1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Làm sao để "vạch mặt" cây xăng gian lận?

(Dân trí) - Từng là “nạn nhân” của hành vi buôn gian, bán lận xăng dầu, TS Kinh tế Nguyễn Minh Phong không giấu nổi sự lo ngại khi xuất hiện liên tục những cây xăng có dấu hiệu gian lận.<br><a href='http://dantri.com.vn/event-2286/Vach-mat-thu-doan-gian-lan-tai-cay-xang.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;   Vạch mặt thủ đoạn gian lận tại cây xăng</b></a>



Chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt cây xăng tại Hà Nội có dấu hiệu gian lận bị phanh phui. Ông có bất ngờ về điều này không thưa ông?

TS. Nguyễn Minh Phong: Tôi cho rằng, tất cả những điều này thực tế không còn là mới. Tôi không quá bất ngờ về điều đó. Nhưng sau các sự việc trên, có điều, tôi thấy băn khoăn là tại sao sau những đợt kiểm tra của ngành xăng dầu tưởng là quyết liệt, tưởng đã hiệu quả nhưng thực tế thì có lẽ chỉ cần sau một thời gian lắng lại, giờ đây hiện tượng buôn gian, bán lận xăng dầu lại tiếp nối. 

Đặc biệt, khi giá xăng dầu tăng cao như hiện nay, việc ăn bớt của khách mua xăng vô hình chung đã tạo ra thu nhập cho những kẻ gian lận ở một số cây xăng. Và cũng chẳng có gì khó hiểu khi những đối tượng này nhận thấy cơ hội và dùng đủ mánh lới để ăn cắp tiền của khách hàng một cách trắng trợn.

TS. Chuyên gia Kinh tế Nguyễn Minh Phong
TS. Chuyên gia Kinh tế Nguyễn Minh Phong

Ở góc độ là một chuyên gia kinh tế, ông đánh giá như thế nào về tình trạng tái diễn liên tục việc gian lận tại các cây xăng thời gian qua?

Theo tôi, tình trạng này rõ ràng nó thể hiện một số vấn đề nhức nhối. Một là: Nhận thức, kỷ luật trong ngành, trong lĩnh vực, trong quản lý bán lẻ của ngành xăng dầu đang có nhiều vấn đề. 

Thứ hai là công tác kiểm tra, công tác lên án, xử lý những trường hợp vi phạm như vậy chưa đủ cương quyết, mang tính răn đe chưa cao. 

Thứ ba, rõ ràng là người dân của chúng ta hiện đang rất thiếu những điều kiện, những cơ chế để đảm bảo quyền bảo vệ của mình. Bằng chứng là nếu như báo chí không phát hiện ra, nếu ai đó không có trách nhiệm phát hiện ra thì dường như người dân Việt Nam đành phải chấp nhận và coi đó như một sự thiệt thòi mình phải chịu mà không biết kêu ai.

Cá nhân ông đã từng bao giờ là nạn nhân của việc buôn gian, bán lận này chưa? 

Cá nhân tôi thường xuyên đi đổ xăng và có nghi ngờ một vài chỗ. Ví dụ như cây xăng trên phố N.Đ.C. Bản thân tôi đã từng phát hiện thấy rằng, ví dụ bình thường mua 50.000 đồng tiền xăng ở một cây xăng quen trên phố Đội Cấn rất đầy. Tuy nhiên, đến những chỗ khác đơn cử như cây xăng trên phố N.Đ.C thì vạch xăng tụt hơn hẳn.

Bản thân tôi nhận thấy điều này và lập tức phản ánh với nhân viên bán xăng. Trên thực tế, hầu hết các cây xăng đều tuyên bố khi khách hàng mua xăng phát hiện ra có vấn đề có thể phản ánh. Nhưng khi tôi phản ánh gay gắt họ thường có hai thái độ. Một là sẽ cãi trắng. Hai là một số trường hợp hiếm hoi khi tôi có bằng chứng thì nhân viên bán xăng sẽ chữa cháy bằng cách bơm tiếp cho… đủ. Vấn đề ở chỗ họ không coi đó là lỗi của mình và cũng không hề xin lỗi hoặc có thái độ nhận sai. Thay vào đó, họ coi như là một chuyện rất bình thường. 

