1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Làm hồ sơ nhà đất: Những kiểu hành dân vô lý

Đi lại hơn 10 lần, nộp gần 20 loại giấy, nhưng một cụ bà 64 tuổi vẫn không làm “hài lòng” được anh cán bộ địa chính của UBND quận. Tuy nhiên, số người gặp phải “cảnh khổ” như bà không chỉ có một.

Bị hành bốn tháng

 

Cuối năm 2004, bà Th. làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất. Tại phòng tiếp nhận và hoàn trả hồ sơ hành chính quận Tân Bình, cô nhân viên quầy số 4 đề nghị bà xin xác nhận của UBND phường rằng nhà không tranh chấp. Bà thắc mắc: “Nhà tôi mua hợp pháp và ở yên ổn hai năm nay”. “Đó là nguyên tắc!”, cô nhân viên lạnh lùng trả lời.

 

Về phường, bà Th. phải chờ UBND phường niêm yết bảy ngày để xem có ai... tranh chấp gì không. Sau đó thì được chủ tịch UBND phường xác nhận là nhà đã được cấp chủ quyền và không tranh chấp.

 

Bà Th. đem hồ sơ trở lại UBND quận Tân Bình. Nhưng một lần nữa, hồ sơ của bà bị trả về vì bản vẽ hiện trạng mới xây không phải do Công ty ADEC vẽ. Vì sao? Thắc mắc của bà Th. được trả lời: “Vì Công ty ADEC vẽ thì bản đồ mới chính xác. Bà đưa đơn vị khác vẽ sẽ không được Phòng quản lý đô thị duyệt!”. Vậy là bà Th. đành phải tốn 900.000đ cùng với một tháng chờ đợi để thuê Công ty ADEC vẽ lại hiện trạng xây mới.

 

Trở lại UBND quận với bản vẽ mới, bà Th.vẫn chưa được nhận hồ sơ và được thông báo chờ hướng dẫn triển khai thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo mẫu giấy mới thống nhất trên cả nước. Theo lời hẹn, hai tuần sau bà Th. trở lại UBND quận Tân Bình và được hướng dẫn mua hồ sơ làm lại từ đầu (?!).

 

Thấy quá vô lý, bà Th. quyết định không làm. Nửa tháng sau, bà Th. lại đến phòng tiếp nhận và trả hồ sơ hành chính để hỏi xem tình hình thế nào thì được một nữ nhân viên tại quầy số 1 trả lời sau khi xem hồ sơ: “Sao giấy tờ gì mà nhiều thế! Trường hợp của bà cứ cầm giấy phép xây dựng, biên bản hoàn công đi đóng thuế, đăng bộ là xong!”. Chuyện rất đơn giản mà bà Th. phải tốn thêm tiền và bị “hành” mất bốn tháng trời.

 

Đi hơn 10 lần, nộp hàng chục loại giấy

 

Tháng 10/2004, bà H. liên hệ UBND quận Thủ Đức (TPHCM) để làm hồ sơ cấp giấy chứng nhận chủ quyền nhà. Bà H. được anh Long - cán bộ phòng tiếp nhận hồ sơ - xem xét rồi phán: “Thiếu bản vẽ sơ đồ nhà đất! Bà về bổ sung”.

 

Lần sau, bà H. tới với đầy đủ giấy tờ đã bổ sung theo yêu cầu thì anh Long lại nói: “Đây toàn là bản photo, dù có công chứng chứng thực sao y nhưng vẫn không có giá trị. Bà cần đem toàn bộ bản chính lên đây để chúng tôi đối chiếu”. Lần kế tiếp, sau khi đối chiếu từ những giấy tờ bản chính, anh Long trả lại bà H. toàn bộ giấy tờ và hướng dẫn đem về UBND phường làm lại từ đầu vì trong hồ sơ thiếu bản kê khai đăng ký nhà đất năm 1999.

 

Ở phường, bà H. phải mua các mẫu đơn, trong đó có tờ giấy kê khai nhà đất 1999. Cán bộ phường giải thích dù đã có sổ đỏ từ năm 2001 nhưng vẫn phải bổ sung bản kê khai cho... đầy đủ giấy tờ.

 

Tháng 12/2004, tại UBND quận, bà H. lại được yêu cầu phải photo thêm một số giấy tờ khác. Photo xong thì tập hồ sơ của bà H. đã lên đến 15 loại giấy tờ, mỗi loại gồm ba bản photo. Tưởng thế là quá đủ, nhưng ba ngày sau, khi đang ở nhà bà H. nhận được điện thoại của cán bộ thụ lý yêu cầu bổ sung sáu loại giấy tờ khác, trong đó có những thứ bà đã nộp từ rất lâu rồi.

 

Ngày 25/1/2005, bà H. cầm toàn bộ giấy tờ bổ sung lên quận nhưng vẫn không được anh Long tiếp nhận vì thiếu... giấy xác nhận độc thân. Bà H. phẫn nộ: “Phường nào xác nhận bà già 64 tuổi này còn độc thân? Vả lại tôi đã đứng tên trong sổ đỏ, đứng tên trên giấy phép xây dựng, chẳng lẽ chính quyền không tin rằng tài sản này là của tôi hay còn của một thằng cha nào khác?”. Đuối lý, anh Long đành nhận hồ sơ với lời hẹn 30 ngày sau trở lại.

 

Ngày 10/3/2005, chậm nửa tháng so với lịch hẹn, bà H. lại một lần nữa giận run người khi một cán bộ khác (không phải cán bộ thụ lý trước đây) lại yêu cầu bà phải bổ sung giấy xác nhận tình trạng độc thân...

 

Khi chúng tôi thực hiện bài viết này, bà H. vẫn... “trắng tay”.

 

Ông Nguyễn Trung Thông, phó ban chỉ đạo cải cách hành chính TPHCM: "Phản ảnh của người dân là rất đúng!"

Tôi đã chứng kiến tận mắt cảnh cán bộ bắt dân đi lên đi xuống, đi lại nhiều lần, và bổ túc nhiều lần. Những nơi nào dân kêu nhiều nhất tôi đã đi. Ngay bản thân tôi đến các cơ quan nhà nước này cũng cảm thấy không khí nặng nề. Ngay từ cổng vào, cơ quan nào cũng có cửa to, cửa nhỏ. Cửa to thì rất rộng nhưng đóng kín, cửa nhỏ thì hẹp và chỉ mở hé hé cho dân đi.

Dư luận cho rằng cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực là không cá biệt, thậm chí khá phổ biến?

Tôi đồng ý! Đây là hiện tượng khá phổ biến, rất nhức nhối, song chỉ tập trung ở một số lĩnh vực người dân có nhu cầu bức xúc như nhà đất, xây dựng... Để góp phần giảm bớt tình trạng này, chúng tôi khuyến khích người dân tố giác các hiện tượng tiêu cực, đồng thời mong muốn các cấp chính quyền phải có biện pháp bảo hộ cho những người này.

Nếu bảo hộ tốt, tôi tin chắc sẽ có nhiều người mạnh dạn lên tiếng như những trường hợp ở quận 5. Tôi cũng đã đề xuất cần tăng cường thanh tra công chức công vụ để phát hiện kịp thời những cán bộ nhũng nhiễu dân. Nhưng theo tôi, lực lượng chính vẫn là người dân.

 

Theo Đoan Trang

Tuổi trẻ