Làm đường sắt đô thị cả trên cao và ngầm ở Hà Nội, TPHCM
(Dân trí) - Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo phân cấp, phân quyền triệt để cho Hà Nội và TPHCM trong triển khai, huy động nguồn lực, phát triển hệ thống đường sắt đô thị bao gồm cả trên cao và ngầm.
Sáng 5/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính (Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT) chủ trì họp Thường trực Chính phủ với Bộ GTVT, UBND Thành phố Hà Nội, TPHCM cùng các bộ, ngành liên quan về Đề án hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và TPHCM.
Định hướng xây hàng trăm km đường sắt đô thị ở hai thành phố lớn
Theo quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được duyệt, hệ thống đường sắt đô thị có tổng chiều dài khoảng 413km, đến năm 2035 đầu tư hoàn thành toàn bộ với chiều dài thực tế là 410,8 km (21,5km đã đưa vào khai thác; 397, km chưa đầu tư).
Theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2065 (chưa được duyệt), đến năm 2035 dự kiến hoàn thành khoảng 410,8km; đến năm 2045 hoàn thành thêm khoảng 200,7km.
Còn theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020, tầm nhìn sau năm 2020 được duyệt, hệ thống đường sắt đô thị có tổng chiều dài 173km, đến năm 2035 đầu tư hoàn thành toàn bộ với chiều dài thực tế là 183km.
Theo quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 (chưa được duyệt), đến năm 2035 hoàn thành khoảng 183km, đến năm 2045 hoàn thành thêm khoảng 168km; đến năm 2060 hoàn thành thêm khoảng 159km.
Trong giai đoạn 2026-2030, Hà Nội cần nhu cầu vốn khoảng 14,60 tỷ USD; giai đoạn 2031-2035 cần khoảng 22,57 tỷ USD và giai đoạn 2036-2045, nhu cầu vốn xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội là khoảng 18,25 tỷ USD.
Với TPHCM, quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị gồm 12 tuyến, trong đó 10 tuyến metro có tổng chiều dài khoảng 510km và 2 tuyến đường sắt nhẹ (tramway/LRV) chiều dài khoảng 70km.
Mục tiêu đến năm 2030, TPHCM có 31km đường sắt đô thị, vận tải 15-20% hành khách công cộng. Đến năm 2045, TPHCM có 351km, vận tải 40-50% lượng hành khách công cộng và đến năm 2060 có 510km, vận tải 50-60% hành khách công cộng…
Tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng và khai thác, vận hành đường sắt đô thị của TPHCM đến năm 2035 khoảng hơn 36 tỷ USD, giai đoạn từ năm 2036 đến năm 2045 khoảng hơn 26 tỷ USD và từ 2046 đến 2060 cần hơn 40 tỷ USD.
Sau khi hoàn thành, mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội có khả năng đảm nhận 35-40% thị phần; TPHCM đảm nhận 30-40% thị phần vận tải hành khách công cộng.
Mặt khác, nếu được chuyển giao công nghệ thích hợp, Việt Nam có khả năng phát triển công nghiệp đường sắt, việc phát triển đường sắt đô thị là một trong các tiền đề để phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ.
Phát triển đường sắt đô thị cả trên cao và đi ngầm
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các đơn vị chủ trì tiếp thu ý kiến, hoàn thiện đề án để sớm trình cấp có thẩm quyền trong năm 2025.
Theo người đứng đầu Chính phủ, việc xây dựng Đề án hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và TPHCM nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, giải quyết ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, thúc đẩy tăng trưởng hai con số tại hai thành phố lớn nhất nước.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu xây dựng Đề án với tư duy, cách nghĩ, cách làm hoàn toàn đổi mới, đột phá, tầm nhìn chiến lược, lâu dài, hiện đại, mang lại hiệu quả cao.
Theo Thủ tướng, các đơn vị phải nghiên cứu, chuẩn bị thật kỹ càng, toàn diện, sâu sắc để khi triển khai được nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả.
Ông cũng lưu ý việc phân cấp, phân quyền triệt để cho Hà Nội và TPHCM trong tổ chức thực hiện, huy động nguồn lực và xử lý các vấn đề liên quan; phát triển hệ thống đường sắt đô thị bao gồm cả trên cao và ngầm, đặt trong tổng thể phát triển giao thông của cả nước.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, các bộ, ngành và Hà Nội, TPHCM phối hợp hoàn thiện thể chế, tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình liên quan phát triển đường sắt đô thị nói riêng và giao thông nói chung theo hướng hiện đại, đáp ứng thời kỳ phát triển mới.
Tinh thần được Thủ tướng nhấn mạnh là "qua sông bắc cầu, qua núi khoét núi, qua ruộng đổ đất", tránh các khu dân cư, làm công trình ngầm và cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội để giảm tối thiểu giải phóng mặt bằng, cũng như ảnh hưởng tới dân cư, an ninh, quốc phòng, các hoạt động khác.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu xây dựng đường sắt đô thị lựa chọn công nghệ hiện đại, phù hợp với điều kiện Việt Nam; đa dạng hóa các nguồn lực, bao gồm nguồn lực Nhà nước, tư nhân, vốn vay, hợp tác công tư.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghiệp đường sắt; nghiên cứu, áp dụng khoa học quản trị, vận hành, quản lý, khai thác theo hướng thông minh.
Cùng với triển khai xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp đường sắt và hệ sinh thái đường sắt theo hướng nhanh, xanh, công nghệ cao.
Thủ tướng gợi ý các đơn vị đề xuất cơ chế chính sách đặc thù trong lựa chọn tư vấn, giám sát, nhà đầu tư, nhà thầu, đảm bảo minh bạch...
Trước mắt, Hà Nội và TPHCM cần khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và TPHCM trước ngày 25/12 để xem xét phê duyệt, làm căn cứ phát triển, trong đó có đầu tư phát triển hệ thống đường sắt đô thị của hai thành phố.
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo, giao Bộ GTVT, UBND TP Hà Nội, UBND TPHCM và các bộ, cơ quan liên quan tập trung hoàn thiện Đề án, hoàn thiện hồ sơ để trình Bộ Chính trị xem xét về chủ trương đầu tư, cơ chế, chính sách… Đi kèm với đó, lãnh đạo Chính phủ lưu ý các đơn vị phải phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong suốt quá trình triển khai Đề án quan trọng này.