1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nghệ An, Hà Tĩnh:

Lái xe “làm xiếc” trước các trạm soát vé

(Dân trí) - Nhiều chủ xe tiết lộ, hiện trên thị trường có bán cuống vé thu lộ phí tuyến quốc lộ 1A với giá thấp hơn giá gốc 2-3 lần. Với những chiêu thức khác nhau, chủ xe dễ dàng chui lọt qua các trạm thu phí, khiến nhà nước thất thu một số lượng tiền không nhỏ.

Vé thu phí đường bộ kiểu “đầu Ngô, mình Sở”

 

N - tài xế của chiếc taxi 4 chỗ không ngại cho chúng tôi cùng ngồi xe qua trạm thu phí Cầu Rác (Công ty cầu đường 474, thuộc Khu Quản lý đường bộ 4, trụ sở tại thành phố Vinh) - thuộc địa phận xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.

 

Gần đến trạm, N không dừng xe mua vé mà chạy thẳng đến bốt kiểm soát vé. Trong đoạn đường ngắn vài chục mét, N kịp đưa ra một tập cuống vé xe được cột ngay ngắn bằng giây thun rồi rút một cuống vé đính vào phần vé đã được chuẩn bị sẵn. Khi đến bốt kiểm soát vé của trạm này, N làm động tác xé vé bình thường rồi đưa phần cuống cho nhân viên trạm kiểm soát. Chỉ với một động tác rất đơn giản như thế N đã dễ dàng qua mặt nhân viên trạm thu phí.

 

Sau khi vượt qua trạm thu phí vài chục mét, N đưa cho chúng tôi xem xấp cuống vé và tiết lộ, “mình vừa mua một xấp 50 cuống vé với giá 5.000đồng/cuống. Với giá cuống vé này mỗi lần qua trạm thu phí mình giảm được 5.000 đồng”. Hỏi N có dễ dàng mua cuống vé như thế hay không? Anh ta giấu biệt nơi mua, nhưng úp mở tại Hà Nội người ta bán rất công khai, giá nhiều khi thấp hơn 2, 3 lần so với giá gốc, tức chỉ từ 3.000 đến 5.000 đồng/cuống vé. N còn cho biết thêm, một số đồng nghiệp của anh ta cũng thường xuyên sử dụng cuống vé này để qua trạm thu phí đường bộ.

 

Khi được hỏi, không sợ các trạm thu phí phát hiện và xử phạt hay sao? Lái xe N cho biết, có nhiều cách để qua mặt nhân viên trạm kiể soát, đó là phải có một vé còn nguyên (chưa xé tách rời giữa cuống và vé - PV) để nếu nhân viên phát hiện mình sử dụng cuống vé không phù hợp với số serie thì có thể nhanh chóng lý giải với họ là mình rút nhầm vé. Khi đó giao tấm vé khác cho nhân viên trạm kiểm soát, hoặc lùi xe lại rồi mua vé khác.

 

Do nhân viên sơ suất!?

 

Lái xe “làm xiếc” trước các trạm soát vé - 1

Ông Nguyễn Trường Tương (ảnh bên) - Giám đốc Công ty đường bộ 474 - chủ quản của trạm thu phí Cầu Rác cho biết, đơn vị của ông làm rất nghiêm ngặt trong việc kiểm soát vé phí đường bộ, thậm chí ngoài việc thực hiện nghiêm các quy định của Cục đường bộ, đơn vị ông còn thuê công an huyện Cẩm Xuyên, lực lượng an ninh xã Cẩm Trung giữ gìn an ninh trật tự; trong trường hợp phát hiện lái xe có dấu hiệu gian lận phí đường bộ sẽ phối hợp xử lý.

 

Dù đơn vị của ông Tương đã “làm căng” nhưng thực tế tình trạng lái xe sử dụng cuống vé thu phí đã qua sử dụng vẫn lọt trạm. Lý giải điều này ông Tương cho rằng độ tinh quái trong việc gian lận phí đường bộ của một số lái xe là rất khó kiểm soát. “Các lái xe rất tinh ranh, họ sử dụng cuống vé tái sử dụng, nếu bị nhân viên phát hiện họ lại nói là rút nhầm. Vì thế nhân viên của trạm soát vé gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý lái xe gian lận phí đường bộ” - ông Tương cho hay.

