1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Làm nhừ thịt bằng bột cọ toa lét

Thời gian gần đây, dư luận xôn xao về việc các hàng bán gà tần, bún, phở... tại Hà thành hay cho thêm chất gì đó trong khi nấu, giúp công đoạn ninh, hầm nhanh hơn, thịt mềm hơn. Nhóm phóng viên chúng tôi đã vào cuộc và phát hiện một sự thật kinh hoàng...

Mua hóa chất dễ như mua rau

 

Tại quầy hàng khô Đ.D trong chợ Hôm - Đức Viên (Hà Nội), khi chúng tôi hỏi mua một loại chất giúp ninh nấu thức ăn nhanh dừ, người bán hàng đưa ra một lọ nhỏ như lọ thuốc B1, bên trong đựng thứ bột trắng tinh, giá 14.000 đồng, nói là của Úc. Nhưng tìm mỏi mắt trên thân lọ không hề thấy có dòng nào cho biết nó được sản xuất tại Úc, cũng không có hướng dẫn liều lượng sử dụng ra sao.

 

Chúng tôi yêu cầu loại rẻ hơn nữa. Chị chủ quầy xách từ trong ra một hộp giấy to cỡ hộp hương muỗi, trọng lượng 454g, giá 10.000 đồng. Hộp không được bày ở ngoài hàng. Trên 6 mặt hộp rặt tiếng Anh. Chị bán hàng giải thích nó xuất xứ từ Trung Quốc nhưng in tiếng Anh để bán phổ biến trên toàn thế giới.

 

Nội dung trên một mặt hộp nói rõ chức năng của chất này là “cho một ngôi nhà sạch sẽ và mát mẻ hơn!”. Trong đó nêu 3 tác dụng chính là làm sạch các đồ nhà bếp như: lò vi sóng, ấm pha trà, xoong chảo, bồn rửa bát; làm sạch đồ vệ sinh như bồn toa lét, sọt rác, máy nghiền rác, thảm, máy giặt…; khử mùi tủ lạnh (thay hộp mới trong vòng 3 tháng).

 

Một mặt hộp hướng dẫn cách dùng chất này để làm bánh. Cho một thìa hóa chất với một thìa muối, bơ, đường, vani, hai quả trứng, sôcôla, lạc, trộn đều và nướng ở nhiệt độ 375oC là được một mẻ bánh.

 

Không thấy nói đến tác dụng làm nhừ và mềm thịt nên tất nhiên không có hướng dẫn sử dụng liều lượng ra sao nếu nấu những món này. Tuy nhiên chị bán hàng quả quyết các hàng phở, gà tần vẫn mua loại này. Chị dặn: “Chỉ rắc một chút như bột canh thôi, đừng cho nhiều quá không tốt. Một hộp dùng như vậy được rất lâu”.

 

Tới chợ Đồng Xuân, tại quầy hàng khô của một chị tên Phương, chúng tôi mua được hoá chất tẩy trắng miến. Loại này chủ hàng bán theo cân, giá 24.000 đồng/kg. Chỉ vừa hé miệng túi, thứ bột trắng bốc lên mùi khó chịu.

 

“Các em ở Hà Tây đúng không? Dân Hà Tây làm miến mua của chị thành khách quen rồi - Chị Phương xởi lởi - Một muôi bột này hòa với nước ngâm với một tạ miến là đủ. Dân làm miến vẫn làm như thế”. 

 

Cũng theo lời chị Phương, do hàng không nhãn mác nên chị không dám bày, chỉ khách nào hỏi mua mới mang ra. Chị đảm bảo “tác dụng tẩy trắng khỏi chê”.

 

Qua cửa hàng khô Lợi Nghĩa, chủ hàng hướng dẫn cách sử dụng diêm sinh để làm vàng măng, lại giữ được lâu không mốc. Chỉ với 10.000 đồng/kg diêm sinh có thể hòa nước ngâm vài tạ măng, sau đó phơi khô là có màu vàng đẹp mắt.

 

Hầu như ở bất cứ hàng khô nào chúng tôi đều dễ dàng mua được những hóa chất dạng này.

