1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TPHCM:

Lại xây dựng thủy điện trên sông Mê Công: Lo nhà trôi sông!

(Dân trí) - Dự án thủy điện Pắc Lay tại miền Bắc Lào là dự án thủy điện thứ 4 trong số 11 công trình thủy điện theo kế hoạch sẽ xây dựng trên dòng chính sông Mê Công. Đại diện các địa phương thuộc đồng bằng sông Cửu Long lo ngại thủy điện này sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của người dân nơi đây, nhất là tình trạng xâm nhập mặn và sạt lở.

Ngày 18/9, tại TPHCM, Ủy ban Sông Mê Công Việt Nam tổ chức hội thảo tham vấn quốc gia lần 1 cho dự án thủy điện dòng chính Pắc Lay của Lào (gọi tắt là dự án).

Hội thảo tham vấn quốc gia lần 1 dự án thủy điện Pắc Lay trên dòng chính sông Mê Công
Hội thảo tham vấn quốc gia lần 1 dự án thủy điện Pắc Lay trên dòng chính sông Mê Công

Dự án nằm tại tỉnh Xay-nha-bu-ly, vùng Bắc Lào và cách đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam hơn 1.600km. Công trình thủy điện Pắc Lay có công suất 770MW, dung tích hồ chứa là 58 triệu m3. Dự kiến, dự án khởi công vào năm 2022 và vận hành năm 2029.

Công trình bao gồm phần đập, đập tràn xả lũ, nhà máy, công trình giao thông thủy và đường cá đi. Âu thuyền là loại cấp 1 có thể cho tàu 500 tấn qua. Đường cá đi được thiết kế như lòng dẫn tự nhiên với kích thước sâu 3m, rộng 6m.

Tại đây, đại diện UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, năm 2016, khu vực đồng bằng sông Cửu Long với 13 tỉnh (gần 20 triệu dân) bị xâm nhập mặn, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Ngoài sự cực đoan của khí hậu thì một trong những nguyên nhân gây xâm nhập mặn là nước thượng nguồn không về. Tình trạng sạt lở, xâm nhập mặn đang gây nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, xã hội cho vựa lúa, vựa trái cây của đất nước.

Đại diện tỉnh Vĩnh Long lo ngại vấn đề xâm nhập mặn, sạt lở vì thủy điện ngăn dòng chảy tự nhiên của sông Mê Công
Đại diện tỉnh Vĩnh Long lo ngại vấn đề xâm nhập mặn, sạt lở vì thủy điện ngăn dòng chảy tự nhiên của sông Mê Công

Do đó, ông đề nghị các nhà khoa học, chuyên gia… có những đóng góp về mặt thiết kế của dự án để đảm bảo hài hòa nguồn nước ngọt, giao thông thủy cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời, đưa ra những số liệu cụ thể, những kịch bản ứng phó cho địa phương khi bị ảnh hưởng bởi các dự án thủy điện trên dòng chính Mê Công.

Trong khi đó, ông Lữ Cẩm Khường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho rằng trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long không có tỉnh nào muốn xảy ra việc gì làm thay đổi dòng nước trên dòng sông Mê Công, nhất là việc xây đập.

Theo ông, hạn hán năm 2016 gây nhiều thiệt hại và cho đến nay có tỉnh vẫn chưa khắc phục xong. Do đó, việc đóng góp ý kiến để hạn chế tác động xấu nhất đến đồng bằng sông Cửu Long khi làm dự án trên dòng chính Mê Công rất quan trọng.

Ông Lữ Cẩm Khường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang đề nghị cần xây dựng kịch bản ứng phó trong tương lai khi các nhà máy thủy điện trên sông Mê Công vận hành
Ông Lữ Cẩm Khường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang đề nghị cần xây dựng kịch bản ứng phó trong tương lai khi các nhà máy thủy điện trên sông Mê Công vận hành

“Chúng ta phải lường trước được kịch bản khi người ta xây thủy điện. Khi hạn hán, vỡ đập thì tác động xấu như thế nào? Người dân và cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương rất cần những thông tin này. Dự báo kịch bản đến 2050 thì chuyện gì xảy ra ở đồng bằng sông Cửu Long để bố trí canh tác, ứng phó với hạn hán, với lũ…”, ông Khường nói.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kiên Giang cũng lo ngại tình trạng xâm nhập mặn vào sâu khi đồng bằng sông Cửu Long thiếu nước từ thượng nguồn sông Mê Công đổ về trong mùa khô. Cùng với đó, những nguồn lợi sẽ bị ảnh hưởng khi dự án thủy điện làm hạn chế dòng chảy tự nhiên của sông Mê Công.

