Làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản: Không lập hội đồng khoa học?

(Dân trí) - Trước ý kiến cho rằng, việc thí điểm làm sạch đoạn sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản đã không được thành lập hội đồng khoa học để đánh giá, đại diện thực hiện dự án này đã có phản hồi với báo chí.

Trước đó, chiều 23/7, tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, ông Võ Tiến Hùng - Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội đã có những thông tin liên quan đến việc đơn vị này xả hơn 1 triệu m3 nước từ Hồ Tây vào sông Tô Lịch, làm ảnh hưởng đến kết quả thí điểm làm sạch một đoạn sông này bằng công nghệ nano-Bioreactor Nhật Bản như dư luận phản ánh.

Ông Hùng cho rằng, việc thử nghiệm của đơn vị này không thành lập hội đồng khoa học để đánh giá, nhưng ngay sau khi có việc xả nước ở Hồ Tây đã thông tin rằng cuốn trôi kết quả thử nghiệm, gây dư luận trái chiều. 

Về ý kiến "không thành lập hội đồng khoa học" mà ông Hùng nói ở trên, hôm nay (26/7), ông Nguyễn Tuấn Anh - đại diện của dự án làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ nano-Bioreactor Nhật Bản cho biết: "Chúng tôi đã có cuộc họp với Công ty thoát nước Hà Nội, các sở, ngành của Hà Nội và đi đến thống nhất để chúng tôi gửi danh sách nhà khoa học để đưa vào tổ công tác".

Làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản: Không lập hội đồng khoa học? - 1
Làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản: Không lập hội đồng khoa học? - 2

Đoạn sông Tô Lịch (khu vực đầu đường Hoàng Quốc Việt) vẫn đang được thí điểm làm sạch bằng công nghệ Nhật Bản. 

Cũng theo ông Tuấn Anh, sau khi biên bản cuộc họp nói trên được lập, đơn vị của ông Tuấn Anh đã mời bốn giáo sư, gồm: GS.TS Đặng Đình Kim - nguyên Phó Viện trưởng Viện Công nghệ môi trường thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; GS.TS.Nhà giáo nhân dân (NGND) Trần Hiếu Nhuệ, Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Trung ương Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam kiêm Trưởng ban cộng đồng và Phát triển bền vững; GS.TS.NGND Ngô Đình Tuấn, Chủ tịch Hội Môi trường và Tài nguyên nước Việt Nam; GS. TSKH. Đặng Huy Huỳnh, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để giới thiệu vào tổ công tác và đã được chấp nhận.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn Anh, đã gửi danh sách 4 giáo sư đầu ngành về môi trường nói trên lên Sở Xây dựng Hà Nội xin ý kiến. Sau đó, Sở Xây dựng Hà Nội phản hồi rằng "phải thực hiện đúng công văn 142 của UBND TP ký ngày 9/5 về việc thành lập nhóm công tác chỉ bao gồm các đầu mối của các sở, ngành Hà Nội".

"Rõ ràng ngay từ đầu chúng tôi đã muốn lập hội đồng khoa học và đã mất công mời các giáo sư và các giáo sư đã đồng ý nhưng Sở Xây dựng Hà Nội lại không chấp nhận" - ông Tuấn Anh giải thích.

Làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản dựa trên 6 tiêu chí

Làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản: Không lập hội đồng khoa học? - 3

TS Tadashi Yamamura trao đổi với báo chí.

TS Tadashi Yamamura, chuyên gia LHQ về môi trường, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản cho biết, trong giai đoạn thử nghiệm tiếp theo, chuyên gia Nhật Bản đưa ra 6 tiêu chí “hồi sinh” sông Tô Lịch đúng nghĩa.

Thứ nhất, sẽ xử lý mùi hôi thối triệt để ở cấp độ phân tử.

Thứ 2, xử lý được lượng bùn dày hàng mét tồn đọng ở lòng sông, lớp bùn hữu cơ này tích tụ khí H2S và NH3 đang gây ra mùi khói chịu, những biện pháp cơ học như nạo vét hiện nay thì vẫn không xử lý được triệt để mùi. Công nghệ Nhật sẽ phân hủy bùn thành CO2 và H2O, xử lý mà không cần nạo vét, chôn lấp.

Thứ 3, xử lý được nước thải chảy vào từ 280 cống dẫn ra sông, các máy nano với công suất làm sạch gấp 9 lần công suất nước thải chảy vào, tốc độ xử lý gấp 6 lần tốc độ âm thanh. Chất ô nhiễm sẽ biến thành khí trơ bay trong không khí.

Thứ 4, xử lý nước nhưng vẫn bảo tồn hệ sinh thái các loài thủy sinh, vi sinh vật trong dòng sông. Về điều này, công nghệ Nhật đã áp dụng thành công ở hồ Tây, khi khu vực xử lý nước trong, vẫn có cá bơi lội.

Thứ 5, mục tiêu công nghệ không chỉ áp dụng ở dòng sông Tô Lịch mà còn ở một số con sông ô nhiễm khác.

Thứ 6, chuyên gia Nhật Bản mong có sự kết hợp giữa công nghệ Nano Bioreactor với các công nghệ khác để “hồi sinh” sông Tô Lịch đúng nghĩa.

Chuyên gia Nhật tự tin: "Với công nghệ này, chúng tôi đã thành công ở nhiều con sông trên thế giới, cùng 6 tiêu chí trên, tôi khẳng định có thể làm sạch được sông Tô Lịch".

Về chi phí vận hành thử nghiệm lại, dự án này được Nhật Bản tài trợ 100% nên dù kéo dài 2 tháng thì Nhật Bản vẫn tiếp tục tài trợ, phía Việt Nam không phải bỏ ra bất kì chi phí nào. 

Nguyễn Dương