 

Rất độc hại nếu dùng quá liều

 

Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Giảng viên Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm  (ĐH Bách khoa Hà Nội), cho biết: “Đối với những phụ gia có trong danh mục được phép sử dụng của Việt Nam, liều an toàn đối với người chỉ tính bằng mg/kg trọng lượng cơ thể.

 

Nếu không tuân thủ nghiêm ngặt quy định này sẽ rất nguy hiểm đối với sức khỏe con người. Nhiều hoá chất có thể gây ngộ độc tức thì hoặc ngộ độc trường diễn với các tổn thương gan, phổi trầm trọng. Chẳng hạn chất làm trắng bánh phở kali sunfit dùng sai liều quy định có thể gây viêm da, mắt, miệng, phá hoại dạ dày”.

 

Đối với phụ gia được phép sử dụng, trên bao bì bao giờ cũng ghi rõ tên hóa chất, thành phần hóa học; tính năng kỹ thuật và tính chất vật lý (dạng lỏng hay rắn…); liều lượng, cách dùng (cho lúc nóng hay nguội…); tính độc với con người, độc với nồng độ bao nhiêu. Đặc biệt, đối với cơ quan quản lý, phải có phương pháp thử nghiệm (phương pháp xác định) đối với chất đó.

 

Ngoài ra, người mua có thể căn cứ vào số hiệu INS (international number system) in trên bao bì để biết chất này có được phép sử dụng hay không. Đây là ký hiệu được Ủy ban Codex về thực phẩm xác định cho mỗi chất phụ gia khi xếp chúng vào Danh mục các chất phụ gia thực phẩm.

 

Chẳng hạn INS của Carmin - chất tạo phẩm màu là 120, của chất điều vị Aspartam là 915. “Những loại không có ký hiệu INS trên bao bì đều là những hàng trôi nổi, không được phép sử dụng” - Ông Thịnh quả quyết.

 

Trước đây, TS Thịnh từng phối hợp với Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội tổ chức một vài lớp tập huấn, tuyên truyền cho chủ các quán ăn về việc sử dụng phụ gia thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, những lớp như vậy rất ít. Nhiều người làm thực phẩm vẫn sử dụng các hóa chất độc hại không phải hoàn toàn do chủ đích của họ mà một phần do họ luôn bị thiếu thông tin. Họ không biết có những hoá chất tác dụng tương tự nhưng an toàn, không biết chúng được bán ở đâu.

 

TS Thịnh cho hay để tạo bọt cà phê, người ta có thể thay thế bằng chất CMC. Làm trắng bánh phở có thể dùng kali sunfit, nhuộm đỏ bánh kẹo dùng sắt ôxít… Hiện nay trên thị trường có đầy đủ các phụ gia cho mọi nhóm thực phẩm.

 

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Nguyễn Việt Cường - Phó chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội  - cho biết: Ngay sau cao điểm kiểm tra bánh Trung thu, Sở sẽ tiến hành kiểm tra phụ gia thực phẩm bán tại các chợ. Hiện nay, Sở đang tiến hành phân tích mẫu hóa chất tạo bọt cà phê và làm trắng bánh phở được nhiều hàng ăn ở Hà Nội sử dụng. Kết quả phân tích sẽ được công bố trong thời gian tới.

 

Nhiều hóa chất vừa có thể dùng trong thực phẩm, vừa có thể dùng trong công nghiệp. Có chất vừa có tác dụng tẩy trắng thực phẩm, lại vừa có thể tẩy trắng sọt, thúng mủng bằng tre, chống mốc (kali sunfit); hoặc vừa có thể tạo bọt cà phê, vừa có thể dùng tạo bọt dầu gội đầu, làm xốp mì ăn liền… (CMC).

 

Điều khác biệt quan trọng là khi dùng trong thực phẩm, những chất này phải ở dạng tuyệt đối tinh khiết. Với giá 10.000 đồng cho gần 500 g hóa chất vừa có thể cọ rửa nhà vệ sinh, vừa làm xốp bánh như trường hợp kể trên, không có gì đảm bảo chất đó tinh khiết bởi hóa chất tinh khiết vô cùng đắt dù chỉ là một lượng nhỏ.

PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh

 

Theo Mỹ Hằng

Tiền Phong