1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Làm ít khai nhiều, thông đồng rút tiền nhà nước là phải xử nghiêm!”

(Dân trí) - Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị “Tổng kết công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư và đảm bảo an toàn giao thông phục vụ triển khai các dự án cải tạo, mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên”.

Hội nghị được tổ chức tại Nha Trang sáng 15/9 với sự tham dự của các Bộ, ngành TƯ, lãnh đạo 22 tỉnh, thành có dự án đi qua.

Dự án cải tạo, mở rộng quốc lộ 1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên là 2 dự án có quy mô lớn, vừa khai thác vừa thi công với tổng mức đầu tư khoảng 110 nghìn tỷ đồng. Các dự án trải dài qua nhiều địa phương, đan xen lẫn nhau giữa hình thức đầu tư BOT và sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP)… Hai dự án này có chiều dài hơn 1.500km đi qua 22 tỉnh, thành phố với khoảng 84.000 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó gần 5.300 hộ cần phải bố trí vào các khu tái định cư tập trung; di dời hàng nghìn km công trình điện, nước, cáp quang, viễn thông…

Quang cảnh Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị.

“Là kết quả GPMB nhanh nhất từ trước tới nay…”

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, cho biết, đến thời điểm hiện tại đã bàn giao mặt bằng được 1.505/1.510 km, có 20/22 tỉnh, thành đã cơ bản bàn giao 100%, hiện còn 2 tỉnh Phú Yên, Bình Định đang vướng một số vị trí chưa bàn giao xong do một số khó khăn, vướng mắc đặc thù. Công tác bố trí tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng cơ bản hoàn thành, được xử lý linh hoạt theo nhiều phương án: bố trí vào khu tái định cư tập trung, xen ghép, hỗ trợ tiền thuê nhà…

Một số địa phương đã hoàn thành khu tái định cư như: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Thuận… Đến nay, các địa phương đã hoàn thành tốt công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai, Đồng Nai, Cần Thơ, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Thanh Hóa, Ninh Bình.

“Đây là kết quả quan trọng nhờ nỗ lực to lớn, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ TƯ đến địa phương và là kết quả GPMB nhanh nhất từ trước tới nay so với các công trình giao thông đã từng thực hiện”, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh. Về công tác đảm bảo an toàn giao thông, Bộ trưởng Thăng cho biết, trong thời gian qua, trên toàn tuyến quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh không để xảy ra tình trạng ách tắc giao thông kéo dài, không xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do ảnh hưởng của việc thi công dự án.

Song ở một số dự án, một số gói thầu tại các giờ cao điểm vẫn còn xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ. “Nguyên nhân là do lưu lượng giao thông lớn, nền mặt đường bị thu hẹp, lực lượng tư vấn giám sát còn mỏng và chưa có sự phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, ban ngành của địa phương…”, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhận định.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng báo cáo tại Hội nghị.
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng báo cáo tại Hội nghị.

“Bình Định cần sớm tìm nguyên nhân giải quyết…”

Là một trong 2 địa phương bị nêu tên vì chưa bàn giao mặt bằng 100%, ông Ngô Đông Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết tổng chiều dài tuyến qua tỉnh là 118km, trong đó đoạn nâng cấp, mở rộng là khoảng 87,5km với ảnh hưởng là 7.600 hộ dân.

Hiện Bình Định có 3 gói, trong đó, đoạn BOT Bắc Bình Định (Km1125-Km1153) có tổng chiều dài tuyến 28km (đầu tư xây dựng mở rộng 20km, không đầu tư mở rộng 8km). Hiện đã bàn giao mặt bằng sạch được 18,5/20km, còn 1,5km đang chờ kinh phí chi trả. Đối với đoạn vốn trái phiếu chính phủ (từ Km1153 - Km1212+400) với tổng chiều dài theo tuyến là 60,6km (đầu tư xây dựng mở rộng 56,95km; không đầu tư mở rộng 3,65km). Hiện đoạn này còn 0,6km chưa bàn giao mặt bằng sạch, gồm 3 cầu: Tiên Hội, Châu Thành và Vạn Thạnh. Riêng, đoạn BOT Nam Bình Định (Km1212+400 - Km1243) hiện đã bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư được 6,4/6,5km và đã xây dựng hoàn chỉnh các khu tái định cư để giao đất cho các hộ dân.

