1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Lạm phát Việt Nam 2010 có thể ở mức 2 con số

(Dân trí) - Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo: Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2010 ở mức 6% nhưng lạm phát có thể lên 2 con số do tăng trưởng tín dụng mạnh. Giá hàng hóa thế giới cao trở lại cũng sẽ tác động đến giá cả trong nước.

Lạm phát Việt Nam 2010 có thể ở mức 2 con số - 1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: "Việt Nam luôn trân trọng từng đồng vốn ODA" (ảnh: Việt Hưng).
 
Sáng nay 3/12, Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ năm 2009 (CG 2009) với chủ đề “Phục hồi tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững” đã diễn ra tại Hà Nội. Hội nghị thu hút gần 500 đại biểu từ cơ quan Chính phủ, các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế, khối doanh nghiệp, cơ quan thông tin đại chúng.
 
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: "Việt Nam luôn trân trọng từng đồng vốn ODA và đảm bảo thực hiện các cam kết với trách nhiệm cao với các nhà tài trợ. Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút các nguồn vốn đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu và mở rộng thị trường trong nước”.
 
Theo bà Vitoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam: WB đánh giá cao năng lực điều hành của Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua và Việt Nam một lần nữa chứng minh khả năng của mình vượt qua những thách thức, khó khăn về mặt kinh tế để giành được những thắng lợi nhất định. Việt Nam đã tránh được một cuộc suy thoái trong bối cảnh suy thoái kinh tế tài chính toàn cầu đang rất nghiêm trọng.
 
"Những ngày qua, Chính phủ công bố những điều hành về kinh tế mà tôi cho là đúng hướng nhằm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Sự thành công này đã được các đối tác phát triển và đặc biệt là cộng đồng quốc tế công nhận. Tôi xin chúc mừng Thủ tướng cùng nhân dân Việt Nam về những thành tựu to lớn này" - bà Kwakwa nói.
 
Đại diện Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cũng cho biết: Cách đây một năm, Việt Nam được cho là một trong các quốc gia trên thế giới chịu tác động mạnh nhất của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nhưng đến hôm nay, Việt Nam lại nổi lên như một trong những nền kinh tế mạnh nhất trong khu vực. Tác động của cuộc khủng hoảng đối với việc làm và khu vực doanh nghiệp Việt Nam đã ít trầm trọng hơn so với lo ngại của một năm trước đây.
 
Lạm phát Việt Nam 2010 có thể ở mức 2 con số - 2
Lạm phát khiến giá cả hàng hóa tăng luôn là nỗi lo của các nhà quản lý vĩ mô (ảnh minh họa).
 
Tuy nhiên, theo ông Shogo Ishii, Trợ lý Vụ trưởng Vụ châu Á - Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bên cạnh những thành tựu đạt được, Việt Nam cần giải quyết vấn đề trước mắt là áp lực đối với cán cân thanh toán.
 
Sự nới lỏng chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa theo chương trình kích thích kinh tế đã đẩy mạnh nhập khẩu, góp phần làm thâm hụt cán cân thương mại lớn quay trở lại, gây ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của các nhà đầu tư về Việt Nam.
 
Dự báo mới nhất của tổ chức này cho thấy, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2010 ở mức 6%. Lạm phát có thể tăng từ 7% trong năm 2009 lên mức hai con số do tăng trưởng tín dụng mạnh trong thời gian gần đây. Giá hàng hóa thế giới cao trở lại cũng sẽ tác động đến giá cả trong nước.
 
Bên cạnh nguy cơ lạm phát lên 2 con số, các đại diện quốc tế còn nhấn mạnh tới những thách thức đối với Việt Nam trong năm tới. Đó là bẫy thu nhập trung bình và vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Đại diện cơ quan liên hợp quốc (UNDP) cảnh báo Việt Nam có thể rơi vào bẫy thu nhập trung bình, nếu hài lòng với những kết quả đã đạt được.
 
Về vấn đề biến đổi khí hậu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, Việt Nam là một trong số ít quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Là nước sản xuất 1/5 lượng gạo xuất khẩu của thế giới; nếu không đối phó hiệu quả với vấn đề này sẽ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng không những cho Việt Nam mà còn ảnh hưởng tới an ninh lương thực thế giới.
 
Do đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi sự ủng hộ, hỗ trợ hiệu quả của cộng đồng quốc tế, các nhà tài trợ dành cho Việt Nam trong đối phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
 
An Hạ