Quảng Bình:
Lâm trường “đầu độc” gần 6.000 dân bằng thuốc diệt cỏ!
(Dân trí) - Người dân xã Xuân Trạch đang rất bức xúc trước việc Lâm trường huyện Bố Trạch “lén lút” dùng một lượng thuốc diệt cỏ rất lớn, hủy diệt cánh rừng tự nhiên đầu nguồn để trồng mới rừng keo. Việc làm tắc trách này đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.
Hủy diệt cánh rừng tự nhiên trăm tuổi bằng thuốc diệt cỏ
Những ngày qua, PV Dân trí liên tục nhận được điện thoại của người dân xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch phản ánh về việc, Chi nhánh Lâm trường Bố Trạch (thuộc Công ty TNHH một thành viên Lâm Công Nghiệp Bắc Quảng Bình) đã dùng một lượng thuốc diệt cỏ rất lớn để tận diệt cánh rừng tự nhiên đầu nguồn.
Nhiều người dân bức xúc cho hay, trước đây, để có đất trồng keo tràm, Lâm trường Bố Trạch đã chặt phá những cánh rừng tự nhiên hàng trăm năm tuổi. Sau khi chặt phá xong, số gỗ thu gom được họ đem bán cho các đầu nậu ở dưới xuôi kiếm lời, sau đó mới đốt cành, lá để trồng mới rừng keo.
Trước việc làm gây ảnh hưởng đến tài nguyên môi trường, người dân đã phản ánh lên chính quyền địa phương, thậm chí dân còn vào rừng ngăn cản việc làm của lâm trường. UBND xã Xuân Trạch cũng đã có văn bản gửi lên các cơ quan chức năng ngăn chặn tình trạng trên. Tuy nhiên, Lâm trường Bố Trạch vẫn phớt lờ mọi ý kiến của địa phương cũng như người dân.
Đỉnh điểm của sự việc là vào sáng ngày 24/8, một số người dân vào rừng đầu nguồn hái củi, nơi lâm trường mới phát để trồng keo, thì phát hiện 61 chai thuốc diệt cỏ nằm vương vãi ở đầu nguồn nước khe Đá Bàn (Trạ) và khe Bụi Ná. Người dân đã buộc lãnh đạo Lâm trường Bố Trạch và chính quyền địa phương lên kiểm tra hiện trường. Lâm trường đã thừa nhận hành vi dùng thuốc diệt cỏ để tận diệt cánh rừng tự nhiên để trồng mới rừng keo.
Những hệ lụy khó lường!
Xuân Trạch là một xã miền núi đất đai khô cằn, nguồn nước sinh hoạt khan hiếm quanh năm, nhất là về mùa khô. Từ xưa đến nay, gần 6 ngàn người dân nơi đây chủ yếu dùng nguồn nước đầu nguồn từ khe Đá Vàng (khe Đá Bàn và Bụi Ná) để sinh hoạt.
“Từ xưa đến nay, người dân chúng tôi chủ yếu là nhờ vào nguồn nước từ khe Đá Vàng để sinh hoạt, tắm giặt và ăn uống hàng ngày. Giờ Lâm trường Bố Trạch lại phun một lượng thuốc diệt cỏ rất lớn nên khác chi họ đang đầu độc chúng tôi. Những ngày qua, người dân chúng tôi phải sống trong tâm trạng bất an, lo lắng”, một cụ ông bức xúc nói.
Việc chặt phá rừng tự nhiên đầu nguồn để trồng mới rừng keo những năm gần đây của Lâm trường Bố Trạch cũng đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường tự nhiên. Ngoài ra, hàng năm tình trạng sạt lở, xói mòn ở các xã hạ lưu xảy ra rất kinh hoàng.
Đặng Tài - Đăng Đức