 

Tuy nhiên, ông Tương cũng thẳng thắn cho rằng, nếu kiểm tra chặt chẽ thì dù lái xe gian lận dưới hình thức nào cũng sẽ bị phát hiện. Vì thế, việc lái xe sử dụng cuống giá vé đã được sử dụng mà vẫn qua được trạm kiểm soát vé có thể là do sơ suất của nhân viên”.

 

Cuống vé tái sử dụng tuồn từ đâu ra?

 

Đây là một câu hỏi khiến dư luận đang rất mong chờ câu trả lời từ phía Cục quản lý đường bộ. Theo quy định tại khoản 4, điều 3 của Thông tư số 902004/TTBTC ngày 7/9/2004 của Bộ Tài chính về quy định quản lý chứng từ và trách nhiệm của tổ chức thu phí đường bộ: “Vé thu phí đường bộ đã bán cho các đối tượng sử dụng, phần lưu tại cửa soát vé được thanh hủy theo ca kíp hằng ngày sau khi đối chiếu với máy đếm xe hoặc bộ phận bán vé, ký biên bản giữa bộ phận bán vé, bộ phận kiểm soát vé và Thủ trưởng trạm thu phí...”.

 

Với quy định này, phần cuống vé được lưu tại các trạm kiểm soát vé sẽ được thanh huỷ và Thủ trưởng trạm thu phí quyết định thanh huỷ và chịu trách nhiệm về việc thanh huỷ đó.

 

Mặc dù đã có các quy định rõ ràng về việc thanh huỷ phần lưu cuống vé phí đường bộ, tuy nhiên hiện cuống vé ấy lại nằm trong tay của một bộ phận lái xe. Phải chăng đang có một đường dây, hoặc một số trạm thu phí đường bộ nào đó đã tuồn cuống vé này ra ngoài để kiếm lợi bất chính?

 

Đây không chỉ là thực trạng khiến nhiều trạm soát vé đau đầu trong việc đối phó với nạn gian lận vé thu phí đường bộ mà còn khiến nhà nước đang thất thu một lượng tiền không nhỏ. Vì thế ngoài việc xử lý nghiêm những lái xe “làm xiếc” trước các trạm kiểm soát với các tấm vé giả của mình, làm rõ trách nhiệm của cán bộ kiểm soát vé thì phải điều tra làm rõ tình trạng vé giả, cuống vé tái sử dụng được tuồn từ đâu ra.

 

Nghệ An: Xuất hiện "thủ thuật" giảm phí đường bộ 

Trạm thu phí nằm trên địa bàn huyện Đô Lương chính thức đi vào hoạt động khoảng tháng 12/2003, với mức thu hơn 5 tỷ đồng phí đường đường bộ/năm. Thời gian gần đây, ngoài việc một số chủ phương tiện ở các xã lân cận tự đắp nối đường riêng để "tránh" trạm thu phí, thì tại trạm này cũng xuất hiện một số chủ phương tiện sử dụng vé giả, vé cũ hoặc “luộc” lại xe nhằm hạ tải trọng để áp giá phí qua trạm ở khung thấp hơn… 

Mới đây, Trạm đã phát hiện xe ô tô mang BKS 37H 5990 do lái xe tên T trú ở xã Nghĩa Bình (Nghĩa Đàn - Nghệ An) đã dùng vé qua sử dụng từ tháng 10/2006 với "thủ thuật" tẩy viết mới để qua trạm.

Ngoài ra, theo nhân viên của trạm này cho biết, hiện trạm đau đầu nhất là có loại xe 4 trục, tải trọng trên 18 tấn theo quy định vé phí 80.000 đ/xe/lượt, tuy nhiên các chủ xe đã cải tạo lại “hạ” xuống chỉ còn 17,8 tấn/xe. Bằng cách này các chủ xe đã giảm được giá vé xuống còn 40.000 đ/xe/lượt.

 

Văn Dũng - Nguyên Nghĩa - Minh San