Làm lại bài kiểm tra học kỳ tại... nhà cô giáo
(Dân trí) - Học sinh học thêm ở nhà cô được cô cho làm lại bài kiểm tra cuối học kỳ 2, hàng chục học sinh bị làm sai lệch điểm tổng kết cuối năm... Đó là những gì đã xảy ra tại trường Tiểu học Đoàn Kết, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội năm học 2005-2006.
Tiêu cực hay căn bệnh thành tích cố hữu? Câu hỏi đang rất cần cơ quan chức năng làm rõ để trả lại sự trong sạch cho môi trường sư phạm nơi đây.
Như thế là “giết” học sinh
“Cháu ghen tị, cô cho các bạn chép mà cháu không được chép, cháu phải nghĩ nát óc mà chỉ được 8, 9 điểm”, cô bé Trần Lan Hương, học sinh lớp 5B trường Tiểu học Đoàn Kết, quận Hai Bà Trưng tấm tức kể với chúng tôi về việc cô Dương Kim Nhâm, giáo viên chủ nhiệm lớp 5B đã cho một số học sinh làm lại bài kiểm tra học kỳ II, môn Toán tại chính... nhà cô. Bức xúc không kém cô con gái, ông Trần Quốc Ân, bố bé Lan Hương gay gắt: “Thế này là giết học sinh chứ không phải là thương nữa”.
Đơn kiến nghị của cô giáo Vũ Lan Anh, giáo viên cùng giảng dạy tại lớp 5B gửi lãnh đạo Phòng Giáo dục & Đào tạo quận Hai Bà Trưng cũng khẳng định, sau khi có dư luận từ học sinh và phụ huynh học sinh, cô đã trực tiếp hỏi 2 em học sinh được làm lại bài là L.T.M và Đ.D.Đ, cả hai em đều xác nhận: “Có làm lại bài kiểm tra Toán và cô còn dặn chúng em không được nói với ai”.
Để làm rõ hơn về thông tin này, chúng tôi đã có buổi làm việc với lãnh đạo trường Đoàn Kết, bà Nguyễn Ánh Liên, quyền Hiệu trưởng khẳng định sự việc cô giáo Nhâm cho 2 học sinh làm lại bài kiểm tra tại nhà cô để nâng điểm cho học sinh là có thật. Mức điểm được nâng theo bà Liên là từ 7 điểm lên 9 điểm. Tuy nhiên, theo thông tin chúng tôi nhận được, những học sinh này đã được nâng điểm từ 4,5 và 5 lên thành 9 và 10 điểm.
Giải thích cho hành động không thể chấp nhận này, bà Nguyễn Minh Trang, phụ trách khối 5 nói như đinh đóng cột: “Đây là vì cô thương học sinh, thông cảm nâng điểm cho các cháu để thuận lợi hơn khi lên cấp 2”.
Không chỉ cho học sinh làm lại bài kiểm tra tại nhà, cô Dương Kim Nhâm còn làm sai lệch điểm tổng kết cả năm của học sinh. Thông tin này cũng đã được bà quyền Hiệu trưởng nhà trường xác nhận.
Tiếp cận với cuốn sổ theo dõi kết quả kiểm tra, đánh giá học sinh của lớp 5B, chúng tôi rất bất ngờ khi hàng chục trường hợp bị sửa chữa, tẩy xóa vô tội vạ dù theo qui chế của ngành Giáo dục, việc sửa chữa ở sổ điểm phải tuân theo qui trình khá nghiêm ngặt.
Không sửa lại vì... trót ghi vào học bạ
Mặc dù việc làm sai lệch điểm tổng kết môn học của học sinh là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng tới quyền lợi chính đáng của các em nhưng khi chúng tôi đặt câu hỏi: Có bao nhiêu em học sinh đã bị làm sai lệch về điểm số? cả bà quyền Hiệu trưởng và bà phụ trách khối 5 đều... lắc đầu không rõ con số chính xác, chỉ xác nhận có khoảng hơn mười trường hợp.