“Chúng ta cần đánh giá được tác động trong tương lai. Lượng phù sa, cá, thủy sản… sẽ giảm đáng kể. Bộ Tài nguyên – Môi trường cần đánh giá khi vận hành nhà máy thì tác động đến đồng bằng sông Cửu Long như thế nào để có giải pháp ứng phó”, ông Tâm nói.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết lượng phù sa, thủy sản sẽ giảm đáng kể khi xuất hiện ngày càng nhiều dự án thủy điện trên sông Mê Công
Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết lượng phù sa, thủy sản sẽ giảm đáng kể khi xuất hiện ngày càng nhiều dự án thủy điện trên sông Mê Công

Dưới góc nhìn nhà khoa học, PGS.TS Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam chia sẻ với những lo ngại của các địa phương về tác động của các dự án thủy điện trên dòng chính sông Mê Công.

Theo TS Hoằng, khi 11 dự án thủy điện trên dòng chính Mê Công hoàn thành sẽ tác động rất lớn đến hạ lưu là khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nghiên cứu của một tổ chức quốc tế kết luận, khi xây hết các dự án thì toàn bộ lượng bùn cát về hạ lưu chỉ còn hơn 3%. Lượng bùn cát giảm sẽ dẫn đến đào xói dòng chảy, sạt lở gia tăng.

Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cho biết, từ sau năm 2005, tình trạng sạt lở khu vực đồng bằng sông Cửu Long gia tăng đáng kể, một trong những nguyên nhân là do thiếu hụt lượng bùn cát.

PGS.TS Trần Bá Hoằng đề nghị đánh giá lại hệ thống cửa xả bùn cát của dự án thủy điện Pắc Lay
PGS.TS Trần Bá Hoằng đề nghị đánh giá lại hệ thống cửa xả bùn cát của dự án thủy điện Pắc Lay

TS Hoằng cũng lo ngại khi quy trình vận hành, điều tiết đập chứa nước không hợp lý dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn sớm hơn, sâu hơn vì nước biển có xu hướng dâng cao. Ngoài ra, lượng nước phục vụ tưới tiêu nông nghiệp cũng gặp khó khăn.

Từ những lo ngại trên, TS Hoằng đề nghị Ủy ban Sông Mê Công Việt Nam tìm hiểu kỹ hơn về quy trình vận hành cửa xả cát của dự án để đóng góp ý kiến, nhằm đảm bảo lượng bùn cát xuống hạ lưu.

Tại hội thảo, các đại biểu đưa ra ý kiến đóng góp đối với một số thiết kế của dự án như đường đi của cá để làm rõ hơn tác động đến việc sinh sản, di cư của các loài cá trên sông Mê Công. Bởi hiện nay, nguồn lợi thủy sản trên hệ thống sông Cửu Long chủ yếu từ thượng nguồn về.

Chánh Văn phòng Ủy ban Sông Mê Công Việt Nam Lê Đức Trung cho biết sẽ có báo cáo chi tiết hơn liên quan đến dự án thủy điện Pắc Lay để tiếp tục tham vấn
Chánh Văn phòng Ủy ban Sông Mê Công Việt Nam Lê Đức Trung cho biết sẽ có báo cáo chi tiết hơn liên quan đến dự án thủy điện Pắc Lay để tiếp tục tham vấn

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, ông Lê Đức Trung – Chánh Văn phòng Ủy ban Sông Mê Công Việt Nam cho biết sẽ xem xét, kiến nghị bổ sung các đánh giá tác động của dự án.

Bên cạnh đó, dựa vào các nghiên cứu tác động tổng thể của 4 công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công, Ủy ban Sông Mê Công Việt Nam hy vọng trong thời gian tới sẽ có báo cáo chi tiết hơn.

Theo ông Trung, dự kiến tháng 11/2018 sẽ tiến hành hội thảo tham vấn lần 2. Khi đó, các số liệu báo cáo sẽ đầy đủ hơn để phục vụ công tác tham vấn.

Ủy hội sông Mê Công quốc tế tiến hành tham vấn cho dự án thủy điện dòng chính Pắc Lay từ 8/8/2018. Trước khi kết thúc quá trình 6 tháng tham vấn, các quốc gia thành viên trong đó có Việt Nam sẽ gửi ý kiến chính thức về tài liệu, số liệu, thiết kế, tác động, giảm thiểu tác động, giám sát.

Bản ý kiến này được chuẩn bị trên cơ sở báo cáo chuyên đề của nhóm công tác kỹ thuật trong nước, ý kiến các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng, các bên liên quan và ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo các cấp.

Ý kiến chính thức của Việt Nam bao gồm các nội dung: tóm tắt quan ngại của Việt Nam về tác động dự án trong bối cảnh phát triển bậc thang thủy điện dòng chính Mê Công; các đề xuất về chỉnh sửa thiết kế, bổ sung giải pháp vận hành, giám sát…

Quốc Anh