1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

Lái xe “ngán” tuyến phía Nam hầm Hải Vân

Theo anh Nguyễn Hùng, lái xe Tân Đạt tuyến Bắc - Nam, trong số nhiều khúc cua trên tuyến đường dẫn phía Nam hầm đường bộ Hải Vân, có 2 điểm bị khuất tầm nhìn, rất nguy hiểm với các xe mới đi trên tuyến. Trong khi đó, biển báo giao thông còn thiếu.

Người tài xế đã có trên 20 năm kinh nghiệm ngồi sau vô lăng cho biết, anh khá e ngại khi đi trên tuyến đường mới. Anh Hùng đánh giá, mức độ nguy hiểm của đoạn đường này tương đương với đèo Lò Xo (tỉnh Kon Tum, nơi diễn ra vụ tai nạn khiến 31 cựu chiến binh tử nạn), khiến lái xe đi qua luôn phải dè chừng trước mỗi dốc cua.

Trong khi đó, nhiều biển báo hiệu sắp đến chỗ nguy hiểm hay gương cầu tại khúc cua chưa có, nên dễ xảy ra tai nạn nếu tài xế không kịp xử lý các tình huống.

Ngoài ra, cánh lái xe còn phải dè chừng trước cảnh đồng nghiệp chạy xe ẩu với tốc độ cao. "Tôi thường thấy nhiều xe khác chạy 70-80 km/h, trong khi tối đa cho phép là 60km/h. Chạy nhanh rất nguy hiểm vì lái xe chưa quen đường, dễ tông nhau nếu không phản xạ kịp", anh Hùng lo ngại.

Anh Phạm Văn Cương, lái xe 29V 3855 Hà Nội - TPHCM cho biết, đường mới, xe tốt trong khi cảnh sát giao thông ít xử phạt nên lái xe thường thả lỏng tay lái, tăng tốc độ. Về đêm, các xe thường chạy với tốc độ 80-90km/h.

"Tôi cũng hay chạy xe quá tốc độ khi đường vắng. Biết là có nguy hiểm song vẫn tin vào số phận", anh Cương thừa nhận.

Nhiều lái xe khác cũng cho hay, ngoài tốc độ chạy xe thì các khúc cua bị che khuất tầm nhìn trên đường đèo là vấn đề đáng lo ngại. Với đường đèo Hải Vân cũ thì lái xe đã đã quen đường nên xử lý rất nhanh, còn đường mới thì phải có thời gian làm quen.

"Thời gian sau khi lái xe mới quen đường, biển báo nhiều hơn thì tai nạn sẽ dần giảm xuống" - một lái xe Xí nghiệp xe khách Nam Hà Nội nói.

Ông Nguyễn Đình Bách, Giám đốc Công ty quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân, cho biết, từ khi hoạt động vào ngày 5/6, đã có 4 vụ tai nạn xảy ra trên đường dẫn vào hầm đường bộ, tương đương số vụ xảy ra trên đường trên đèo Hải Vân cũ trong nửa năm.

Theo ông Bách, phần lớn do lỗi lái xe chạy quá tốc độ quy định, xe vào cung đường phải giảm tốc độ song lại thường tăng tốc. Để xử lý vấn đề này, tuần tới, đơn vị quản lý đường sẽ lắp đặt dải phân cách mềm giữa hai làn đường, thêm gờ giảm tốc trước cửa hầm và nhiều biển cảnh báo trong và ngoài hầm.

Về phần hạ tầng, ông Bách cho rằng, nên mở rộng những đoạn đường cua để đảm bảo tầm nhìn tốt hơn cho lái xe.

Vậy nhưng, đề cập tới thiết kế của tuyến đường dẫn phía Nam hầm đường bộ, ông Nguyễn Ngọc Trân, Tổng giám đốc Ban quản lý dự án nói thẳng, tuyến đường được đảm bảo đúng tiêu chuẩn thiết kế, được Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Xây dựng thẩm định và nghiệm thu.

Ông cho rằng, biển báo trên đường đã được lắp đặt đầy đủ theo thiết kế. Thời gian tới, đơn vị quản lý đường lắp đặt thêm chỉ để tăng độ an toàn trên tuyến. "Các 'điểm đen' có thể xuất hiện trong quá trình vận hành, song với hầm đường bộ đèo Hải Vân thì chưa có", ông Trân nói.

Theo VnExpress