Làm việc 44 giờ/tuần thì tăng khung giờ làm thêm không thành vấn đề!
(Dân trí) - Để cân bằng các nguyện vọng, lợi ích của cả người lao động và người sử dụng lao động, các đại biểu Quốc hội cho rằng, giảm thời giờ làm việc bình thường từ mức 48 giờ xuống 44 giờ/tuần thì việc tăng khung giờ thỏa thuận làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm không thành vấn đề.
“Thời giờ làm việc quá nhiều, không có gia đình hạnh phúc”
Phiên thảo luận về dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi tại Quốc hội chiều 23/10, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân (TPHCM) nêu nhiều lý lẽ để phân tích về việc nên hay không duy trì chế độ làm việc 48 giờ/tuần cũng như việc nới thêm khung giờ làm thêm lên mức 400 giờ/năm (tăng 100 giờ so với mức tối đa 300 giờ/năm hiện nay).
Ông Nhân trở lại thời đại của Mác - Ăng ghen, người lao động phải làm việc tới 10-16 giờ/ngày, tổng là 100 giờ/tuần, dẫn đến cuộc đấu tranh đòi giảm giờ làm. Các công nhân ở Chicago (Mỹ) sau đó đã đấu tranh thành công để đạt được chế độ ngày làm 8 giờ, tiếp đó là làm 8 giờ mà không giảm lương, tạo nên truyền thống về ngày Quốc tế Lao động hiện nay.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân thông tin thêm, cũng tại Mỹ, Harison Ford - ông chủ hãng xe hơi nổi tiếng từng làm thí nghiệm để rút ra kết luận, ngày làm 8 giờ và chỉ làm 5 ngày/tuần (tức 40 giờ/tuần) thì năng s6uất lao động tăng cao hơn. Về sau, các nước đều lần lượt chuyển sang chế độ làm việc 40 giờ/tuần. Các cuộc tranh luận sau đó đi tới khẳng định, làm việc sau mốc 40 giờ/tuần không đem lại hiệu quả lâu dài vì năng suất không tăng.
Tại Việt Nam, từ năm 1999, khối cán bộ, công chức đã thực hiện chế độ làm việc 40 giờ/tuần, theo xu hướng thế giới. Việc tồn tại 2 nhóm lao động, người làm cho nhà nước và doanh nghiệp có chế độ làm việc khác nhau, Bí thư Thành ủy TPHCM cho là đã dẫn tới việc bất bình đẳng mà không có nước nào có giờ làm việc tách riêng giữa khu vực công, tư như vậy.
Đại biểu Nhân cũng nêu thực tế, trên thế giới hiện chỉ còn rất ít nước có chế độ làm việc quá 40 giờ/tuần, như Mexico vẫn làm 48 giờ, Hàn quốc 43 giờ. Những nước top đầu như Đức hiện chỉ còn 26 giờ/tuần mà đây lại là quốc gia có năng suất lao động cao nhất thế giới, nền kinh tế lớn đứng thứ 4 thế giới, phúc lợi xã hội, phúc lợi lao động rất tốt.
“Như vậy Việt Nam cần có lộ trình giảm chế độ làm việc 48 giờ/tuần xuống 40 giờ/tuần, thực hiện trong vòng 10 năm và nếu làm được vậy thì cũng thành “đi chậm”… 80 năm so với thế giới” – Bí thư Nhân nói.
Về vấn đề làm thêm giờ, theo ông Nhân, trong ngắn hạn thì người chủ sử dụng lao động có thêm lợi ích, người lao động có thêm tiền nhưng về lâu dài, năng suất lao động không tăng.
Khía cạnh khác, xét tiêu chí về “hạnh phúc” của người Việt, ngoài yếu tố đảm bảo về kinh tế, mỗi người đều mong muốn có công việc, có nhà, có gia đình, thì tới 70% người mong gia đình đuề huề, xôm tụ, con cháu hoạt bát…
“Như vậy, nếu làm nhiều thời giờ quá thì không có gia đình hạnh phúc đâu” – Bí thư TPHCM khuyến cáo.
Ông Nhân kêu gọi, để tăng năng suất thì phải đầu tư công nghệ, máy móc và hướng tới giảm giờ làm chứ không phải ngược lại, nới khung thời gian làm thêm lên 400 giờ/năm. Nếu duy trì mức làm thêm tối đa 300 giờ/năm như hiện nay, ông Nhân tính toán, có nghĩa là trung bình người lao động phải làm thêm 6 giờ mỗi tuần, tức mỗi ngày phải làm thêm 1 tiếng, duy trì liên tục 9 giờ làm việc mỗi ngày cả 12 tháng.
Ông Nhân băn khoăn, như vậy thực tế người lao động có vui vẻ, có đủ sức khỏe để tự nguyện làm thêm không?
Lương cán bộ lãnh đạo không quá 30 triệu, lương doanh nghiệp cả trăm triệu!
Bộ trưởng Lao động, Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung trao đổi với Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân và các đại biểu trong giờ nghỉ giữa phiên thảo luận.
Đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) đề nghị sửa quy định về thời giờ làm việc bình thường với mức khống chế 44 giờ/tuần để người lao động được nghỉ thêm 1 buổi chiều thứ 7. Theo đại biểu, làm được như vậy là tạo ra bước tiến trong việc chăm lo đời sống người lao động.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) kiến nghị phương án trung hòa giữa các phương án quy định về thời gian làm việc.
Cụ thể, theo đại biểu, so sánh giữa chế độ làm việc 40 giờ/tuần của cán bộ công chức với quy định làm việc 48 giờ/tuần của công nhân thì rõ ràng có độ “lệch”. Tuy nhiên, xét về góc độ thu nhập thì lại thấy, lương cán bộ, công chức bị khống chế chặt trong khi lương khối doanh nghiệp có mặt bằng cao hơn. Theo thang bảng lương hiện nay, lương tối đa của cán bộ lãnh đạo cấp cao cũng chưa tới 30 triệu đồng/tháng nhưng với doanh nghiệp, lương của nhiều vị trí việc làm có thể lên tới cả trăm triệu đồng/tháng.
Để cân bằng giữa các phương án, hướng tới sự công bằng hơn, theo đại biểu, nếu giảm được quy định làm việc 48 giờ/tuần cho người lao động xuống 44 giờ để thể hiện tính nhân văn thì có thể tính đến việc tăng giới hạn giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm. Còn nếu vẫn duy trì chế độ làm việc 48 giờ thì không tính tới việc mở rộng khung giờ làm thêm nữa.
Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) cũng cho rằng, nên quy định chế độ làm việc 44 giờ/tuần với người lao động trực tiếp để thu hẹp khoảng cách chênh lệch với nhóm “công nhân cổ cồn”. Khi đó, việc tăng khung giờ thỏa thuận làm thêm tối đa từ mức 300 giờ lên 400 giờ/năm không thành vấn đề, không cần phải tính toán.
Với chính sách này, hàng chục triệu người lao động được hưởng lợi, còn việc tăng thêm 100 giờ làm thêm/năm cũng chỉ tác động tới vài chục nghìn lao động thời vụ, nằm ở nhóm những người có nhu cầu làm thêm thực sự để tăng thu nhập.
Phương Thảo