Lạm thu đầu năm học: Bệnh cũ cần thuốc điều trị mới
(Dân trí) - Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu, việc lạm thu đầu năm học là "bệnh cũ" và Chính phủ, Bộ Giáo dục, Quốc hội đã tổ chức giám sát rất tích cực để giải quyết, xử lý nhưng trên thực tế vẫn còn.
Sáng 9/10, tiếp tục phiên họp 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch năm 2025.
Lạm thu đầu năm học
Nêu ý kiến tại phiên họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải đánh giá, trong năm 2024, lĩnh vực giáo dục, văn hóa có nhiều chuyển biến tích cực. Song vấn đề người dân đang rất quan tâm, ảnh hưởng đến các hộ gia đình đó là việc lạm thu đầu năm học.
Bà Hải cho rằng, đây là một hiện tượng không có gì mới, một hiện tượng rất cũ và Chính phủ, Quốc hội, Bộ Giáo dục, các địa phương đã tổ chức giám sát rất tích cực để giải quyết, xử lý nhưng trên thực tế vẫn còn.
Mặc dù hiện tượng này không có gì mới nhưng cần phải có những biện pháp xử lý mới, quyết liệt hơn.
"Có thể nói bệnh cũ nhưng cần phải phương thuốc điều trị mới, tôi nghĩ trong báo cáo của Chính phủ nên nêu thêm những biện pháp đã làm được, những việc gì chưa làm được. Tôi thấy nội dung này đã làm rồi nhưng cần phải có những biện pháp làm mới hơn nữa", bà Hải nói.
Về vấn đề sách giáo khoa, theo Trưởng Ban Công tác đại biểu, việc cải cách đổi mới căn bản, toàn diện trong giáo dục thì một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa và mỗi trường học có thể dùng bộ sách giáo khoa khác nhau. Việc này rất tốt và đang được ủng hộ vì trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng khác nhau.
Song mỗi học sinh khi chuyển từ trường này sang trường khác có thể phải thay hoặc mua mới những bộ sách giáo khoa.
"Giá mỗi bộ sách giáo khoa tôi vừa xem trên mạng không kể sách tham khảo sẽ có giá từ hơn 300.000 đồng/bộ. Đây cũng là một khoản chi rất lớn đối với bà con ở vùng sâu, vùng xa", bà Hải nêu.
Do đó, Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị ở vùng sâu, vùng xa mỗi nơi có một tủ sách giáo khoa để học sinh nếu chuyển từ trường này sang trường khác không phải mua sách và được mượn sách ở thư viện.
"Vừa rồi bão lụt xảy ra trẻ em miền xuôi muốn ủng hộ sách giáo khoa cho vùng miền núi rất khó vì không biết sử dụng bộ sách giáo khoa nào. Đây là một việc không có gì mới nhưng tôi đề xuất phương án mỗi một nơi phải có một thư viện để giúp cho các cháu được mượn sách giáo khoa", bà Nguyễn Thanh Hải đề xuất.
Chưa cải thiện tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá cao Chính phủ năm vừa qua đã hết sức nỗ lực và hoàn thành vượt hầu hết các chỉ tiêu Quốc hội giao.
Song bà Nga cũng nhấn mạnh một số điểm cần chú ý thời gian tới. Trong đó, thị trường vàng tiềm ẩn nhiều rủi ro, mặc dù thời gian vừa qua ngân hàng nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại bán vàng và đã rút ngắn được chênh lệch giữa giá vàng quốc tế và giá vàng trong nước.
Do đó, trong thời gian tới, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ tiếp tục quản lý, chấn chỉnh thị trường vàng để đảm bảo thị trường trong nước và quốc tế phải gần nhau.
Tương tự, về thị trường bất động sản, bà Nga cho rằng đang diễn biến rất phức tạp, giá nhà chung cư tăng rất cao, người có nhu cầu khó tiếp cận được với thị trường bất động sản nên đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý.
Bên cạnh đó, tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, đặc biệt lừa đảo qua mạng xã hội; vẫn xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em...
Nêu ý kiến sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nhìn nhận, lĩnh vực lao động, việc làm có một số vấn đề vẫn tồn tại như tỷ lệ lao động phi chính thức đi làm rất cao, chiếm tỷ trọng lớn.
Trong khi đó, chủ trương của chúng ta là đang chính thức hóa lao động phi chính thức; tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 15 đến 28 tuổi cao gấp 3 lần so với tỷ lệ chung.
Về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, bà Thúy Anh cho rằng đã có nhiều nỗ lực như việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quan tâm đến công tác dự báo, giám sát, phát hiện sớm, tỷ lệ hài lòng tăng ở mức trên 80% song vẫn còn tồn tại tình trạng thiếu thuốc,...
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn chưa được cải thiện và tỷ lệ giới tính của trẻ mới sinh năm 2024 ước là 112,3 bé trai/100 bé gái, không đạt chỉ tiêu Nghị quyết 01 đề ra (111,2 bé trai/100 bé gái).
Về cơ bản năm 2024 việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 theo ước tính của Chính phủ đều đạt, vượt kế hoạch đề ra.
Song đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 còn gần 100.000 căn hộ phải hoàn thành trong năm 2024.