Chủ tịch Quốc hội: Tạo điều kiện để doanh nghiệp, người dân vay vốn

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Nhấn mạnh tính cấp thiết của nguồn vốn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đề nghị này được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đưa ra trong phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 9/10 khi cho ý kiến đối với báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

Thị trường bất động sản còn nhiều bất cập

Đề cập đến tình hình phát triển của năm 2024, Chủ tịch Quốc hội cho biết, năm nay dự kiến chung đạt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu, tăng trưởng kinh tế từ 6,8 đến 7%.

"Quốc hội và nhân dân mừng cho bức tranh kinh tế của chúng ta. Có nhiều điểm sáng và trong đó nhờ xuất khẩu và sản xuất công nghiệp mạnh mẽ, đặc biệt là ngành chế tạo với vai trò là động lực chính" ông Mẫn nêu và nhìn nhận, kinh tế năm 2024, gặp nhiều khó khăn khi chịu ảnh hưởng của bão số 3, số 4. 

Song tăng trưởng kinh tế vẫn đảm bảo nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội,... và các chính sách của Chính phủ kịp thời đến với doanh nghiệp, người dân. Đặc biệt, trong bão lũ chúng ta đã kịp thời ứng phó. 

Vừa qua, lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ đứng ra cùng với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động phong trào xây dựng nhà đại đoàn kết, xóa nhà tre lá, tạm bợ trong cả nước với nguồn vốn huy động hơn 5.000 tỷ đồng. 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Chủ tịch Quốc hội cho rằng còn nhiều lo lắng như việc ban hành việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật vẫn chưa đảm bảo tiến độ; thị trường tài chính, ngân hàng có nhiều biến động; thị trường bất động sản còn nhiều bất cập. 

Chủ tịch Quốc hội: Tạo điều kiện để doanh nghiệp, người dân vay vốn - 1

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại phiên họp (Ảnh: Media Quốc hội).

Qua giám sát của Quốc hội về chính sách pháp luật quản lý thị trường bất động sản phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến năm 2023, phát hiện nhiều vấn đề và đã báo cáo Chính phủ. Sau đó, Chính phủ có văn bản chỉ đạo. 

Ông Mẫn đánh giá, vấn đề xuất khẩu năm 2024 là một điểm sáng, song kinh tế toàn cầu còn khó khăn, thiếu bền vững, đặc biệt là sức mua của các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc,... giảm so với những năm trước. 

Thị trường lao động còn có hiện tượng mất cân đối cung cầu lao động, phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền, khu vực ngành nghề kinh tế; tình hình thiên tai từ nay đến cuối năm còn diễn biến phức tạp,...

Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tăng cường chính sách tài khóa phù hợp, hiệu quả hơn trong năm 2025; ngăn chặn xu hướng suy giảm của thị trường bất động sản, kiểm soát tốt hơn các công trình đang được xây dựng,... vực dậy thị trường vốn, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh; kích thích tiêu dùng trong nước. 

"Đặc biệt, đảm bảo nguồn cung và ổn định các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán năm 2025 để ổn định giá, đảm bảo giá không tăng. 

Quan tâm, chỉ đạo quyết liệt các chương trình mục tiêu quốc gia; phấn đấu đến năm 2025 nâng cao chất lượng dạy và học để không còn than phiền về vấn đề này của phụ huynh cũng như học sinh; nâng cao chất lượng khám bệnh cho nhân dân", Chủ tịch Quốc hội nêu.

Phấn đấu năm 2025 cả nước có 3.000km đường cao tốc

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, năm 2024, công tác hoàn thiện thể chế pháp luật được chỉ đạo quyết liệt với tinh thần đổi mới kết cấu hạ tầng giao thông, điện có bước phát triển mới.

Chủ tịch Quốc hội: Tạo điều kiện để doanh nghiệp, người dân vay vốn - 2

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải (Ảnh: Media Quốc hội).

Trong đó, đã hoàn thành, đưa vào khai thác 2.021km đường cao tốc, khánh thành dự án 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối sau hơn 6 tháng thi công.

Ông Hải dự báo việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2025 có thể có nhiều khó khăn, thách thức nên cần phân tích cụ thể, đưa ra các giải pháp đột phá để ứng phó.

Đặc biệt là tình hình kinh tế chính trị thế giới biến động nhanh, phức tạp, bất định, trong nước cũng có nhiều khó khăn, thách thức.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 như Chính phủ trình.

Trong đó, tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, phấn đấu đến năm 2025 cả nước có 3.000km đường bộ cao tốc, hoàn thành thủ tục đầu tư các tuyến đường sắt kết nối Việt Nam với Trung Quốc; khởi động xây dựng dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.