Về nguyên nhân tỉnh Bình Định chậm trong công tác GPMB, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Đông Hải cho biết: “Mật độ dân cư ở hai bên đường rất đậm đặc, nguồn gốc đất đai rất phức tạp và khối lượng GPMB rất lớn. Cho nên, kinh phí phê duyệt GPMB vượt rất cao so với dự toán ban đầu. Do kinh phí đền bù rất cao, gấp 3 lần so với dự toán được duyệt ban đầu nên các nhà thầu thi công đến giờ này cung ứng tiền chưa kịp. Song, hiện chúng tôi đã xong các phương án, chỉ chờ có tiền để phấn đầu trong tháng 9 này hoàn thành”.

Trao đổi bên lề với báo chí về thực trạng tại Bình Định, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - cho biết: Bình Định cần phải khảo sát từng tuyến, từng đoạn đường cụ thể, trực tiếp đối thoại cụ thể để tìm ra nguyên nhân giải quyết. “Ví dụ như các đơn vị làm BOT phải giải quyết kịp thời về tiền cho Bình Định. Còn nhà nước sẽ tạm ứng cho Bình Định làm tái định cư một số khu đang bức thiết hiện nay. Mặt khác, những khu tái định cư đó đảm bảo những yêu cầu cần thiết như: điện, nước, vệ sinh môi trường…”, Phó Thủ tướng nói.

Dự án mở rộng Quốc lộ 1 qua địa phần xã Vĩnh Lương, TP Nha Trang, Khánh Hòa.
Dự án mở rộng Quốc lộ 1 qua địa phần xã Vĩnh Lương, TP Nha Trang, Khánh Hòa.

“Sẽ xử lý nghiêm nếu xảy ra tham nhũng, tham ô…”

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đây là 2 dự án có tầm quan trọng quốc gia. Phó Thủ tướng ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Bộ GTVT, các bộ ban ngành TƯ, cùng các Tập đoàn, tổng Công ty. Phó Thủ tướng biểu dương, ghi nhận sự ủng hộ của người dân trong vùng bị ảnh hưởng đối với các chính sách của Đảng và Nhà nước, thể hiện trách nhiệm vì quyền lợi quốc gia, vì sự phát triển chung của đất nước. “Một cuộc giải tỏa lớn như thế này mà ít khiếu kiện đó là sự công bằng trong việc giải quyết quyền lợi của người dân, tuân thủ những nguyên tắc công khai, minh bạch về chính sách với dân, và đặc biệt là đối thoại trực tiếp với nhân dân để tìm ra một phương án tốt nhất. Nếu nơi nào không làm việc đó sẽ không có thành công”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng đánh giá cao công tác đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình thi công nên giảm được số người thương vong trên quốc lộ 1. Đi cùng với đó, Phó Thủ tướng đã chỉ ra một số hạn chế, tồn tại trong quá trình GPMB là các địa phương trong giai đoạn đầu còn bị động, giải quyết còn chậm; lúng túng trong phương án đền bù, nhất là các thủ tục còn chậm trễ; việc đề xuất hỗ trợ tái định cư cho các tỉnh khó khăn còn chậm; công tác quản lý hồ sơ, đất đai ở địa phương chưa chặt chẽ; công tác bảo vệ mặt bằng thi công chưa được tốt, còn do dự, chần chừ trong việc xử lý…

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận tại Hội nghị.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu một số địa phương cần phải gấp rút rà soát lại công tác GPMB để thúc đẩy giải quyết rốt ráo và phải bàn giao dứt điểm trong thời gian sớm nhất, nhất là Bình Định, Phú Yên. Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện tốt Luật đất đai 2013, và đặc biệt là quy định về bồi thường tái định cư cho người dân.

Phó Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo các Ban quản lý dự án, các chủ đầu tư, các nhà đầu tư tích cực phối hợp với chính quyền địa phương ở các dự án Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh cần khẩn trương thi công, bảo vệ mặt bằng, phối hợp chặt chẽ để hoàn thành bàn giao mặt bằng đảm bảo tiến độ.

Phó Thủ tướng giao Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ GTVT rà soát các dự án công trình giao thông trong cả nước để ưu tiên kịp thời, giao vốn ngân sách phục vụ công tác GPMB các công trình trọng điểm, cần hoàn thành cấp bách để phát huy hiệu quả cao nhất.

Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương không để tình trạng phát sinh “khiếu kiện dây chuyền”. Đặc biệt là cần rà soát lại công tác quản lý, nhất là không để làm sai chính sách, không tham ô, tư túi cá nhân. “Làm ít, khai nhiều, thông đồng với người này, người kia rút tiền nhà nước. Nếu có điều đó trong dự án này thì phải xử lý nghiêm. Thực tế, chúng ta đã xử lý rất nhiều trường hợp cán bộ đền bù GPMB thông đồng với người được đền bù để ăn chặn hoặc thông đồng rút tiền chia nhau”, Phó Thủ tướng cảnh báo.

Viết Hảo