Nếu như, chúng ta có một cơ chế nghiêm khắc hơn để xử lý các trường hợp này như có đường dây nóng góp ý trực tiếp lên các lãnh đạo để xử lý trực tiếp có lẽ sẽ khác. Nhưng dường như chúng ta với tư cách là người tiêu dùng nhỏ lẻ, hoặc khó khăn trong quá trình phản ánh nên đôi khi “tặc lưỡi” cho qua, không phản ứng gay gắt. Tôi cho rằng đây cũng là một vấn đề dẫn đến sự gian lận tiếp diễn một cách công khai như vậy. 

Phải chăng cơ chế của chúng ta chưa đủ để xử lý nghiêm khắc, việc xử lý cũng chỉ như "bắt cóc bỏ đĩa" nên các hành vi ăn cắp vặt vẫn ngang nhiên tồn tại, ai cũng thấy nhưng không sao dẹp được, thưa ông?

Thực ra, phải hiểu một điều, người tiêu dùng hiện nay ở Việt Nam đa phần có một tâm lý là không ai muốn đụng độ theo kiểu căng thẳng, nhất là giữa cá nhân với cá nhân. Hơn nữa, nhiều người còn nghĩ phản ánh thì phản ánh với ai, ở đâu. Chính vì vậy, tôi cho rằng, để người tiêu dùng có cơ hội để đứng lên phán ánh tiêu cực trước tình trạng buôn gian bán lận ở một số cây xăng trong nội đô Hà Nội, những người quản lý các xây xăng cần phải thiết lập một nút bấm nối thẳng đến nơi có trách nhiệm như cửa hàng trưởng hoặc giám đốc công ty đó.

Tôi nghĩ để có một cú điện thoại gọi không mất tiền hoặc có một quy chế cho phép người dân nếu có thắc mắc được vào trạm xăng đó để gọi điện đến đường dây nóng không mất tiền thì chắc chắn sẽ có rất nhiều người gọi.

Nhưng cũng phải hiểu một điều khó khăn là cơ chế như vậy thì chắc chắn là ngành xăng dầu họ sẽ rất… “ngại”. Ngại cả mặt phiền phức rồi “lộ” hết cả “lưng” cho người khác xem. Nhưng về lâu về dài, tôi tin rằng với nhận thức của người đứng đầu hoặc Bộ Công Thương mạnh tay hơn buộc ngành xăng dầu phải làm như vậy thì chắc chắn sẽ rất tốt cho người tiêu dùng và giảm thiểu tình trạng gian lận xăng dầu đang gây nhức nhối.

Thưa ông, phải chăng tình trạng gian lận xăng dầu đã là một căn bệnh trầm kha không có liều thuốc nào đặc trị?

Đây là một hiện tượng mà chúng ta vẫn nói nó là một “căn bệnh nan y”. Nó có thể lặp đi lặp lại, lúc này, lúc khác với mức độ khác nhau khiến người dân nhiều khi cảm thấy buông xuôi, “coi như” bớt một tí, thiệt một tí, coi như bị mua đắt, v.v… Tôi cho rằng, rõ ràng ở đây cho thấy cơ chế bảo vệ người tiêu dùng yếu kém, cũng như kỷ luật trong ngành của xăng dầu, của những đại lý, của những nơi bán phân phối chưa chuẩn.

Trước thực trạng “căn bệnh gian lận” đang diễn biến ngày càng phức tạp, đã đến lúc, kể cả phía nhà nước, phía các đơn vị kinh doanh cần phải có một cuộc cải tổ làm việc thực sự nghiêm túc để xác định lại trách nhiệm, xác định lại chế tài nhất là dùng chế tài đuổi việc, rút phép kinh doanh, treo máy một thời gian một cách mạnh mẽ hơn với những cây xăng gian lận thì nó sẽ tạo ra được sức ép cao hơn.

Xin cảm ơn ông !

Minh Anh