1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Lần đầu tiên tiếp cận đường cao tốc

Bộ Giao thông vận tải đã chấp thuận khai thác tạm đường cao tốc TPHCM - Trung Lương từ 9 giờ ngày 3/2/2010. Lưu thông như thế nào trên đường TPHCM - Trung Lương, tuyến cao tốc đầu tiên của Việt Nam đang là câu hỏi khiến nhiều người lúng túng.

Lần đầu tiên tiếp cận đường cao tốc - 1

Tốc độ tối thiểu trên đường cao tốc từ 50 - 60km/h. Ảnh: Phan Quang

 

Ông Đỗ Ngọc Dũng, Phó Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư) cho biết, hiện công trình đã hoàn thành khối lượng chủ yếu từ nút giao Tân Tạo (quận Bình Tân) - nút giao Chợ Đệm (huyện Bình Chánh, TPHCM) - đường cao tốc (qua tỉnh Long An) - nút giao Thân Cửu Nghĩa (tỉnh Tiền Giang), với chiều dài khoảng 58km cho bốn làn ôtô, trong đó có gần 40km đường cao tốc, còn lại là các tuyến nối.

 

Ùn tắc và an toàn

 

Nhiều ý kiến cũng lo ngại việc ôtô ra và vào tuyến đường cao tốc tại các nút giao có thể gây ùn tắc, nhất là ở hai đầu TPHCM và Tiền Giang khi xe vừa ra khỏi đường cao tốc lưu thông với tốc độ cao để nhập vào đường đô thị có tốc độ thấp.

 

Tuy nhiên, ông Đỗ Ngọc Dũng cho biết, tại các nút giao đều có đèn tín hiệu và lực lượng điều tiết giao thông. Hơn nữa, phần đường tại hai điểm đầu và cuối đường cao tốc được mở rộng đến 44m, gấp đôi bề rộng của đường cao tốc nên tăng khả năng lưu thoát của xe cộ dù tốc độ có giảm.

 

Các nút giao tại đầu TPHCM như Bình Thuận, Tân Tạo, Chợ Đệm đều xây dựng cầu vượt cũng hạn chế tối đa giao cắt, kẹt xe. Ở phía Tiền Giang, xe vừa ra khỏi đường cao tốc để vào quốc lộ 1A thì phải chạy chậm lại vì đường hẹp nên dự đoán có thể xảy ra ùn tắc đoạn từ Trung Lương đến cầu Long Định, do đó sẽ tăng cường cảnh sát giao thông tại đây để hướng dẫn xe cộ các hướng lưu thông thay thế trong trường hợp quá tải.

 

Về công tác tuyên truyền cho tài xế, ông Dũng cho biết đã tổ chức phát tờ rơi hướng dẫn các quy định lưu thông trên đường cao tốc cho tài xế từ phà Cần Thơ cho đến tận TPHCM, cũng như tổ chức phổ biến đến từng tổ dân phố tại các địa phương có đường cao tốc đi qua. Ngoài ra, trong quá trình khai thác, chủ đầu tư từng bước phối hợp với các cơ quan kiểm tra, kiểm định xe để hạn chế tình trạng các xe quá cũ, không đảm bảo tốc độ đi vào đường cao tốc.

 

Tốc độ tối thiểu 50 - 60km/h

 

Theo ông Đỗ Ngọc Dũng, đường cao tốc TPHCM - Trung Lương bao gồm hai hệ thống đường: tuyến cao tốc và các tuyến đường nối. Trong đó, xe chạy trên tuyến cao tốc phải tuân thủ theo quy định về tốc độ tối đa và tối thiểu, còn với các đường nối vào đường cao tốc thì việc lưu thông cũng giống như các quy định trên quốc lộ.

 

Cụ thể, các xe chạy trên tuyến cao tốc ở làn đường cạnh dải phân cách giữa thì tốc độ tối đa 100km/h, tối thiểu 60km/h; làn cạnh làn dừng khẩn cấp, tốc độ tối đa 80km/h, tối thiểu 50km/h. Xe chạy với tốc độ đến 80km/h phải giữ khoảng cách an toàn tối thiểu giữa hai xe là 50m, nếu chạy với vận tốc trên 80 - 100km/h thì khoảng cách tối thiểu giữa hai xe là 100m.

 

Xe chạy trên đường cao tốc không được phép dừng, trừ khi có trục trặc kỹ thuật thì dừng lại ở làn dừng xe khẩn cấp. Suốt 40km đường cao tốc có lưới thép B40 rào kín hai bên, không cho bất cứ phương tiện, người, súc vật nào băng ngang vào tuyến cao tốc nên đảm bảo an toàn cho xe chạy với tốc độ cao.

 

Với các phương tiện được lưu thông, chỉ cho phép ra hoặc vào đường cao tốc tại các nút giao: Chợ Đệm (TPHCM), Bến Lức, Tân An (Long An) và Thân Cửu Nghĩa (Tiền Giang). Muốn vào đường cao tốc, người lưu thông cho xe nhập vào dòng xe ở làn đường sát mép ngoài, nếu có làn đường tăng tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó trước khi nhập vào làn của đường cao tốc.

 

Khi ra khỏi đường cao tốc phải thực hiện chuyển dần sang làn đường phía bên phải, nếu có làn đường giảm tốc thì phải cho xe chạy trên đó trước khi rời khỏi đường cao tốc. Khi chuyển làn đường, người lái xe phải có tín hiệu báo trước và phải đảm bảo an toàn. Không được cho xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp và phần lề đường.

 

Tại các vị trí ra vào đường cao tốc, cảnh sát và thanh tra giao thông sẽ thực hiện việc kiểm soát phương tiện để đảm bảo khai thác tuyến cao tốc an toàn.

 

Lưu thông tạm trong một năm

 

Theo chỉ đạo của ông Hồ Nghĩa Dũng, thời gian khai thác tạm đường cao tốc sẽ kéo dài từ ngày 3/2 đến khi hoàn thành toàn bộ công trình, bàn giao chính thức cho đơn vị mua quyền thu phí của dự án để khai thác thu phí. Trong thời gian khai thác tạm, không áp dụng thu phí đối với phương tiện lưu thông.

 

Ông Đỗ Ngọc Dũng cho biết, theo kế hoạch thì đến cuối năm 2010 hoàn thành tuyến đường nhánh nối từ đường Bình Thuận (quận 7) đến nút giao Chợ Đệm (Bình Chánh), đến hết quý 1/2011 mới hoàn thành và tổ chức kết nối xong hệ thống các trạm thu phí và trung tâm điều hành. Như vậy, việc quản lý và lưu thông tạm thời trên tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương có thể kéo dài đến cuối quý 1/2011.

 

Trong thời gian khai thác tạm, sẽ thành lập trung tâm quản lý đường cao tốc đặt tại xã Thân Cửu Nghĩa (Châu Thành, Tiền Giang) để giám sát việc lưu thông và khống chế tốc độ, khoảng cách giữa các xe trong điều kiện thời tiết xấu.

 

Các đối tượng không được tham gia giao thông trên đường cao tốc gồm: xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70km/h; máy kéo, xe môtô hai - ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự; xe máy thi công tự hành, xe bánh xích (trừ xe đang phục vụ việc hoàn thiện các hạng mục còn lại của đường cao tốc); xe chở chất độc hại, dễ cháy, vật liệu nổ; xe thô sơ, người đi bộ; súc vật; các xe chở vật liệu rời dễ bị rơi vãi trên đường cao tốc.

 

Theo Minh Linh

Sài Gòn tiếp thị