Sau khi sự việc xảy ra, Ban lãnh đạo trường đã có cuộc họp để tìm hiểu sự việc và cô giáo Nhâm đã thừa nhận có làm những việc như học sinh và phụ huynh đã phản ánh.
Trả lời chúng tôi về mức kỷ luật đối với cô giáo Nhâm, bà Liên cho biết: Nhà trường đã có cuộc họp liên tịch và mức kỷ luật đưa ra là... phê bình cô giáo Nhâm trong cuộc họp nội bộ nhà trường. Còn biện pháp xử lý đối với 2 bài kiểm tra mà cô đã cho học sinh làm lại tại nhà cô, bà Liên cho rằng, đã trót ghi vào học bạ nên đành phải để như vậy, không thể sửa lại (!?).
Cạnh tranh không lành mạnh?!
Trong khi tìm hiểu sự việc này tại trường Đoàn Kết, chúng tôi phát hiện một kiểu quản lý rất “lạ đời”. Đó là việc đảo giáo viên chủ nhiệm. Theo quy định của nhà trường, mỗi lớp sẽ có hai cô cùng giảng dạy, mỗi cô được giao chủ nhiệm một học kỳ và cũng đồng thời dạy 2 môn chính (Toán, Tiếng Việt) trong học kỳ đó.
Lý giải về sự phân công này, lãnh đạo nhà trường cho rằng vì trường... thừa giáo viên quá. Hiện tại nhà trường có tổng cộng 31 giáo viên trong khi toàn trường chỉ có 14 lớp học. Chính vì để đảm bảo dung hòa quyền lợi của giáo viên nên nhà trường đã áp dụng biện pháp này. Sự bất cập về thừa giáo viên đã tồn tại nhiều năm nay và cũng đã được báo cáo với lãnh đạo Phòng Giáo dục & Đào tạo quận nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Trong biên bản giải quyết sự việc cô giáo cho học sinh làm lại bài kiểm tra tại nhà, lãnh đạo nhà trường nhìn nhận nguyên nhân sâu xa là do mâu thuẫn vì... dạy thêm ở nhà giữa hai cô giáo dạy lớp 5B. Mặc dù các em học sinh học cả hai buổi sáng và chiều ở trường nhưng các cô vẫn tiếp tục tổ chức học thêm tại nhà. Bà quyền Hiệu trưởng giải thích đây là sự thỏa thuận giữa phụ huynh và giáo viên. Chính việc “chia quyền” của hai giáo viên trong cùng một lớp đã dẫn đến tình trạng “cạnh tranh không lành mạnh” về điểm số giữa hai tốp học sinh học thêm ở nhà hai cô.
Không chỉ gây ra mâu thuẫn, việc chia hai giáo viên chủ nhiệm một lớp chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc tiếp thu kiến thức của học sinh khi mà hai giáo viên với hai phương pháp giảng dạy khác nhau và không thể có sự theo dõi liên tục để có sự kèm cặp các em.
Chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Tiến Trường - Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo quận Hai Bà Trưng, ông Trường tỏ ra bất ngờ trước thông tin này dù vụ việc đã xảy ra hơn một tháng. Ông Trường cũng khẳng định có biết những khó khăn của trường Đoàn Kết, vì trong nhiều năm qua, trường Đoàn Kết luôn đứng... cuối bảng xếp hạng thi đua của ngành Giáo dục quận. Tuy nhiên, những biện pháp thực sự hiệu quả để nâng cao chất lượng giảng dạy, phát huy tinh thần đoàn kết tại ngôi trường này thì dường như vẫn là điều rất xa vời.
Phụ huynh và chính các em học sinh đang mong chờ sự “ra tay” của lãnh đạo quận Hai Bà Trưng, trả lại sự trong sạch cho môi trường sư phạm, để các em không chỉ được truyền đạt kiến thức mà còn được học làm người.
Đức Hoà