1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Làm trong sạch đội ngũ thanh tra

Việc đình chỉ chức Vụ phó Vụ Thanh tra kinh tế 2 của ông Lương Cao Khải không còn là chuyện bất ngờ. Lúc này điều dư luận đặc biệt quan tâm là vì sao sai phạm của ông Khải đến giờ mới được phát hiện, liệu có đường dây tiêu cực liên quan đến ông Khải, đâu là giải pháp ngăn chặn?

Nguyên Tổng Thanh tra Nhà nước Tạ Hữu Thanh đã có cuộc trao đổi về vấn đề này.

 

Ông có nhận xét gì, khi dư luận không hiểu tại sao nhiều thành viên trong đoàn không biết bản kết luận chính thức?

 

Trong các cuộc thanh tra, phần lớn có nhiều mảng phải làm rõ. Mỗi người hoặc vài người trong đoàn thanh tra phải phụ trách một mảng nào đó. Những người đó phải kết luận về mảng của mình và trưởng đoàn phải tổng hợp các kết luận đó để báo cáo với lãnh đạo thanh tra.

 

Kết luận này được lãnh đạo xem xét và cho ý kiến chỉ đạo với cả đoàn thanh tra. Ai có ý kiến không đồng tình thì cũng phát biểu ngay và cùng nhau thảo luận. Có những kết luận phải thảo luận đến 3 - 4 lần. Cuối cùng, hướng kết luận như thế nào, sẽ do lãnh đạo quyết. Và trưởng đoàn cùng các thành viên làm dự thảo kết luận theo hướng đã được chỉ đạo. Sau đó, dự thảo này công bố công khai cho đối tượng được thanh tra biết.

 

Nhiệm vụ của đoàn là xem xét các giải trình trực tiếp hoặc văn bản của các cơ quan này. Nhưng quyền quyết cuối cùng là của đoàn thanh tra và họ phải chịu trách nhiệm về kết luận của mình.

 

Tuy nhiên, nếu thành viên nào đó vẫn không nhất trí với hướng kết luận của Tổng Thanh tra, đều có thể bảo lưu ý kiến của mình bằng giấy trắng mực đen. Tuy nhiên, trong thời gian tôi làm Tổng Thanh tra Nhà nước gần 10 năm, chưa có ai bảo lưu ý kiến cả. Như vậy, nếu làm đúng nguyên tắc, không có lý gì các thành viên trong đoàn thanh tra lại không biết kết luận thanh tra.

 

Nếu kết luận thanh tra có sai sót thì ai là người chịu trách nhiệm, thưa ông?

 

Lãnh đạo chúng tôi nắm được các tư liệu, chứng cứ từ đoàn thanh tra mang về. Từ tài liệu này, chúng tôi mới có hướng chỉ đạo kết luận: Cái nào đề nghị xử lý hành chính, xử lý hình sự và xuất toán khoản tiền gì... Nếu chúng tôi chỉ đạo sai, thì chúng tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm. Nhưng nếu những tài liệu đưa về không chuẩn thì trước tiên là trưởng đoàn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước lãnh đạo.

 

Theo ông, những dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ của ông Khải cho thấy "lỗ hổng" nào trong công tác quản lý?

 

Phải nói rằng lĩnh vực thanh tra là mảnh đất dễ nảy sinh tiêu cực. Do đó vấn đề là hạn chế nó như thế nào. Từ kinh nghiệm bản thân, tôi cho rằng lãnh đạo cần nắm chắc hồ sơ để có chỉ đạo đúng và chặt. Ví dụ, nếu đáng thu hồi vào ngân sách nhà nước 1 tỉ đồng mà chỉ đạo thu hồi có 500 triệu, thì không ổn. Khoản chênh lệch là những thông tin có thể được đem "bán" bởi chính các thành viên trong đoàn. Ngay cả việc đề nghị xử lý hình sự hay hành chính cũng phải rõ ràng, nếu không, thông tin nửa vời này có thể bị "bán" ngay.

 

Về cơ chế, tôi đã từng đề ra một số điều mà các thanh tra phải thực hiện: Nếu có quan hệ thân cận với đối tượng thanh tra thì phải xin ra khỏi đoàn thanh tra; không tiếp xúc cá nhân với đối tượng thanh tra; phải giữ bí mật những thông tin của thanh tra cho đến khi có kết luận thanh tra... Đồng thời, hàng tuần các trưởng đoàn phải có báo cáo cho lãnh đạo tiến độ thanh tra, cũng như những vướng mắc nếu có.

 

Dư luận cho rằng, Vụ Kinh tế 1 đã từng thụ lý vụ này (và đúng chức năng của họ) nhưng sau đó lại được lãnh đạo thu về chuyển cho vụ khác thanh tra?

 

Bình thường, khi một vụ nào đó đã nhận được đơn thư khiếu nại tố cáo và đã thụ lý, thì ít khi chúng tôi rút về để chuyển cho vụ khác làm. Trừ khi vụ đang thụ lý đó có quá nhiều việc, thì lãnh đạo phải điều chuyển để đảm bảo tiến độ. Tuy nhiên, khi rút hồ sơ nơi này giao cho nơi khác thụ lý thì phải làm công tác tư tưởng tốt, để tránh sự hiểu lầm. Còn với vụ án cụ thể này tôi không rõ lắm.

 

Trong vụ việc này, nếu cơ quan chức năng đụng đến nhân vật cấp cao hơn ông Khải, liệu ông có bất ngờ?

 

Khi bắt đầu có thông tin về việc tạm đình chỉ chức vụ ông Khải, tôi không bị bất ngờ. Bởi lẽ, môi trường thanh tra nếu không biết giữ mình thì dễ xảy ra tiêu cực. Đặc biệt, đoàn thanh tra lại làm việc xa cơ quan, thời gian kéo dài nên lãnh đạo cũng khó mà kiểm soát. Do đó, ngay cả nếu có ai đó cao hơn ông Khải bị đình chỉ công tác, thì tôi cũng không bất ngờ.

 

Xin cảm ơn ông.

 

Theo Vương Hà - Duy Thanh
Báo Lao Động

Dòng sự kiện: Vụ Lương Cao Khải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm