Làm rõ 14.000 tỷ đồng tiền dư làm QL 1A để tránh nghi ngờ về chất lượng

(Dân trí) - Ghi nhận nỗ lực kiểm soát chi phí, đẩy nhanh tiến độ giúp tiết kiệm chi dự phòng dẫn tới dư vốn lớn (22% so với tổng số vốn được bố trí) khi triển khai dự án nâng cấp, mở rộng QL 1A nhưng UB Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu làm rõ nhiều nội dung để tránh nghi ngờ về chất lượng thi công.

 


UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc sử dụng 14.000 tỷ đồng vốn dư làm Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên - chiều 21/9.

UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc sử dụng 14.000 tỷ đồng vốn dư làm Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên - chiều 21/9.

Chiều 21/9, Thường vụ Quốc hội thảo luận về báo cáo về phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên của Bộ Tài chính.

Theo báo cáo, tổng mức đầu tư cho dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên được bố trí theo Nghị quyết số 65 của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng là hơn 64.000 tỷ đồng (trong đó vốn đã bố trí từ các nguồn khác đến hết năm 2013 là 2.600 tỷ đồng; kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 là gần 62.000 tỷ đồng). Sau khi rà soát và điều chỉnh nhiều hạng mục, tổng số vốn trái phiếu Chính phủ còn dư là hơn 14.000 tỷ đồng (chiếm 22% so với tổng số vốn đã được bố trí).

Nguyên nhân dư vốn lớn được đánh giá là do Bộ GTVT đã rà soát chênh lệch tổng nguồn vốn bố trí cho các dự án theo Nghị quyết số 65 và tổng mức đầu tư được duyệt (sau điều chỉnh), do không phải sử dụng vốn dự phòng trượt giá; điều chỉnh thiết kế phù hợp; biện pháp tổ chức thi công hợp lý; tiết kiệm 5% dự toán theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Tổng kinh phí để thực hiện các dự án, theo đó, chỉ còn 50.000 tỷ đồng so với mức 64.000 tỷ đồng được duyệt bố trí.

Bên cạnh đó, việc rút ngắn thời gian, giải phóng mặt bằng sớm, đẩy nhanh tiến độ thi công cũng đã giảm mức đầu tư.

Thẩm tra báo cáo này, Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển đánh giá cao việc Chính phủ, Bộ GTVT  trong quá trình thực hiện dự án đã rà soát tiêu chuẩn kỹ thuật, kiểm soát chi phí, chất lượng, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công dự án nên đã tiết kiệm chi dự phòng dẫn tới dư nguồn vốn so với số tổng vốn đã được bố trí.

Ông Hiển nhận định, có thể xem đây là kết quả tốt tốt trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

Tuy nhiên, một số ý kiến trong cơ quan thẩm tra cũng đặt vấn đề, tỷ trọng vốn dư lớn so với tổng vốn được bố trí (dư 22%) phần nào thể hiện việc lập dự toán, thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư chưa sát với thực tiễn.

Về vấn đề này, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường giải thích, điều quan trọng nhất là thời gian thực hiện dự án hoàn thành sớm hơn một năm, đồng thời dư ở khoản dự phòng phí, dự phòng trượt giá, công tác giải phóng mặt bằng sớm cũng góp phần làm giảm chi phí… Lý do dẫn tới dẫn tới việc có số dư lớn như vậy đều chính đáng chứ không phải do “dựng” lên chi phí cao quá rồi lại chỉnh lại.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng đánh giá, hiếm có dự án nào sau khi hoàn thành thi công lại có số vốn dư lớn như vậy. Tuy nhiên, ông Phúc cũng đề nghị làm rõ hơn việc dư vốn lớn là do đâu, có phải do giảm quy mô đầu tư dư án, nếu thế thì không ổn, không đúng như Nghị quyết đã quy định cụ thể của Quốc hội.

Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cũng cho rằng cần làm rõ nguyên nhân dư vốn nếu không sẽ có sự nghi ngờ về chất lượng, quy mô.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phân giải, riêng việc tiết giảm 5% chi phí xây lắp, chi phí tư vấn và chi phí khác rất đáng hoan nghênh, thể hiện bước đi táo bạo và đúng đắn của Bộ GTVT. Ngoài ra, theo Chủ tịch Quốc hội, nguyên nhân giảm vốn còn do một số khoản đầu tư đã được điều chỉnh lại cho phù hợp, và cái quan trọng là các dự án này vẫn đảm bảo chất lượng.

Về những công trình, dự án Chính phủ đề nghị tiếp tục làm bằng nguồn 14.000 tỷ đồng chuyển sang, các ý kiến đề nghị cần làm rõ sự cấp thiết trong tương quan mục tiêu phát triển KT-XH và phải trình Quốc hội quyết định theo đúng thẩm quyền.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết UB Thường vụ Quốc hội tán thành cao hướng tiếp tục hoàn thiện dự án đường Hồ Chí Minh Tây Nguyên và Quốc lộ 1A cũng như tuyến kết nối xương sống, với yêu cầu thông toàn tuyến, đúng quy mô, chất lượng. Công trình sử dụng vốn dư phải thực sự cần thiết, cấp bách để phát huy hiệu quả hai tuyến đường này.

Nội dung này sẽ được trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp cuối năm nay (dự kiến bắt đầu từ ngày 20/10).

P.Thảo

 

Làm rõ 14.000 tỷ đồng tiền dư làm QL 1A để tránh nghi ngờ về chất lượng - 2