ga khi xưa vẫn còn như nguyên vẹn, khi nhà nước thu hồi những thanh sắt và các tài sản quý thì đây là nơi cư ngụ của những hộ dân nghèo tha phương”.

Lần theo dấu tích tuyến đường sắt răng cưa cổ nhất thế giới - 4

Hầm số 1 trên đèo Ngoạn Mục

 

Đi bộ khoảng 30 phút từ ga Eo Gió, chúng tôi bắt gặp một căn hầm nhỏ dài chừng 200m, còn khá nguyên vẹn, vẫn được dùng làm nơi nghỉ chân của người dân khi đi làm rẫy. Qua bên kia căn hầm là vực thung lũng sâu thăm thẳm. Theo lối mòn của những người dân, chúng tôi len qua những bụi rậm chi chít cây dại, xuống một con suối nhỏ và đi qua vùng đất Ninh Thuận mới thấy những tảng đá lớn cao bắc qua các thung lũng ở đèo Ngoạn Mục...

 

Lần theo dấu tích tuyến đường sắt răng cưa cổ nhất thế giới - 5

Những cột đá sừng sững bất kể sự bào mòn của thời gian và mưa nắng tại 1 thung lũng của đèo Ngoạn Mục

 

Chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình qua cây cầu Dran bắc qua con sông Đa Nhim. Chỉ tay về  phía những tảng bê tông trên sông, một người dân bùi ngùi cho biết: “Cây cầu bây giờ chỉ còn là ký ức thôi”.

 

Đèo Dran khúc khuỷa với rừng thông giã cỗi. Nơi đây xưa kia là có một con đường răng cưa bám chặt vào các phiến đá để đưa tàu vượt núi, giờ không còn một dấu tích. Theo hướng Đà Lạt, chúng tôi tìm lại những dấu tích xưa của những nhà ga còn sót lại. Băng qua những con đèo sâu thăm thẳm, vẻ hoang tàn, mục nát của ga Cầu  Đất dần hiện rõ bên phía con đường mòn dẫn vào khu xóm nhỏ, những dấu tích mờ nhạt của con đường sắt như bị mất dần theo năm tháng, chỉ còn lại một ngôi nhà theo kiểu biệt thự cổ Đà Lạt cũ nát với cuộc sống xung quanh của những người dân ở trong ga.

 

Lần theo dấu tích tuyến đường sắt răng cưa cổ nhất thế giới - 6

Mô hình đường sắt răng cưa tại nhà ga Đà Lạt hiện nay
 

Theo chỉ dẫn của lũ trẻ địa phương, chúng tôi men theo những lùm cây dại theo đường mòn vào căn hầm dài nhất của tuyến đường này (600m). Chưa đến miệng hầm, một cảnh sắc tiêu điều, hoang vu hiện hữu khiến lũ trẻ nơi đây sợ, chưa bao giờ dám băng hầm. Kỹ thuật xây của người Pháp giúp căn hầm sừng sững như thách thức cùng thời gian.

 

Lần theo dấu tích tuyến đường sắt răng cưa cổ nhất thế giới - 7


Lần theo dấu tích tuyến đường sắt răng cưa cổ nhất thế giới - 8

Hoang tàn phế tích ga Trạm Hành
 

Ngược theo lối mòn hướng về con đèo Dran, ga Trạm Hành hiện ra. Đây là một trong những nhà ga có cấu trúc đẹp và độc đáo nhất trên tuyến đường sắt này, vẫn còn được lưu giữ khá nguyên vẹn cho đến bây giờ, với một nhà ga chính và hơn 20 biệt thự cổ.

 

Tuyến đường sắt duy nhất còn sót lại từ Đà Lạt về Trại Mát, hầu như còn nguyên vẹn. Đường sắt băng qua những vườn rau xanh ngun ngút, những nhà kiếng hiện lên dưới những đồi thông vút cao. Dấu tích hiếm hoi này tồn tại với sứ mệnh lịch sử chứng minh cho một thời vàng son của tuyến đường sắt răng cưa trên dải đất Langbiang này.

 
Lần theo dấu tích tuyến đường sắt răng cưa cổ nhất thế giới - 9

Ga Đà Lạt, một di tích quốc gia hiện đang bị xâm hại nặng
 
Tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt được lập dự án và xây dựng vào năm 1901, hoàn thành đưa vào khai thác vào năm 1932. Tuyến đường sắt này có chiều dài tổng cộng 84km, trong đó có tới 14km đường răng cưa để lên 2 con đèo KrôngPha và Dran; đi qua 5 hầm chui, trong đó hầm dài nhất đi qua đoạn từ ga Trạm Hành đến Cầu Đất dài 600m; 46 cầu qua vực, suối và 14 ga.
 
Hiện nay dấu tích của tuyến đường sắt "vàng son" này chỉ còn lại 7km từ ga Đà Lạt đến Trại Mát để phục vụ du lịch.
Vào cuối năm 2007, Chính phủ  đã cho phép khôi phục lại tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt với vốn đầu tư khoảng 320 triệu USD theo hình thức BOT, trong vòng 9 năm từ năm 2007-2015.
 
Hà Huy Vũ